Chuyển đổi số

Ba chữ "P" then chốt trong chiến lược chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

Anh Minh 28/11/2023 05:56

Để thành công trong lộ trình tích hợp chiến lược chuyển đổi số (CĐS) và chuyển đổi xanh (CĐX), con người luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu với 03 chữ "P" then chốt.

Theo chuyên gia tư vấn CĐS FPT Digital, 3 chữ "P" là People - Leadership; People - Mindset và People - Culture.

CĐX là xu thế bắt buộc nếu DN muốn tham gia vào thị trường thương mại toàn cầu

Các DN trên thế giới đang đồng hành cùng các chính phủ thúc đẩy phát triển bền vững, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, nhằm không chỉ đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn tăng khả năng tiếp cận các cơ hội tài chính trước những thay đổi mang tính đột phá trong kỷ nguyên công nghệ mới.

Do đó, DN tất yếu cần phát triển theo xu hướng cam kết đối với các mục tiêu ESG: Bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội, nâng cao quản trị (Environmental, social, and corporate governance).

Các thị trường thế giới, đặc biệt là châu Âu, đang đặt ra nhiều yêu cầu đối với sản phẩm xuất khẩu, như các mặt hàng phải có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất chế biến có giá trị gia tăng, các loại hàng hóa xanh và tuần hoàn, thân thiện môi trường và khí hậu….

Để khai thác tốt lợi thế về thuế của các Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), DN Việt cần chú trọng đến yếu tố ESG.

dscf1578.jpg
Ông Nguyễn Thế Phương trình bày tại một Hội thảo về Digital ESG gần đây

Theo Báo cáo về “Chuyển đổi xanh - hướng tới tương lai bền vững” của FPT Digital phát hành trong quý III/2023 thì trụ cột môi trường trong ESG, thể hiện cách doanh nghiệp (DN) quản lý và giảm thiểu tác động của hoạt động kinh doanh của mình đến môi trường, là ưu tiên hàng đầu của các DN trên toàn thế giới.

Báo cáo cho biết có tới 80% DN có kế hoạch gia tăng đầu tư vào tính bền vững và 60% DN coi ESG là tiêu chí chủ chốt trong việc lựa chọn và ưu tiên cho các sáng kiến CĐS (gọi tắt là sáng kiến số). Phát triển kinh doanh theo định hướng ESG giúp mang lại nhiều lợi ích và giá trị đa chiều cả về khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội cho DN.

Nghiên cứu cho thấy có 50% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm tiêu dùng có tính bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và có 61% các DN phát triển bền vững ghi nhận đạt lợi nhuận ròng cao hơn so với các công ty cùng ngành.

Lộ trình CĐX (Green Transformation - GX) là xu thế bắt buộc các DN phải thực hiện nếu muốn tham gia vào thị trường thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, xu hướng CĐX hay còn là sự chuyển đổi hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, không dựa trên nhiên liệu hóa thạch và tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên, đang được các DN tích cực nghiên cứu áp dụng. Đó là tập trung chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, phát triển nhân lực xanh, tái tạo năng lượng và ứng dụng công nghệ xanh.

Tuy nhiên, việc tích hợp mục tiêu ESG vào chiến lược phát triển kinh doanh và chiến lược CĐS là một quá trình không dễ dàng, DN cần có phương pháp tiếp cận đúng, kế hoạch triển khai cụ thể và kiểm soát tốt quá trình thực hiện chuyển đổi.

Theo ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia tư vấn CĐS FPT Digital, điều này đòi hỏi các DN phải đánh giá một cách cẩn thận các mục tiêu ESG song hành cùng với chiến lược phát triển của DN, đồng thời tìm hiểu các giải pháp số phù hợp nhằm hỗ trợ hiện thực hóa các mục tiêu này.

Đây chính là “bài toán chuyển đổi kép” mà DN phải giải để phát triển, nghĩa là vừa CĐS vừa CĐX để vừa tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận vừa đảm bảo đáp ứng các yếu tố ESG.

Qua quan sát khi thực hiện các dự án tư vấn cũng như thông tin trao đổi với DN tại các Hội thảo, chuyên gia của FPT Digital nhận thấy tỷ lệ DN thực sự hiểu rõ về chuyển đổi kép “rất thấp”.

Lời giải cho “bài toán chuyển đổi kép”

Trong quá trình chuyển đổi kép, các DN Việt Nam có lợi thế nhờ các chính sách, chủ trương của chính phủ thông qua Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu, mục tiêu net zero vào năm 2050.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Thế Phương cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 111/183 nước xếp hạng về chỉ số cơ hội công nghệ thông tin (CNTT) và đứng thứ 126/181 nước xếp hạng về chỉ số cơ hội số.

Ngoài ra, mức độ trưởng thành số của Việt Nam cũng đang ở mức “Bắt đầu” - là mức “rất thấp”, và 34% DN hoàn toàn không có chương trình ESG.

dscf1658.jpg
Chuyên gia CĐS của FPT Digital cho rằng điều quan trọng trong CĐS, CĐX chính là chuyển đổi tư duy con người

Chính vì chưa có nhận thức sâu về CĐS và CĐX, nên cách nhanh nhất để DN Việt Nam có thể tiếp cận được khái niệm “chuyển đổi kép” là Chính phủ phải tăng cường hỗ trợ thông tin bằng các chính sách, quy định, công cụ hỗ trợ cụ thể, giúp DN được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách quản lý vĩ mô về CĐS và CĐX.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Phương cho rằng mỗi DN phải đánh giá rủi ro và cơ hội kinh doanh dựa trên sự tích hợp các nguyên tắc ESG vào chiến lược CĐS để từ đó nâng cao hiệu quả vận hành và tiệm cận trạng thái phát triển bền vững. Trong suốt quá trình chuyển đổi đó, DN phải liên tục đánh giá sự phù hợp và có những thay đổi linh hoạt khi cần thiết.

CĐS là cầu nối giúp hiện thực hóa các mục tiêu ESG song hành cùng mục tiêu phát triển kinh doanh của DN”, ông Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh. Trong báo cáo “Chuyển đổi xanh - hướng tới tương lai bền vững” của FPT Digital cũng đã đưa ra lộ trình gồm 5 bước chuyển đổi kép cho các DN.

Thứ nhất là nghiên cứu bối cảnh và thiết lập tầm nhìn, trong đó DN cần xác định rõ tác nhân chủ chốt dẫn dắt cho quá trình phát triển và tiệm cận tính bền vững trong ngành, hiệu quả vận hành hiện tại của DN.

Trong bước này, DN cần lưu ý đến các vấn đề như đánh giá kết quả thực hiện chiến lược và quản trị bền vững; xác định rủi ro phát thải carbon; đối chuẩn (benchmarking) để làm thước đo cải tiến; đánh giá năng lực đội ngũ lãnh đạo; đào tạo nhận thức về phát triển bền vững.

Thứ hai là xây dựng chiến lược và lập kế hoạch thực hiện. DN cần tích hợp tính bền vững vào chiến lược và mục tiêu phát triển kinh doanh (có thể đo lường được) để đảm bảo phản ánh đúng cam kết với mục tiêu CĐX.

Định hướng và kế hoạch bao gồm việc phân tích khoảng cách (giữa hiện tại và tương lai mong đợi); xác định chỉ tiêu cần đạt được; xây dựng và quản lý danh mục đầu tư bền vững; và cuối cùng là hướng tới chuyển đổi mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ số.

Bước thứ ba là triển khai hành động, trong đó tận dụng các yêu cầu về phát triển bền vững làm tiêu chí để nhận diện và kiểm soát rủi ro. Đặc biệt, nhận diện các các tác động tiêu cực tới môi trường; đảm bảo thực hiện phương án triển khai tối ưu nhất, một mặt đáp ứng được quyền lợi của các bên liên quan, mặt khác chọn lọc được các giải pháp công nghệ sạch giúp giảm phát thải carbon và thu hút thêm được các nguồn đầu tư tài chính xanh.

Thứ tư là giám sát, đo lường và báo cáo. Điều này có nghĩa là chiến lược và mục tiêu kinh doanh tích hợp phát triển bền vững phải được liên tục kiểm tra, ghi nhận kết quả và có những điều chỉnh linh hoạt khi cần thiết.

Cuối cùng là bước cải tiến, tự học hỏi và phát triển, tích lũy kiến thức, nâng cao, phát triển năng lực sản xuất kinh doanh từ chính những thành công lẫn thất bại trong quá trình thực hiện chuyển đổi kép.

Việt Nam đã có những hành động mang tính nền tảng ban đầu để bắt kịp xu hướng CĐX trên toàn cầu, tuy vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức. Để xây dựng tính bền vững như một lợi thế cạnh tranh, DN phải tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh dựa trên nền tảng chiến lược CĐS ngay từ đầu.

cds-xanh-va-so.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: europeanfiles.eu)

“Chiến lược kinh doanh - Chiến lược CĐS - Chiến lược chuyển đổi xanh” phải là kiềng 3 chân giúp DN vững vàng phát triển và vươn tầm quốc tế”, ông Nguyễn Thế Phương nói.

Để thành công trong lộ trình tích hợp chiến lược CĐS và CĐX, phục vụ cho mục tiêu phát triển DN, con người luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu với 03 chữ "P" then chốt.

Đó là: People - Leadership thể hiện tư duy và cam kết thực hiện của lãnh đạo; People - Mindset thể hiện tư duy và cam kết tham gia của đội ngũ; và People - Culture thể hiện văn hoá CĐS của tổ chức, trong đó văn hóa tổ chức được xây dựng dựa trên 03 yếu tố chính bao gồm: văn hóa linh hoạt (agile); văn hóa dữ liệu và văn hóa cộng tác.

Tóm lại, điều quan trọng trong CĐS, CĐX chính là chuyển đổi tư duy con người. Vì vậy, DN cần ưu tiên tác động tới nhân tố này thông qua đào tạo liên tục và truyền thông sâu rộng, giúp hình thành nguồn nhân sự số đáp ứng cho suốt quá trình chuyển đổi./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ba chữ "P" then chốt trong chiến lược chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO