Ảnh hưởng của tham nhũng và FDI tới sự phát triển của các ngành dịch vụ công tại các nước ASEAN

Bình Minh| 30/08/2022 14:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Quá trình nghiên cứu về ảnh hưởng của tham nhũng và FDI tới sự phát triển của các ngành dịch vụ công tại các nước ASEAN, nhóm nghiên cứu từ Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra 3 nhóm giải pháp quan trọng để giảm thiểu tham nhũng trong khu vực ASEAN và tăng cường tính minh bạch trong các ngành dịch vụ công, nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng của khu vực.

Ảnh hưởng của tham nhũng và FDI tới sự phát triển của các ngành dịch vụ công tại các nước ASEAN - Ảnh 1.

Giao thông là một trong 3 lĩnh vực nghiên cứu. (Ảnh: Bình Minh)

Xem xét ảnh hưởng của tham nhũng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tới sự phát triển các ngành dịch vụ công tại khu vực ASEAN bằng cách phân tích đánh giá thông qua phần mềm STATA/SE 13.0 dựa trên nguồn dữ liệu thứ cấp đến năm 2020, nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Nguyễn Thị Phong Lan, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Nhóm nghiên cứu) xem xét ba ngành cơ bản là điện, giao thông, viễn thông tại đề tài "Ảnh hưởng của tham nhũng và FDI tới sự phát triển của các ngành dịch vụ công tại các nước ASEAN".

Mô hình nghiên cứu chỉ ra rằng tham nhũng có tác động bất lợi làm giảm sự phát triển của hai ngành điện và giao thông còn viễn thông có ảnh hưởng tích cực bởi yếu tốt tham nhũng không lớn. Kết quả cũng chứng minh rằng các nhân tố về thu nhập, độ mở của nền kinh tế cũng cần được đưa ra để thu hút các lợi ích đầu tư khác vào sự phát triển các ngành dịch vụ công, để đảm bảo đủ vốn để thực hiện theo các dự án cơ sở hạ tầng. Tỷ lệ lạm phát và tỷ giá hối đoái bằng cách nào đó dường như đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Từ đó, đề tài đưa ra một số hàm ý liên quan.

Năm 2018, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình của các nước thành viên ASEAN là 41,6 điểm, thấp hơn so với trung bình thế giới. Chỉ số này phản ánh thực trạng đáng báo động về tham nhũng tại các nước ASEAN và đặt ra một bài toán khó giải cho toàn khu vực khi muốn tiến tới mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện và bền vững. Tính đến nay, số lượng nghiên cứu được thực hiện về tham nhũng, quan liêu ở các nước ASEAN là không nhiều, điển hình có thể kể đến nghiên cứu: "Những tác động của tham nhũng tới hợp tác thương mại song phương giữa các nước ASEAN giai đoạn 2006 tới 2011: Tiếp cận bằng mô hình lực hấp dẫn" của Panpanut (2013); đề tài "Mối quan hệ giữa tham nhũng và đầu tư trực tiếp nước ngoài: Trường hợp ở các nước Đông Nam Á" (Bùi Thị Tuyết Nhung, 2015)...

Vấn đề tham nhũng là khá nghiêm trọng tại các nước ASEAN, bởi vậy qua nghiên cứu, phân tích, nhóm nghiên cứu đã làm rõ ảnh hưởng của nó đến cả FDI và sự phát triển các ngành dịch vụ công. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN là khu vực nhận được nhiều vốn FDI nhất. Nhưng đây cũng là khu vực không hấp thụ được lượng vốn do dịch vụ công chưa phát triển, khó đánh giá được ảnh hưởng của nó lên các vấn đề khác nhau của ngành.

Các quốc gia phải có chiến lược hội nhập phù hợp vào nền kinh tế thế giới và khu vực

Cụ thể, từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đưa ra 03 hàm ý chính sách về thu hút FDI.

Thứ nhất, cần quan tâm phát triển các ngành phụ trợ và hậu cần trong khu vực. Một trong những trở ngại chính của thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong khối ASEAN là việc thiếu ngành phụ trợ và hậu cần. Hiệu suất ngành hậu cần tốt hơn và yếu tố quan trọng trong mở rộng thương mại, đa dạng hóa xuất khẩu, tăng khả năng thu hút FDI và tăng trưởng kinh tế. Đây là một vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách nên tính đến khi thiết kế các chiến lược lâu dài để tăng cường sự hấp dẫn của các quốc gia đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tục thương mại, cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến hiệu quả của thị trường trong nước, đồng thời cũng là các yếu tố quan trọng được xem xét, quyết định đầu tư. Chỉ số hiệu suất hậu cần gồm các chỉ số về hải quan, cơ sở hạ tầng, giao hàng quốc tế.

Thứ hai, tăng cường các biện pháp chính sách hợp tác, tự do hóa thương mại khu vực, loại bỏ các rào cản đối với FDI. Sự gia tăng mạnh mẽ của xu thế hội nhập kinh tế đã đòi hỏi các quốc gia phải có chiến lược hội nhập phù hợp vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Trong bối cảnh đó, việc thực hiện chính sách tiếp cận hoàn thiện hơn để tự do hóa đầu tư và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực là cần thiết. Để xây dựng nên các chính sách chung này đòi hỏi sự hợp tác tốt hơn giữa thương mại, tài chính và đầu tư ở cấp Chính phủ và cấp Bộ trưởng để đảm đảm bảo rằng các chính sách tài chính phối hợp hiệu quả với chính sách thương mại và đầu tư. Các biện pháp chính sách loại bỏ các rào cản nên ưu tiên vào các vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài, yêu cầu sàng lọc và phê duyệt FDI, quyền sở hữu hay an ninh, quy định và thuế, cung cấp cơ sở hạ tầng, và hoàn thiện các chức năng của thị trường tài chính và lao động. Bên cạnh đó, việc thực hiện các hoạt động chung như hội thảo, hội nghị diễn đàn giúp tối đa hóa việc chia sẻ thông tin và đối thoại chính sách giữa các nhà làm chính sách và lãnh đạo các nước trong khu vực. Từ đó, tìm kiếm sự đồng thuận, thống nhất về các giải pháp chung.

Thứ ba, tăng cường công tác bảo đảm an ninh tính minh bạch trong quy trình, thủ tục. Một yếu tố quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài là tuân theo các quy trình rõ ràng và minh bạch trong thủ tục cấp phép và tiếp nhận đầu tư. Quá trình càng minh bạch, thỏa thuận càng ít có khả năng bị đảo ngược bởi một chính phủ tương lai. Tham nhũng, vốn cao ở các nước đang phát triển, là lý do phổ biến cho các thỏa thuận cơ sở hạ tầng bị phá vỡ, cũng được giảm thiểu bởi tính minh bạch. Vì vậy, việc minh bạch hóa các thủ tục là cấp thiết để chống lại "áp lực" trong nước qua việc sử dụng quy trình thủ tục ngầm không rõ ràng nhằm có lợi cho các nhà thầu nhất định.

3 giải pháp giảm thiểu tham nhũng trong khu vực ASEAN

Theo các chuyên gia, thứ nhất, ASEAN cần xây dựng một chính sách pháp luật và chiến lược chống tham nhũng hiệu quả. Trong đó, ba lĩnh vực chính mà một chiến lược chống tham nhũng hiệu quả cần tập trung và cũng là ba lĩnh vực quan trọng mà hiện nay đang kém phát triển nhất tại ASEAN bao gồm: bảo vệ người tố giác, kê khai tài sản và luật tiếp cận thông tin. Bảo vệ người tố giác là điều tối quan trọng, vì những người tố cáo tham nhũng thường phải đối mặt với các mối đe dọa hoặc không được xử lý tố cáo một cách công bằng.

Thứ hai, ASEAN cần hợp tác liên Chính phủ trong phòng, chống tham nhũng. Với tầm nhìn của ASEAN về hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia cao hơn dẫn đến sự cần thiết cho hợp tác chống tham nhũng lớn hơn. Nhiều cơ quan và chính quyền cấp địa phương và trung ương cần phải làm việc cùng nhau, không chỉ ở nước họ mà là liên kết với cả các nước trong khu vực để giải quyết các vấn đề tham nhũng chung.

Thứ ba, phòng, chống tham nhũng tại ASEAN cần có sự tham gia của doanh nghiệp và cá nhân. Bởi lẽ, đối với các cá nhân trong xã hội, để tạo ra một xã hội có khả năng chống tham nhũng cao hơn đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện hơn và có sự tham gia của công dân nhiều hơn. Tham nhũng được thực hiện bởi các cá nhân và vì vậy sự minh bạch chỉ bền vững nếu được xây dựng và củng cố bởi chính trách nhiệm và nhận thức của toàn công dân trong quốc gia. Đối với doanh nghiệp, một sự thay đổi tương tự trong tư duy cũng phải đến từ lĩnh vực kinh doanh. Có nghĩa là cần xây dựng nhận thức về hành vi minh bạch và thiếu minh bạch cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ảnh hưởng của tham nhũng và FDI tới sự phát triển của các ngành dịch vụ công tại các nước ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO