Truyền thông

Áp dụng công nghệ 4.0 vào công tác PCCC

Mai Hà 15/12/2023 13:41

Việt Nam là một trong những quốc gia thích ứng tương đối tốt với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhờ sự chủ động tạo dựng môi trường phát triển công nghệ với nguồn nhân lực chất lượng cao về ngành công nghệ. Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực PCCC & CNCH sẽ là bước ngoặt mới để bảo vệ an toàn, giảm thiểu rủi ro đến tài sản và tính mạng, mang lại hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, xác định nguyên nhân cháy.

Ứng dụng công nghệ trong phòng cháy chữa cháy
Hệ thống báo cháy tự động thông minh.

Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lĩnh vực PCCC và CNCH đã chứng kiến nhiều thay đổi. Công tác PCCC và CNCH đã và đang áp dụng các công nghệ hiện đại, mang lại hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, xác định nguyên nhân cháy.

Hệ thống mạng cảm biến thông minh

Việc sử dụng các mạng cảm biến không dây thông minh để xây dựng khung hệ thống PCCC và CNCH của các công trình có tác dụng phát hiện rò rỉ khí dễ cháy, khói và nhiệt giúp nhanh chóng phát hiện đám cháy, tiết kiệm thời gian so với kích hoạt bằng phương pháp thủ công. Các hệ thống vòi và đầu phun nước chữa cháy có thể được vận hành bằng cảm biến để phát hiện, điều chỉnh áp lực nước, lưu lượng theo mức phù hợp.

Internet và điện toán đám mây, blockchain

Sự kết nối Internet và điện toán đám mây được thiết lập nhằm thay đổi tất cả các ngành, trong đó có lĩnh vực PCCC và CNCH. Công nghệ này cải thiện sự kết nối giữa con người và máy móc, xóa nhòa ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo.

Công nghệ thực tế ảo còn đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo, huấn luyện kỹ năng, tâm lý cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thông qua việc mô phỏng các vụ cháy, tình huống CNCH, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và tiết kiệm chi phí thực hành, thực tế.

Với công nghệ Internet kết nối vạn vật, tất cả các công trình, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, trung tâm chỉ huy chữa cháy sẽ được số hóa và kết nối trực tiếp với nhau. Với công nghệ Blockchain, thông tin về các hệ thống nêu trên sẽ được mã hóa, phân cấp dữ liệu phục vụ việc chỉ huy chữa cháy và quản lý nhà nước về PCCC với tính bảo mật và khả năng khai thác thông tin lớn.

Trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cách thức hoạt động trong lĩnh vực PCCC và CNCH như việc lập kế hoạch về nguồn lực, mô phỏng, tính toán các mối nguy hiểm cũng như các phương án chữa cháy hiệu quả nhất.

Các trung tâm báo cháy sẽ không chỉ đơn thuần báo cháy tới người sử dụng hay các đơn vị chữa cháy gần nhất mà sẽ có khả năng phân tích địa điểm, chất cháy và tự động chữa cháy bằng các hệ thống chữa cháy phù hợp, thậm chí bằng các robot chữa cháy. Trí tuệ nhân tạo còn được sử dụng để phân tích âm thanh phát hiện rò rỉ trong đường ống dẫn khí, qua đó ngăn chặn được các thảm họa cháy do khí LPG.

Ở Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực PCCC và CNCH. Một mặt, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy sự phát triển của quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa, làm tăng nguy cơ cháy, nổ và đặt ra những vấn đề thách thức lớn đối với công tác PCCC và CNCH ở Việt Nam.

Nhưng mặt khác, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có thể hỗ trợ cho công tác PCCC và CNCH thông qua các ứng dụng của công nghệ hiện đại như: ứng dụng hệ thống cảnh báo cháy sớm, hệ thống báo động sinh trắc học, hệ thống tự động hóa tích hợp công nghệ mới, thiết bị chữa cháy thông minh công nghệ 4.0 với chip cảm biến nhiệt và khả năng nhận diện người trong khu vực có khói, xe chữa cháy mini công nghệ phun sương nước áp lực cao dạng nano…

Các tiến bộ về kết cấu, vật liệu chống cháy, trang thiết bị PCCC và CNCH, hệ thống quản lý nhà nước về PCCC và CNCH sẽ giúp quá trình thoát nạn, chữa cháy và quản lý diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, tốn ít sức người hơn và thu thập được dữ liệu đầy đủ hơn.

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an, cho rằng, công nghệ phòng cháy chữa cháy ngay cả tại Việt Nam cũng đang ngày một thông minh và tận dụng triệt để các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Còn Trung tá Bùi Ánh Quang, Giám đốc sản phẩm Tổng công ty Giải pháp Viettel cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia thích ứng tương đối tốt với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhờ sự chủ động tạo dựng môi trường phát triển công nghệ với nguồn nhân lực chất lượng cao về ngành công nghệ.

Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực PCCC và CNCH sẽ là bước ngoặt mới để bảo vệ an toàn, giảm thiểu rủi ro đến tài sản và tính mạng, mang lại hiệu quả trong việc phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, xác định nguyên nhân cháy. Hiện Viettel đã làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị cảnh báo sớm với hoả hoạn mà thời gian thông báo đến điện thoại của gia chủ không quá 10 giây. Các thiết bị này rất nhỏ gọn, kết nối không dây và pin của thiết bị có tuổi thọ tới 10 năm.

Theo đó, với hệ thống báo cháy tự động được trang bị ở các tòa nhà cao tầng, khi có cháy xảy ra, các đầu báo cháy sẽ phát tín hiệu về tủ báo cháy trung tâm, đồng thời, báo động đến các trung tâm thông tin chỉ huy lực lượng phòng cháy chữa cháy gần nhất.

Các xe cứu hỏa sẽ lập tức được điều động đến hiện trường để kịp thời xử lý hỏa hoạn. Trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra ở những vị trí quá cao, việc sử dụng máy bay không người lái cũng là giải pháp hữu hiệu để có thể dập tắt nhanh đám cháy.

Hiện nay, một công nghệ phòng chống chữa cháy thông minh đang được áp dụng ở nhiều toà chung cư là hệ thống báo cháy tự động kết nối không dây bằng sóng vô tuyến hay sóng Wifi. Mỗi đầu báo khói có thể dễ dàng gắn thêm lên trần nhà của từng phòng.

Khi có cháy tại bất kỳ phòng nào, đầu báo khói phát tín hiệu cảnh báo, và các phòng khác cũng nhận được tín hiệu cảnh báo tương tự. Thông tin sẽ ngay lập tức được gửi ngay đến điện thoại của chủ căn nhà và trung tâm thông tin chỉ huy của lực lượng phòng cháy chữa cháy gần nhất.

Các chuông báo cháy dân dụng điển hình chỉ có chức năng báo động và không có chức năng wifi, do vậy việc phát triển thiết bị đầu vào/đầu ra để liên kết hệ thống báo cháy dân dụng với loa thông minh là rất hữu dụng. Đặc biệt, với việc có thể kết nối với internet, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển các chức năng khác, như thông báo tự động và tiếp nhận cảnh báo thiên tai.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn sơ tán bằng biển báo kỹ thuật số, ứng dụng điện thoại thông minh, đa ngôn ngữ và trực quan hóa bằng các ký tự là hết sức cần thiết. Trong trường hợp hỏa hoạn hoặc thảm họa khác, cần có hướng dẫn sơ tán bằng hình ảnh và đa ngôn ngữ để đảm bảo rằng nhiều người (Ví dụ: người nước ngoài, người khiếm thính) trong tòa nhà có thể sơ tán an toàn.

Cùng với đó, những sản phẩm ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong phòng cháy, cánh tay robot chữa cháy tự động hay các giải pháp phòng cháy chữa cháy thông minh trong lĩnh vực xây dựng, giao thông… cũng là những công nghệ cần thiết cần đang áp dụng một cách rộng rãi. Đây đều là những giải pháp phòng cháy chữa cháy ứng dụng những xu hướng công nghệ mới nhất hiện nay.

Sự xuất hiện của các yếu tố và hỏa hoạn bất ngờ do không gian và môi trường sống mới ngày càng nhiều, vì thế cần thiết phải nghiên cứu phát triển và thương mại hóa các thiết bị chữa cháy, tích hợp các công nghệ mới, thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống phòng chống thảm họa và hỏa hoạn thông minh.

App “Báo cháy 114” là một ứng dụng hỗ trợ người dân thông báo cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ( PCCC và CNCH) các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn một cách nhanh và chính xác nhất bằng việc trực quan hóa thông qua các hình ảnh, video, âm thanh…

Ứng dụng giúp cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xác minh được ngay các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố là thật hay giả, vị trí chính xác địa điểm xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố; Đánh giá được cơ bản tình hình vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố. Đồng thời. ứng dụng đưa ra phương án để triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp; Giảm thiểu tối đa thiệt hại do các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố xảy ra.../.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng công nghệ 4.0 vào công tác PCCC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO