Mức độ đầu tư cao cho giáo dục sẽ tạo cơ hội để Edtech Việt phát triển
Theo thống kê, trung bình một gia đình Việt Nam dành khoảng 20% thu nhập khả dụng cho việc giáo dục con cái, so với mức 6%-10% ở các nước Đông Nam Á khác. Vì thế, cơ hội cho sự phát triển của lĩnh vực Edtech tại Việt Nam là rất lớn.
Thị trường Edtech không dành cho những doanh nghiệp “ăn xổi”
Theo Sách trắng Edtech Việt Nam năm 2023, thị trường Edtech Việt Nam có quy mô ước tính khoảng 3 tỷ USD vào năm 2023. Tốc độ tăng trưởng Edtech ở Việt Nam được ghi nhận ở mức khá cao, khoảng 20,2% mỗi năm trong giai đoạn từ 2019 - 2023, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 thị trường Edtech có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới (Ken Research, 2019).
Theo số liệu do Edtech Agency tổng hợp, tính đến tháng 6/2023 có khoảng 70 quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư hơn 400 triệu USD vào các startup Edtech Việt Nam.
Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng có thể ước lượng số lượng công ty Edtech sở hữu công nghệ riêng trên thị trường Việt Nam là không dưới 400 doanh nghiệp. Nếu tính cả các doanh nghiệp có sản phẩm Edtech đang vận hành trên nền tảng công nghệ của bên thứ ba thì con số này có thể lên đến 700 doanh nghiệp.
Điều này đã khiến các phụ huynh phải “đau đầu” trong việc tìm kiếm các nền tảng học online cho con em mình, trong đó, không ít người đã chọn phải các chương trình học kém chất lượng với chất lượng giảng dạy sơ sài, cắt ghép, không đúng với nội dung học tập trên lớp...
Đánh giá về câu chuyện “tranh tối, tranh sáng” của thị trường Edtech, Giám đốc điều hành Vuihoc Đỗ Minh Thu cho biết, đúng là trong và sau thời gian COVID-19, Edtech đã trở thành một thị trường rất nóng. Phụ huynh, học sinh từ trạng thái “chưa quan tâm” đã trở nên “quan tâm hơn” đến câu chuyện học online. Điều đó dẫn đến nhiều doanh nghiệp bước vào thị trường này với tâm lý “ăn xổi”, muốn kinh doanh trong thời gian ngắn hạn hơn là làm chính chu và có tâm.
“Như đối với Vuihoc, từ khi thành lập năm 2019 cho đến nay, đội ngũ sáng lập luôn xác định sứ mệnh sẽ trở thành nền tảng giáo dục tin cậy hàng đầu, ứng dụng công nghệ để mang đến cơ hội giáo dục chất lượng cho hàng triệu người, bất kể vị trí địa lý hay điều kiện kinh tế”, bà Thu chia sẻ thêm.
Khi được hỏi về tính tương tác trong sản phẩm có phải là sự khác biệt giữa các nền tảng Edtech hay không, đại diện Vuihoc cho rằng, nó chỉ là một trong số nhiều yếu tố để tạo nên sự thành công cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Bởi vì, quan trọng nhất vẫn là mục tiêu của mô hình kinh doanh của từng Edtech giúp giải quyết nỗi đau nào cho khách hàng và có khiến họ sẵn sàng trả tiền cho giải pháp đó hay không.
Chưa kể, để tồn tại lâu dài, các doanh nghiệp Edtech phải luôn thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Nhất là trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi mỗi ngày và ngày càng cao hơn. Do đó, bất kì công ty nào không có sự chuyển mình, thích ứng kịp đều sẽ bị đào thải.
Khó khăn đến từ việc giữ động lực và tương tác của học sinh khi học online
Về thuận lợi của Edtech hiện nay tại Việt Nam, theo bà Thu, đó là sự thay đổi trong quan điểm của khách hàng. Khi nhắc đến học online, đa phần người dùng đều đã được nghe đến, dù dưới những hình thức khác nhau và nhận thấy một số lợi ích thực sự từ mô hình này. Ngoài chất lượng chương trình, học online sẽ mang đến sự tiện lợi cho nhiều phụ huynh, nhất là những gia đình không có nhiều thời gian để đưa đón con đi học.
Tiếp theo, mức độ kỳ vọng của phụ huynh và tỷ lệ sẵn sàng đầu tư về học tập cho con cái ở Việt Nam khá cao, tương đồng với một số quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Vì thế, cơ hội cho sự phát triển của lĩnh vực Edtech là rất lớn.
Còn về khó khăn, ở chừng mực nào đó, do tiếp xúc với những chương trình học online kém chất lượng nên không ít phụ huynh đang có quan điểm cho rằng học trực tuyến sẽ không hiệu quả.
Để giải quyết bài toán này, do Vuihoc đã có một tập khách hàng nhất định nên chính những người dùng này sẽ giúp truyền tải thông điệp tích cực của chương trình học ở đây cho những phụ huynh khác như sự tiến bộ hay quá trình thay đổi kết quả học tập… của con em mình.
Còn đối với những phụ huynh mới, Vuihoc sẽ có những cam kết cho ba mẹ về tính hiệu quả hay cho trải nghiệm học tập thử để đánh giá chất lượng chương trình, trước khi quyết định có đăng ký cho con hay không.
Yếu tố thứ hai liên quan đến hạ tầng Internet và trang thiết bị. Do Vuihoc là một chương trình học online tương tác trực tiếp giữa thầy cô và học sinh nên tại một số vùng, do chất lượng mạng chưa thực sự tốt nên chất lượng hình ảnh, độ mượt video khi giảng dạy vẫn chưa đạt tiêu chuẩn cao. Điều này gây ra những khó khăn nhất định cho các học sinh khi theo học chương trình online.
Khó khăn cuối cùng cũng là một vấn đề mà các chương trình học online gặp phải, đó là làm thế nào để giữ được động lực và sự tương tác trong một thời gian dài cho học sinh.
Đó cũng là lý do Vuihoc đã tốn rất nhiều nguồn lực từ sản phẩm, công nghệ đến chuyên môn, chất lượng chương trình để giữ chân học sinh theo học lâu dài và có được hiệu quả học tập tốt.
Theo Sách trắng Edtech 2023, về mức chi cho giáo dục của các hộ gia đình, kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022, chi cho giáo dục bình quân 1 người đi học trong năm 2022 là 7.001.000 đồng/người/năm, giảm 1% so với năm 2020, và cũng là lần giảm đầu tiên sau 10 năm khảo sát. Chi cho giáo dục bình quân ở khu vực thành thị cao gấp 2 lần so với khu vực nông thôn.
Theo Bain & Company, trung bình một gia đình Việt Nam dành khoảng 20% thu nhập khả dụng cho việc giáo dục con cái, so với mức 6%-10% ở các nước Đông Nam Á khác.
Kỳ vọng 5-10 năm nữa sẽ có Edtech Việt trở thành kỳ lân
Cũng theo đại diện Vuihoc, trên thế giới, phần lớn Edtech kỳ lân ở thị trường Ấn Độ và Trung Quốc. Còn tại Việt Nam, ngay cả số lượng các kỳ lân cũng chưa thực sự nhiều (4 kỳ lân công nghệ -PV). Do đó, các nhà đầu tư cũng đặt ra nhiều kỳ vọng sẽ có một đại diện Edtech trở thành kỳ lân công nghệ.
So sánh với 10 năm trước, thị phần học online hiện nay đã bùng nổ hơn rất nhiều. Dù vậy, để trở thành kỳ lân công nghệ thì cần nhiều yếu tố hơn, kể cả về bài toán thị trường.
Hiện tại theo một số báo cáo thống kê, kỳ vọng tăng trưởng ngành online giáo dục nó sẽ rơi vào khoảng từ 20-30 % trong một năm. “Như vậy, theo tính toán, tôi cho rằng sẽ mất khoảng 5-10 năm nữa mới có Edtech kỳ lân tại Việt Nam”, bà Thu cho biết thêm.
Để làm được điều này, Việt Nam cần phổ cập Internet mạnh mẽ hơn nữa, cả về mạng cố định và mạng 5G để phụ huynh, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với việc học trực tuyến chất lượng cao nhất.
Khi được hỏi về câu chuyện có nên đưa ra các quy định về tỷ lệ học trực tuyến vào chương trình nhà trường hay không, bà Thu cho rằng, điều này là không thực sự cần thiết. Bởi vì, để việc học trực tuyến được tốt nhất thì nên xuất phát từ nhu cầu thực tế. Khi đó, thị trường học trực tuyến sẽ thực sự dành cho những đơn vị làm tốt và đáp ứng được yêu cầu thực sự của khách hàng./.