Truyền thông

Báo cháy giả là hành vi vi phạm pháp luật

Phượng Lê 17/12/2023 15:12

Đường dây nóng 114 hoạt động 24/24h trong ngày, tiếp nhận cuộc gọi của người dân yêu cầu cứu hộ cứu nạn khi xảy ra cháy, nổ, mắc kẹt, đuối nước, sạt lở đất, sập nhà… Tuy nhiên, nếu gọi đến 114 để thông báo một vụ cháy không có thật, người gọi sẽ bị xử phạt.

Quy trình tiếp nhận cuộc báo cháy của tổng đài 114

Người dân chỉ cần bấm số 114, hệ thống tổng đài sẽ tự động chuyển cuộc gọi về cho đơn vị phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ gần nhất.

Tổng đài 114 hoạt động như sau: Khi nhận được cuộc gọi, hệ thống bản đồ số sẽ được kích hoạt để xác định vị trí của người gọi điện. Sau đó, điện thoại viên sẽ bấm chuông báo động. Trong vòng 1 phút sau đó, đội xe cứu hỏa sẽ được điều động rời trung tâm cứu hỏa đến ngay hiện trường. Trong thời gian chờ lực lượng cứu hỏa đến, điện thoại viên sẽ hướng dẫn người bị nạn cách xử lý tình huống mà người đó đang gặp phải.

21-114.jpg

Nguyên tắc hoạt động của đường dây nóng 114 là dù ở bất kỳ tỉnh thành nào khi người dân bấm số 114 (điện thoại bàn hoặc điện thoại di động cũng không cần bấm mã vùng), hệ thống tổng đài sẽ tự động chuyển cuộc gọi về cho đơn vị địa phương gần nhất. Tổng đài này hoạt động 24/24h và có rất nhiều đường dây nên không lo bị quá tải khi nhận nhiều cuộc gọi một lúc.

Để giúp lực lượng cứu hỏa làm nhiệm vụ tốt nhất, khi gọi điện đến số 114, người gọi cần cung cấp chính xác địa chỉ nơi xảy ra sự cố, thông tin cụ thể nhất về tình hình đám cháy hoặc tai nạn mà mình nắm được để những người cứu nạn cứu hộ có thông tin ban đầu để lên kế hoạch triển khai ứng cứu.

Người dân có tốn chi phí khi gọi lực lượng cảnh sát PCCC đến chữa cháy hay không? Theo quy định của pháp luật, lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hoàn toàn miễn phí. Mọi chi phí cho công tác tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đều do nhà nước chi trả. Điều đó có nghĩa, người dân gọi lực lượng Cảnh sát PCCC đến chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sẽ không mất bất kì một khoản chi phí nào.

Tuy nhiên, về nguyên nhân cháy nổ khi có kết luận điều tra và xác định rõ nguyên nhân là do cố ý hay sơ suất, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà bị xử phạt vi phạm hành chính, còn nếu vi phạm do lỗi cố ý mà gây hậu quả thì sẽ bị xử lý hình sự.

Mặt khác, cũng cần lưu ý cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không phải là lực lượng duy nhất thực hiện việc chữa cháy. Khi xảy ra cháy, ngoài việc gọi đến tổng đài 141, người dân có thể báo cho chính quyền địa phương, công an địa phương gần nhất, lực lượng dân phòng, lực lượng chữa cháy cơ sở.

Theo quy định của pháp luật, 4 lực lượng sau đây đều có nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và làm công tác cứu nạn, cứu hộ: Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành; Lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở; Lực lượng dân phòng.

Tổng đài khẩn cấp không phải nơi để trêu đùa

Nên nhớ rằng nếu phát hiện sự cố cháy, nổ, tai nạn mà không báo hoặc cản trở người khác báo tin cho cơ quan chức năng cũng không được phép.

Tuy nhiên, đường dây nóng 114, mặc dù là đường dây dành cho những tình huống khẩn cấp, hiện nay vẫn bị nhiều người vô ý thức gọi đến bỡn cợt, trêu chọc, thậm chí là báo tình huống khẩn cấp giả, làm lãng phí nhân lực, vật lực của ngành công an.

Trò đùa thiếu văn hóa này không chỉ vi phạm pháp luật mà có thể sẽ gây ra những ẩn họa khó lường…

Qua tìm hiểu và những phân tích của lực lượng chức năng, do có quá nhiều cuộc điện thoại kiểu trêu đùa này, khiến đường dây của tổng đài luôn bị nghẽn, có thể làm cho quá trình tiếp nhận, xử lý những thông tin báo cháy thật bị muộn, gây ra những thiệt hại khi cháy nổ xảy ra. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ PCCC luôn phải điều khiển phương tiện đến nơi xảy ra đám cháy với tốc độ cao, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông.

Hơn nữa, các cuộc báo cháy giả cũng gây lãng phí xăng dầu và căng thẳng tinh thần, tâm lý của các chiến sĩ PCCC. Chưa kể, sau khi tiếp nhận tin báo cháy, nhất là trong đêm khuya và rạng sáng, để xác định chắc chắn thông tin lực lượng chức năng phải xác minh qua chính quyền, lực lượng Công an địa phương, các cơ sở sản xuất... gây ảnh hưởng tới nhiều người.

2023_08_26_14_37_224.jpg
Bộ phận trực tiếp nhận thông tin báo cháy, báo sự cố, tai nạn của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Kon Tum.

Hành vi gọi điện tới tổng đài 114 để trêu đùa, cung cấp thông tin giả về tai nạn, cháy, nổ là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo luật.

Nghị định 144/2021/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

-Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

-Gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Không báo cháy, sự cố, tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn;

- Báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả.

Trong xu hướng số hóa, Bộ Công an đã triển khai app “Báo cháy 114”. Người dùng có thể tải App “Báo cháy 114” về điện thoại thông minh của mình, đăng ký sử dụng bằng số điện thoại.

App “Báo cháy 114” có 6 tính năng sau:

1. “Gọi 114” là tính năng gọi điện thoại trực tiếp tới Trung tâm thông tin chỉ huy 114, thông tin cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ về các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố tương tự như gọi điện thoại thông thường.

2. “Gọi bằng hình ảnh trực tiếp (video call) là tính năng gọi tới Trung tâm thông tin chỉ huy 114, thông tin cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH về các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố bằng hình ảnh trực quan và những thông tin chính xác về đám cháy, sự cố, tai nạn.

3. “Yêu cầu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ” là tính năng gửi hình ảnh hoặc đoạn video cho đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH, kết hợp với hình thức chat bằng âm thanh hoặc bằng chữ với tổng đài viên 114.

4. “Kỹ năng” là tính năng cung cấp các kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đề người sử dụng có thể trực tiếp tra cứu và học tập kỹ năng PCCC và CNCH.

5. “Tin PCCC” là tính năng truyền tải những thông tin về những vụ cháy, sự cố, tai nạn đang diễn ra tại các địa bàn cụ thể; thông tin về tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trong ngày, tuần, tháng trong nước và trên thế giới; những chủ trương về công tác PCCC và CNCH.

6. “Tôi an toàn” là tính năng báo an toàn tại vị trí xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố. Thông báo này sẽ được gửi cho danh sách người thân và đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH để biết.

Theo Bộ Công an, ưu điểm của App “Báo cháy 114” là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xác minh được ngay các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố là thật hay giả, vị trí chính xác địa điểm xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố;đánh giá được cơ bản tình hình vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố;đồng thời, đưa ra phương án để triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Kon Tum, trung bình mỗi ngày tổng đài 114 tiếp nhận khoảng 100 cuộc gọi đến. Trong đó, có rất nhiều cuộc gọi quấy rối như thử điện thoại, trêu đùa, chọc ghẹo, báo tin giả, nháy máy nhiều lần với những sim số không chính chủ khác nhau, thậm chí có những cuộc gọi chửi bới, có lời lẽ khó chịu đối với cán bộ, chiến sĩ trực thông tin. Thời điểm các cuộc gọi quấy rối nhiều nhất trong ngày thường vào giờ nghỉ trưa, nửa đêm. Đối tượng gọi điện quấy rối chủ yếu là trẻ em, thanh niên, người say rượu.

Tình trạng này xuất hiện nhiều hơn trong các kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, ngày cuối tuần. Việc gọi điện quấy rối Tổng đài 114 sẽ làm ảnh hưởng đến việc tiếp nhận tin báo cháy, báo sự cố, tai nạn, bởi các cuộc gọi đến báo tin thật cho tổng đài sẽ bị chiếm dụng đường dây./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chuyển phát bưu gửi nhanh nhất đến người nhận trước Tết
    Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng và giao hàng kịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bưu điện Việt Nam đã chủ động tối ưu sản xuất, ứng dụng công nghệ tự động hóa, dồn toàn lực cung cấp ổn định các dịch vụ bưu chính chuyển phát trên toàn quốc.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Báo cháy giả là hành vi vi phạm pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO