AI được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm Edtech tại Việt Nam
Đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành giáo dục được dự báo sẽ tăng từ 3,45 tỷ USD vào năm 2023 lên 23,82 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 38,00% từ 2024 - 2030. Edtech Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Bức tranh tổng quan về thị trường Edtech trong nước và thế giới
Ngày 10/8/2024, Sách Trắng công nghệ giáo dục (Edtech) Việt Nam 2024 đã chính thức được công bố tại Triển lãm Edtech Việt Nam 2024 (Edtech Expo 2024) và Tọa đàm "AI và học máy trong giáo dục".
TS. Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), cho biết GD&ĐT luôn là quốc sách hàng đầu của Việt Nam. Giáo dục và Y tế nằm trong top đầu những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) của quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và cũng đã ký tiếp Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022 phê duyệt đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030".
Theo ông Tô Hồng Nam, đối với doanh nghiệp (DN), Edtech là một thị trường rộng lớn và ổn định, với 22 triệu học sinh, sinh viên, 1,6 triệu giáo viên và 53.000 các trường mầm non, phổ thông trên cả nước và gần 400 trường đại học (ĐH).
Tính tổng cộng cả giáo viên và học sinh, số lượng người trong lĩnh vực giáo dục đã chiếm khoảng 1/4 hoặc 1/5 dân số cả nước, cho thấy tiềm năng của thị trường EdTech rất lớn, đủ sức hấp dẫn các DN sáng tạo.
“CĐS trong GD&ĐT, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, chính sách và nhân lực, phần công nghệ EdTech đóng vai trò rất quan trọng và thiết thực trong việc tạo ra hệ thống phần cứng và phần mềm thúc đẩy CĐS cho giáo dục”, Phó Cục trưởng Cục CNTT nói.
Theo TS. Tô Hồng Nam, Sách Trắng Edtech Việt Nam 2024 là một tài liệu rất bổ ích, mang lại bức tranh tổng thể về thị trường Edtech trong cả nước, cung cấp thông tin quý giá không chỉ cho các DN, mà cả các nhà trường và thầy cô.
Ông Tô Hồng Nam cho biết nhiều thầy cô từng chia sẻ “có quá nhiều giải pháp Edtech được đưa đến chào hàng mà bản thân thầy cô và nhà trường cũng không hiểu hết sản phẩm, trong khi đó thông tin chào hàng chủ yếu là những thông tin tích cực, hầu như sản phẩm nào cũng tốt”. Điều đó khiến các trường bối rối trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
Chính vì vậy, TS. Tô Hồng Nam cho rằng để có được sản phẩm Edtech tốt, đa dạng, giá cả phù hợp và đáp ứng thực tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa DN và nhà trường.
“Một bên sẽ đặt đầu bài, đưa ra yêu cầu và một bên thực hiện đầu bài đó. Một bên đánh giá và một bên phát triển, hoàn thiện sản phẩm”, ông Tô Hồng Nam nói và cho rằng Sách Trắng Edtech Việt Nam 2024 cũng như sự kiện Edtech Expo Việt Nam 2024 là cơ hội để DN và nhà trường gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu sản phẩm và trải nghiệm sản phẩm một cách thực tế, đồng thời có những phản hồi để DN hoàn thiện thêm sản phẩm.
Chia sẻ về Sách Trắng Edtech 2024, PGS. TS. Lê Hiếu Học, Trưởng khoa Khoa Edtech, ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết được khởi động bởi EdTech Agency, Sách Trắng Edtech Việt Nam 2024 là một tài liệu quan trọng cung cấp thông tin chi tiết và cập nhật về thị trường Edtech tại Việt Nam và thế giới. Sách được xuất bản hàng năm, bắt đầu từ năm 2020 và đã trở thành nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho các DN Edtech, nhà đầu tư và các đơn vị giáo dục.
“Sách Trắng nhắm mục tiêu kết nối và phân phối các sản phẩm, giải pháp Edtech từ thị trường nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại”, PGS. TS. Lê Hiếu Học nói. “Đây là công cụ hỗ trợ quan trọng cho các trường học và tổ chức đào tạo trong việc lựa chọn và phát triển các giải pháp Edtech phù hợp. Sách trắng cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển và đổi mới trong lĩnh vực Edtech tại Việt Nam”.
Sách Trắng Edtech Việt Nam 2024 được phân tích vĩ mô theo mô hình PESTAL. Mô hình PESTEL là một công cụ phân tích môi trường kinh doanh được DN sử dụng để đánh giá các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ. Mô hình này bao gồm 6 yếu tố: chính trị (political), kinh tế (economic), xã hội (social), công nghệ (technological), môi trường (environmental), và pháp lý (legal).
Nguồn dữ liệu được thu thập từ các cơ quan nhà nước (Chính phủ và các Bộ, Tổng cục thống kê...), tổ chức quốc tế (World Bank, ADB...), công ty tư vấn tư nhân của nước ngoài (HolonIQ, McKinsey, Dealroom, Statista...), và số liệu từ thông cáo báo chí của các DN. Bên cạnh đó là các nghiên cứu được thực hiện bởi Edtech Agency, bao gồm các báo cáo khảo sát, các bảng hỏi; phỏng vấn sâu đối với các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, Edtech và các nhà làm chính sách về giáo dục tại Việt Nam.
AI đã được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm Edtech tại Việt Nam
Quy mô thị trường Edtech khoảng 144,6 tỷ USD vào năm 2023. Thị trường Edtech được dự đoán sẽ tăng lên 457,97 tỷ USD vào năm 2032, thể hiện tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,50% trong giai đoạn dự báo ( 2023 - 2032).
Phân khúc thị trường Edtech, dựa trên ứng dụng sản phẩm bao gồm khối mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH và các phân khúc khác. Trong đó giáo dục ĐH chiếm hơn 1/3 doanh thu thị trường. Các cơ sở giáo dục ĐH, bao gồm các trường ĐH và cao đẳng, đặc biệt chú trọng đến nội dung giáo dục có chất lượng cho các ngành và khóa học khác nhau.
Đáng chú ý, quy mô công nghệ AI ứng dụng vào thị trường giáo dục được định giá 2,5 tỷ USD vào năm 2022. Năm 2023 được ví như năm của ChatGPT trong các sản phẩm Edtech. Ngoài ra, công nghệ GenAI trong giáo dục dự đoán quy mô thị trường đạt 5,3 tỷ USD vào năm 2032, tăng trưởng với tốc độ CAGR 40,5% trong giai đoạn 2023-2032.
Tại Việt Nam, doanh thu trên thị trường giáo dục trực tuyến ở Việt Nam dự kiến sẽ đạt 364,70 triệu USD vào năm 2024. Thị trường nền tảng học tập trực tuyến có giá trị ước lượng là 228,70 triệu USD vào năm 2024. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) trong thị trường giáo dục trực tuyến khoảng 42,69 USD năm 2024. Số lượng người dùng dự kiến sẽ lên tới 11,8 triệu người dùng vào năm 2029.
Có khoảng 750 DN Edtech hoạt động tại Việt Nam, cung cấp đa dạng sản phẩm thiết bị phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Khối DN nhà nước cũng tham gia phân khúc nền tảng và hệ thống quản lý học tập K12 bao gồm: Viettel, VNPT, Mobifone.
Các sản phẩm Edtech Việt Nam phân bố trên mọi phân khúc nhưng tập trung chính vào phân khúc ngoại ngữ và đào tạo K-12. Giáo dục STEM có khoảng 88.529 bài học STEM được triển khai trong năm 2021 - 2022 và 2022 - 2023 bắt đầu từ khối tiểu học. Trong năm 2023, nhiều sản phẩm Edtech nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam như Ielts Science, Global Exam v.v.
Sản phẩm phần cứng và IoT phục vụ cho việc phát triển mô hình trường học thông minh được cung cấp bởi nhiều công ty nước ngoài nổi tiếng: Samsung, ViewSonic,...
Các giải pháp hạ tầng và Internet cũng được quan tâm trong năm 2023 khi cần dung lượng lưu trữ đám mây để lưu trữ đảm bảo an toàn dữ liệu. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây bao gồm cả các nhà cung cấp trong nước và quốc tế như Viettel, FPT, VDC, VNPT,....
Thị trường Edtech Việt Nam cũng đã chứng kiến xu hướng ứng dụng các công nghệ mới nổi. Theo đó, AI đã được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm Edtech tại Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm Edtech đào tạo ngoại ngữ. Top các yếu tố công nghệ được sử dụng trong sản phẩm EdTech ở Việt Nam trong năm 2023 bao gồm ChatGPT, XR/AR/VR, STEM/ STEAM…
Trong năm 2023, thống kê của Google Trends cho thấy ChatGPT và OpenAI là 2 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam. Các tổ chức giáo dục sẵn sàng đầu tư tiền cho việc khám phá và trải nghiệm ChatGPT. Các sản phẩm Edtech tại Việt Nam cũng tích hợp ChatGPT để tăng trải nghiệm của người dùng thông qua tính năng trợ lý ảo, và hỏi đáp. FQA.vn là sản phẩm được coi là đầu tiên tích hợp Chat GPT, tiếp theo là các sản phẩm khác như onluyen.vn, Prep.vn, Kidsup, v.v./.