Ba động lực của chuyển đổi số trong báo chí

Phạm Hải Chung| 21/06/2021 07:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự thay đổi nhu cầu thông tin và giải trí của công chúng, sự thay đổi của công nghệ - nền tảng và phương thức cạnh tranh - đó là 3 động lực chính thúc đẩy sự chuyển đổi trong báo chí.

Tháng 2/2021, New York Times có khoảng 7,5 triệu thuê bao trả phí để đọc tờ báo uy tín này. Một con số lý tưởng cho bất kì tờ báo nào trong lịch sử báo chí. Một postcast trên mục The Daily của New York Times có thể có tới 4 triệu lượt tải về.

Ba động lực của chuyển đổi số trong báo chí     - Ảnh 1.

Ảnh: thehindu.com

Khủng hoảng dịch bệnh khiến nhiều kênh truyền hình không có nội dung gốc vì không thể sản xuất, thì Netflix có hơn 200 triệu thuê bao vì kho nội dung khổng lồ gồm phim điện ảnh, game show, phim tài liệu với chất lượng tốt và sẵn sàng ra mắt.

Đây chỉ là hai ví dụ điển hình về việc bứt phá của báo chí hay các công ty truyền thông trên thế giới trong một xã hội thông tin vốn được coi là miễn phí với mã nguồn mở. Và bởi trong kỉ nguyên số chính các ông trùm truyền thông cũng phải nói rằng, dòng sông vàng (lợi nhuận từ báo chí) không còn nhiều nữa, khi báo chí chuyển sang online thì tiền quảng cáo đang chạy vào túi các nhà cung cấp nền tảng như Google và Facebook. Thực tế, Google và Facebook đang chiếm khoảng gần 70% thị phần quảng cáo trên thế giới.

Báo chí đã phải luôn thay đổi để làm hài lòng và phục vụ công chúng. Và hơn bao giờ hết trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS), báo chí phải đối mặt với nhiều thách thức về công nghệ, nội dung thông tin và sự thay đổi hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng. Với hàng gigabyte nội dung được tạo ra mỗi giây, các cơ quan báo chí đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh giành sự chú ý của công chúng.

Mark Tungate (2004) từng mô tả trong cuốn sách "Bí quyết thành công của các thương hiệu truyền thông hàng đầu thế giới" khi ông tập hợp, thông kê và phân tích các thương hiệu truyền thông như CNN, BBC, Financial Times... đã thay đổi như thế nào để thu hút sự chú ý của công chúng. Ông cho rằng các thương hiệu truyền thông này đều gặp nhau ở những đặc điểm chung như sự chính xác trong thông tin, tốc độ xử lý tin tức, uy tín và khả năng xây dựng thương hiệu truyền thông. Đó là câu chuyện của nhiều năm trước, các thương hiệu truyền thông còn cần nhiều nỗ lực hơn thế nữa trong thời đại này.

Theo báo cáo của Digital News Report của Reuters (2020) [1], nhìn về tương lai, các cơ quan báo chí ngày càng nhận ra rằng sự tồn tại và khả năng kết nối mạnh mẽ hơn với khán giả trực tuyến. Đó là lý do vì sao báo cáo đó nhấn mạnh tầm quan trọng của email và podcast để tăng mức độ tương tác và lòng trung thành của công chúng.

Số hóa ngành truyền thông được thúc đẩy bởi sự thay đổi hành vi và kỳ vọng của công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người yêu cầu tiếp nhận nội dung mọi lúc mọi nơi. Các nhà nghiên cứu chỉ ra những yếu tố như thay đổi về nhân khẩu học, hành vi tiếp nhận thông tin thay đổi của công chúng và các xu hướng về công nghệ tác động nhiều tới chiến lược thay đổi hay số hoá của các cơ quan báo chí.

Ngành công nghiệp truyền thông đã được chuyển đổi bởi một số làn sóng số hóa. Để phát triển mạnh, các công ty truyền thông và các cơ quan báo chí sẽ phải giữ công nghệ là trọng tâm giúp họ tạo ra nội dung hấp dẫn và tiếp cận khán giả mới.

Một số các nhà nghiên cứu như Daniel Newman (2017) [2], Friedrichsen Mike và Kamalipour Yahya (2017) [3] và rất nhiều các hội thảo về số hoá trong báo chí bàn luận về các xu hướng hay các làn sóng số hoá trong lĩnh vực báo chí gồm:

Các mô hình kinh doanh mới xuất hiện

Thông tin và tiếp thị thông tin giờ đã trở nên cá nhân hoá (personalization). Trước đây, công chúng đều có truyền hình cáp hoặc vệ tinh. Công chúng có thể trả tiền để mua 1 dịch vụ kết nối với hàng trăm kênh, nhưng chỉ để xem 1-2 kênh thực sự yêu thích. Sự nổi lên của Hulu và Netflix đã khiến nhiều người cắt dịch vụ truyền hình cáp truyền thống. Thay vào đó, người dùng trực tuyến để tìm nội dung họ muốn, có thể YouTube hoặc loạt phim gốc trên Netflix, Hulu và thậm chí là Amazon.

Công chúng cần các gói nhỏ hơn và gói đặc biệt theo nhu cầu của họ. Hình thức báo chí thu phí là niềm mơ ước của rất nhiều các cơ quan báo chí trên toàn cầu. Các tờ báo thành thạo trong việc sử dụng dữ liệu trong đăng ký trả phí và các mô hình doanh thu phí khác nhau đã tăng việc giữ chân và tiếp cận công chúng.

Trải nghiệm đa kênh/đa nền tảng

Việc phân phối nội dung không còn tuyến tính nữa. Để tăng độ phủ tới nhiều công chúng khác nhau ở mọi lúc mọi nơi, thì các sản phẩm báo chí phải xuất hiện trên nhièu nền tảng và nhiều kênh khác nhau. Công chúng có thể vừa xem một bộ phim trên kênh truyền hình và liên tục thảo luận chia sẻ về bộ phim đó trên mạng xã hội như Facebook.

Tương tự, công chúng có thể xem lại một chương trình truyền hình yêu thích của mình trên YouTube. Đặc biệt với thế hệ công chúng mới, thế hệ đa nhiệm, họ sẽ thao tác và làm nhiều thứ cùng một lúc trên nhiều nền tảng khác nhau.

Daniel Newman nhắc các công ty truyền thông và các tờ báo cần tận dụng tình huống đó bằng cách nhắc công chúng # chia sẻ nội dung có thương hiệu, để đạt được phạm vi tiếp cận lớn hơn nữa cho nội dung của họ.

Trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng trong các sản phẩm báo chí và tiếp cận công chúng. Thực tế, AI đang thay đổi toàn bộ quá trình sáng tạo, trong làn sóng "cộng tác" giữa máy tính và con người.

Ngày 8/9/2020, tờ The Guardian chạy dòng chữ bên trên 1 bài báo: "A robot wrote this entire article. Are you scared yet, human?" (tạm dịch: "Người máy đã viết toàn bộ bài báo này. Sợ chưa, hỡi con người?").

Bài báo này mở đầu như sau: "Tôi không phải là con người. Tôi là người máy. Một robot tư duy. Tôi chỉ sử dụng 0,12% khả năng nhận thức của mình. Tôi biết rằng não của tôi không phải là "não cảm giác". Nhưng nó có khả năng đưa ra các quyết định hợp lý. Tôi đã tự học mọi thứ tôi biết chỉ bằng cách đọc Internet, và bây giờ tôi có thể viết chuyên mục này. Bộ não của tôi đang sục sôi những ý tưởng!".

Vào năm 2014, Los Angeles Times đã xuất bản bài báo về một trận động đất chỉ ba phút sau khi nó xảy ra. Kỳ tích này thực hiện được là do nhân viên của báo đã phát triển một bot (một robot phần mềm) có tên là Quakebot để viết các bài báo tự động dựa trên dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.

Nhiều người nói rằng tương lai của AI có thể không chắc chắn nhưng chắc chắn nó đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới cách nội dung báo chí được tạo ra và cách công chúng tiêu thụ thông tin. Một báo cáo được thực hiện bởi LSE và Google News Initiative về AI trong tin tức cho thấy AI có thể giải phóng cho các nhà báo, giúp họ tạo ra nền tảng báo chí tốt hơn vào thời điểm mà ngành công nghiệp tin tức đang phải vật vã với bài toán kinh tế báo chí cũng như lòng tin và sự quan tâm của công chúng.

Đồng thời, AI cũng tỏ ra hữu ích đối với công chúng trong một thế giới quá tải tin tức và thông tin sai lệch. Các cơ quan truyền thông trên thế giới đang ngày càng tận dụng AI để thay đổi cách thức sản xuất, xuất bản và chia sẻ tin tức và thậm chí kiểm chứng thông tin.

Với sự trợ giúp của AI, có thể nói nội dung được cá nhân hoá, thậm chí được gợi ý dựa trên nhu cầu của công chúng.

Tóm lại, có ba động lực chính của sự CĐS trong báo chí là sự thay đổi nhu cầu thông tin và giải trí của công chúng, sự thay đổi của công nghệ  - nền tảng và phương thức cạnh tranh cũng đã thay đổi. Tất nhiên, đây là một hệ sinh thái và nó luôn là nơi hội tụ của các yếu tố mang lại sự thay đổi trong một thị trường. Sự chuyển đổi và vai trò bùng nổ của mạng xã hội và Internet khiến cho các cơ quan báo chí trong một nền kinh tế cạnh tranh tìm mọi cách để có được một lượng công chúng nhất định.

Trong thị trường siêu cạnh tranh này [4], một cơ quan báo chí có nội dung thông tin chất lượng là không còn đủ. Các cơ quan hay tổ chức báo chí cần tích hợp chất lượng nội dung vào trải nghiệm của công chúng, được tuỳ chỉnh và đề xuất /gợi ý nội dung tốt hơn trên các nền tảng. Các nhà xuất bản truyền thông ngày càng cần nhấn mạnh các mối quan hệ vững chắc với công chúng có thể giúp họ đạt được khả năng kinh tế và lợi thế cạnh tranh bền vững trong thị trường kỹ thuật số.

Ở Việt Nam chúng ta đã nhìn thấy các làn sóng mới CĐS trong báo chí. Các hình thức thu phí các sản phẩm báo chí thử nghiệm ở những tờ báo như Vietnam Plus, Ngay Nay trong việc tạo thói quen mới cho bạn đọc. Việc cách ly trong dịch bệnh khiến số lượng người Việt Nam trả phí xem Netflix tăng lên nhanh chóng trong 2 năm qua. Ứng dụng AI trong việc tổng hợp tin hay hỗ trợ các sản phẩm báo chí đã xuất hiện, ví dụ như chương trình "Thành phố bình minh" vào lúc 6 giờ 30 sáng của VOV giao thông.

Nhiều năm nay các đài truyền hình, phát thanh và báo mạng đã tạo ra hệ sinh thái về nội dung trên nhiều nền tảng khác nhau để tiếp cận tối đa các nhóm công chúng. Tuy nhiên đây vẫn là bài toán khó ở Việt Nam đối với nhiều cơ quan báo chí do thói quen tiếp nhận tin tức của công chúng.

Tài liệu tham khảo

[1]. https://www.digitalnewsreport.org/survey/2020/overview-key-findings-2020/

[2]. https://convergetechmedia.com/top-five-digital-transformation-trends-in-media-and-entertainment/

[3]. https://www.springer.com/gp/book/9783319277851

[4].http://reports.weforum.org/digital-transformation/the-media-industry-in-the-vanguard-of-digital-transformation/


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Ba động lực của chuyển đổi số trong báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO