Chính phủ số

Bắc Ninh: Thiết lập nhiều nền tảng số hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Anh Minh 16/10/2024 15:16

Tổ công tác đặc biệt của Bắc Ninh có nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin thông qua hệ thống truyền thông đa phương tiện, qua kênh Zalo hỗ trợ doanh nghiệp và qua các nền tảng số thiết yếu.

Tăng cường chuyển đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để xây dựng chính phủ điện tử

Chia sẻ về kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), chính phủ số (CPS) trong năm 2024 và kế hoạch định hướng năm 2025 của tỉnh, ông Nguyễn Trung Hiền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở TT&TT Bắc Ninh, cho biết để đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, Bắc Ninh tiếp tục tăng cường chuyển đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp (DN), gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

“Chúng tôi đã tổ chức các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số (CĐS) đảm bảo có lộ trình cụ thể, rõ người, rõ việc, dễ thực hiện, kiểm tra giám sát, lấy kinh nghiệm triển khai Đề án 06 làm mô hình mẫu để thực hiện”, ông Nguyễn Trung Hiền cho biết.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung xây dựng dữ liệu số của cơ quan nhà nước, xây dựng chiến lược, danh mục dữ liệu dùng chung và danh mục dữ liệu của các ngành, địa phương.

doanh-nghiep-thanh-lap-moi-bac-n.jpg
Bắc Ninh đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các DN trên nhiều kênh, nhiều nền tảng số. (Ảnh: Trang Thông tin đối ngoại tỉnh Bắc Ninh)

Theo lãnh đạo Sở TT&TT, Bắc Ninh đã triển khai quyết liệt, đảm bảo 100% hệ thống thông tin an toàn, nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến được đồng bộ lên Cổng DVC Quốc gia, nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính (TTHC) có nghĩa vụ tài chính. Đặc biệt, Bắc Ninh nỗ lực nâng cao tỷ lệ số hoá hồ sơ và tái sử dụng kết quả giải quyết TTHC để người dân, DN không phải lặp lại các TTHC đã làm trước đó.

Tỉnh cũng tiến hành rà soát, đánh giá nguồn nhân lực CNTT và sắp xếp cán bộ chuyên trách cũng như kiêm nhiệm CNTT thực hiện nhiệm vụ CĐS; nghiên cứu ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng.

Trong quá trình triển khai chính quyền điện tử, tỉnh Bắc Ninh đã đạt một số kết quả nổi bật như Chỉ số xếp hạng CĐS (DTI) năm 2022 của tỉnh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố (trong đó, Chính quyền số xếp thứ 10; Kinh tế số xếp thứ 5; Xã hội số xếp thứ 7). Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số an toàn thông tin mạng trong nhóm dẫn đầu cả nước, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở TT&TT, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Bắc Ninh gặp vẫn một số tồn tại, khó khăn trong việc thu thập, tổng hợp, số hóa dữ liệu. Một số sở, ngành, địa phương đang lưu trữ cát cứ dữ liệu và chưa được chuẩn hóa, làm sạch để có thể khai thác, tái sử dụng, đặc biệt là kết quả sinh ra trong giải quyết TTHC.

Nguyên nhân chính có thể kể đến là nhận thức của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tốt, chưa quan tâm đúng mức tới công tác CĐS tại đơn vị, địa phương mình quản lý. Ngoài ra, việc thiếu văn bản hướng dẫn về danh mục, tiêu chuẩn quy chuẩn dữ liệu của bộ, ngành, cơ quan Trung ương cũng khiến địa phương khó khăn trong quá trình triển khai.

Thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Những nỗ lực và kết quả xây dựng CPĐT của Bắc Ninh nhằm mục đích cải thiện hiệu quả quản lý, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến thuận tiện cho người dân và DN. Đặc biệt, môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại cũng góp phần giúp Bắc Ninh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Bắc Ninh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, với 5 tổ chuyên gia gỡ khó về các lĩnh vực: Quy hoạch - xây dựng; đất đai - môi trường; đầu tư; lao động; an ninh - an toàn.

Theo đó, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt chính là Chủ tịch UBND tỉnh, các phó tổ trưởng là các Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Thành viên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng và Phó Giám đốc Công an tỉnh.

Tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin thông qua hệ thống truyền thông đa phương tiện là Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh; thành viên thường trực và các tổ trưởng tổ chuyên gia gỡ khó; kênh Zalo hỗ trợ DN (đã có); số điện thoại, email cá nhân của thành viên thường trực và tổ trưởng tổ chuyên gia gỡ khó được công khai trên các trang/cổng TTĐT và các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Nguyễn Phương Bắc cho biết CĐS, xây dựng chính quyền điện tử đã hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh thông qua các nền tảng số thiết yếu.

img_0079-crop.jpg
Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh.

Hiện nay, Cổng TTĐT của tỉnh đã được 100% các cơ quan, đơn vị địa phương triển khai đáp ứng các tiêu chí theo Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ. Hệ thống cung cấp thông tin qua ngôn ngữ chính là Tiếng Việt. Ngoài ra, Cổng TTĐT của tỉnh cũng cung cấp cả ngôn ngữ Tiếng Anh, có chuyên trang dành cho DN FDI giúp truyền tải, công khai nhiều thông tin hữu ích về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thông tin quy hoạch, dự án theo quy định… trên địa bàn tỉnh.

Cổng TTĐT tỉnh còn có chức năng tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, DN kết nối liên thông với hệ thống quản lý văn bản điều hành để tiếp nhận các phản ánh, yêu cầu của người dân, DN trên địa bàn tỉnh về cơ chế, chính sách và khó khăn trong quá trình giải quyết TTHC.

“Ứng dụng Phản ánh kiến nghị trên thiết bị di động đã có phân hệ tiếp nhận phản ánh kiến nghị của DN, được liên thông với Cổng TTĐT tỉnh để cung cấp thêm công cụ gửi phản ánh dành cho DN trên địa bàn tỉnh một cách nhanh chóng, thuận tiện”, ông Nguyễn Trung Hiền cho biết thêm.

Theo thông tin tại Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác cải cách TTHC và giải đáp khó khăn, vướng mắc trong 9 tháng đầu năm 2024 của 10 địa phương thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Văn phòng Chính phủ, thực hiện chủ đề công tác năm 2024 “Khơi thông nguồn lực, phục hồi tăng trưởng kinh tế”, Bắc Ninh đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ về cải cách TTHC, giải quyết TTHC và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tổ chức.

Qua đó, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh ban hành 69 văn bản chỉ đạo điều hành công tác cải cách TTHC. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện rà soát, đánh giá TTHC thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết tại 3 cấp, ban hành Quyết định thông qua phương án đơn giản hóa TTHC áp dụng trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, tỉnh đề nghị cắt giảm 10 TTHC thuộc chức năng quản lý của các Bộ, đề xuất phân cấp đối với 24 TTHC.

Đến nay, tỉnh đã công bố 57 TTHC nội bộ giữa các cơ quan và thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC đối với 44/57 TTHC nội bộ, đạt tỷ lệ 77% số TTHC được đơn giản hóa. Chuẩn hóa, thực hiện đơn giản hoá đối với 92 TTHC phát sinh nhiều hồ sơ. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai cung cấp 1.361 DVC, trong đó toàn trình là 771, một phần là 590; tích hợp và cung cấp trên Cổng DVC quốc gia 1.117 DVC (đạt tỷ lệ 82,1%)./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bắc Ninh: Thiết lập nhiều nền tảng số hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO