Báo chí truyền thông thời kỹ thuật số

Kiều My| 18/03/2022 16:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Bối cảnh báo chí truyền thông thế giới đang thay đổi cực kỳ nhanh chóng, cả về công nghệ truyền thông và nội dung của nó. Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt sau năm 2000, nhiều thông tin "miễn phí" và quảng cáo được phân loại đã được đông đảo người dân trên toàn thế giới tiếp cận. Internet trở thành khởi nguồn của cuộc cách mạng báo chí kỹ thuật số.

Nhọc nhằn thay máu

Báo chí và các phương tiện truyền thông khác đã thích ứng với môi trường công nghệ đang thay đổi liên tục bằng cách cung cấp các ấn bản trực tuyến để phục vụ nhu cầu đọc, nghe, nhìn của công chúng. Sự phát triển của mạng lưới toàn cầu "World Wide Web" đã làm thay đổi hoàn toàn bối cảnh xuất bản báo chí. Xuất bản kỹ thuật số đã rút ngắn thời gian sản xuất của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Trước khi có báo điện tử, tin tức về một vụ đánh bom tự sát ở ga tàu điện ngầm ở Nga sẽ được các phóng viên đưa tin và xuất hiện trên mặt báo vào ngày hôm sau. Nhưng ngày nay, một bản đồ tương tác về các địa điểm đánh bom được hoàn thành với độ chính xác cao và được xuất bản trên báo điện tử chỉ trong khoảng thời gian vài phút đến vài giờ.

Trang "Trendingtopmost.com" đã lên danh sách Top 10 tờ báo với cả ấn phẩm báo in và báo điện tử sẽ có lượng đọc cao nhất thế giới trong năm 2019 bao gồm: "The Daily Telegraph", "The Times of India", "The Sun", "Asahi Shimbun", "The Wall Street Journal", "The Washington Post", "People’s Daily", "The New York Times", "The Guardian" và " Daily Mail".

Từ đó có thể thấy rõ sự thay đổi lớn nhất trong báo chí - truyền thông không chỉ là sự xuất hiện của Internet, mà là số hóa nói chung. Hầu hết các tin bài, chương trình truyền hình, phát thanh… mà chúng ta sử dụng ngày nay đều được truyền tải ở định dạng kỹ thuật số. Và ngay cả những đồ vật phương tiện tương tự còn lại (sách báo giấy) mà chúng ta sử dụng - tất nhiên là không bao gồm tượng, tranh và các đồ vật mỹ thuật khác - thường được sản xuất hoặc in từ file kỹ thuật số.

Số hóa truyền thông đã làm cho việc trao đổi thông tin nhanh hơn và hiệu quả hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng chỉ 20 năm trước. Bối cảnh truyền thông hiện nay, theo các chuyên gia truyền thông, đang thay đổi với tốc độ nhanh đến mức các lý thuyết của chúng ta dường như không đủ để phản ánh thực tế của tình hình mới. Đồng thời, chúng ta vẫn chưa đưa ra những lý thuyết mới vững chắc để thay thế những lý thuyết cũ.

Sự phát triển của kỹ thuật số đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến báo chí và cả bản thân các nhà báo. Nếu trước kia, các nhà báo ở mỗi dạng như báo in, báo nói, báo hình,… đều có những kỹ năng riêng biệt, thì số hóa báo chí cũng đòi hỏi kỹ năng phóng viên trở nên đa dạng hơn. Ngày nay chỉ với một thiết bị như một chiếc điện thoại thông minh, các nhà báo có thể sử dụng thay thế máy ảnh, máy quay, thiết bị ghi âm, máy tính để cập nhật về sự kiện ngay lập tức.

Báo chí và mạng xã hội: Cuộc chiến sinh tử hay dựa vào nhau để sống?

Xuất bản báo chí truyền thông trên Internet đã khiến xu hướng báo chí thay đổi. Thay vì việc truyền tải và định hướng thông tin dư luận, báo chí truyền thông thời kỹ thuật số bắt đầu hướng đến các yếu tố tìm kiếm, xã hội và di động.

Tính đến cuối năm 2020, cả thế giới có tới 3,5 tỷ người, chiếm 46% tổng dân số, sử dụng mạng xã hội (MXH), trong đó một người trung bình sử dụng đến 9 tài khoản MXH khác nhau và dành ra 2 tiếng 16 phút/ngay lướt mạng. Con số đó cho thấy sức mạnh và tác động của MXH đối với đời sống hiện nay. Điều này đã khiến/buộc những người làm báo chí truyền thông phải tham gia, thậm chí sử dụng tin tức từ MXH vào các bài viết, tác phẩm báo chí của mình, nếu không muốn mình bị đánh văng ra khỏi vòng xoáy thông tin. Theo Viện nghiên cứu Báo chí Hoa Kỳ, ngay từ thời điểm năm 2013, có đến 60% các nhà báo trên toàn cầu đã sử dụng MXH Twitter, Facebook và LinkedIn. Số lượng này tăng đều và liên tục cho đến thời điểm hiện tại. Thực tế cũng cho thấy, nhiều nhà báo nổi danh trên MXH cơ bản là những người giỏi về nghề, được nhiều người mến mộ. Họ là những người được hưởng lợi rất nhiều từ các nền tảng MXH bởi do cách thức truyền đạt thông tin đến với độc giả phù hợp với xu thế mà MXH đã tạo ra.

Báo chí Truyền thông thời kỹ thuật số - Ảnh 1.

Nguồn: http://blog.ebyline.com năm 2020

Tuy nhiên, MXH đang mất dần uy tín vì tin giả (Fake news), nhất là khi dòng chảy thông tin đang có nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, về tin có kiểm chứng. Tin giả (Fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm cả truyền thông xã hội. Thực tế, những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật, được cung cấp bởi các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống. Đây là một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng, MXH (Facebook, Google, Zalo…) trở thành nền tảng lan truyền tin giả phổ biến nhất. Tin giả xuất hiện trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Để bảo đảm tính chân thật của tin tức, báo chí truyền thông nói chung, các cơ quan báo chí truyền thông và bản thân người làm báo cần xây dựng các kênh chính thống của mình trên MXH. Đây chính là nhiệm vụ của báo chí truyền thông, bởi qua MXH còn giúp xã hội nhìn rõ hơn giá trị của báo chí. Báo chí "cần phải thấy rõ giá trị của mình để phát huy, thay vì bắt chước thì hãy giữ giá trị cốt lõi của mình". Trong một cuộc khảo sát gần đây của Buzzfeednews, CNN hay New York Times là những tờ báo xây dựng tài khoản trên MXH được nhiều người dân tìm kiếm thông tin nhất.

Báo chí Truyền thông thời kỹ thuật số - Ảnh 2.

Nguồn: BuzzFeed News

Với sức mạnh và yếu điểm của MXH, báo chí truyền thông có thể tận dụng nó để "cộng sinh" và phát triển mạnh mẽ. Đó là hợp tác với MXH trong việc phát hiện, tìm kiếm, lựa chọn, lan tỏa thông tin một cách có thẩm định, chuẩn xác, khách quan, vì mục đích xây dựng một cách kịp thời, sâu rộng trên các tính năng ưu việt xuất hiện ngày càng nhiều, phổ biến… Báo chí tập trung coi trọng đổi mới nội dung, hình thức thông tin nhiều giải pháp khác nhau để đem đến bạn đọc, công chúng những thông tin đa dạng, phong phú, sâu sắc, khách quan cần thiết, nhiều người quan tâm, có hàm lượng tri thức cao, phù hợp với đông đảo bạn đọc, có chức năng giáo dục, thẩm mĩ, định hướng chuẩn mực. Báo chí tích cực, thường xuyên lắng nghe những dư luận trên mạng, phân tích, thẩm định, sàng lọc thông tin để từ đó có những kế hoạch, chiến lược, giải pháp cho việc tổ chức thông tin một cách khoa học, đa chiều, mang tính lý lẽ, luận giải để phản biện, chống lại cái sai, cái lệch lạc và chứng minh, ủng hộ sự thật khách quan, đúng đắn… 

Báo chí cần là lực lượng chính yếu trong việc chống lại các thế lực thù địch, những phần tử chống phá các quan điểm, chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, bền vững của Đảng và Nhà nước ta trên nhiều lĩnh vực, mặt trận khác nhau… một cách kịp thời, cương quyết, thuyết phục… Đồng thời, báo chí cần cân bằng dung lượng thông tin về các mặt tích cực và tiêu cực, về cái đẹp và cái xấu…, thông tin có trách nhiệm, mang tính nhân văn trên tất cả các lĩnh vực khác nhau để giúp bức tranh về tình hình đất nước luôn đúng mực, khách quan, chính xác hơn, tạo niềm tin cần thiết, có lợi cho sự phát triển chung của quốc gia, dân tộc…

Thay đổi cách làm thời COVID

Hai năm trở lại đây, đại dịch COVID-19 đã gần như làm thay đổi cục diện cả thế giới, trong đó có báo chí truyền thông. Năm 2020, Business Wire đã tiến hành khảo sát về tác động của COVID-19 đối với báo chí truyền thông. 37% nhà báo toàn cầu được khảo sát nhận định nhu cầu tin tức/lượng truy cập trực tuyến tăng vọt trong bối cảnh đại dịch. Tại Vương quốc Anh, Guardian Media Group đã cắt giảm hơn 180 việc làm để giảm chi phí. Tại Mỹ, một số hãng tin có lưu lượng truy cập tăng đột biến. Hiệp hội thương mại toàn cầu FIPP báo cáo, Tribune Publishing có doanh số đăng ký kỹ thuật số tăng 293% vào tháng 3/2020. Lưu lượng truy cập cũng tăng 150% tại San Francisco Chronicle, 120% tại Seattle Times và 100% tại Boston Globe vào đầu đại dịch. Theo Lucinda Southern của Digiday, đường cong trong tăng trưởng đăng ký đọc thường kỳ bắt đầu bằng phẳng vào cuối tháng 5/2020 nhưng các hãng tin như Bloomberg và The New York Times cho biết có dấu hiệu về tỉ lệ giữ chân người đăng ký đọc thường kỳ cao hơn.

Điều này cho thấy COVID-19 đang khiến những gã khổng lồ về công nghệ như Netflix và Google trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết, với doanh thu ngày càng lớn, bóp nghẹt khả năng tồn tại của các hãng nhỏ. Điều này đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại mất sự đa dạng trong ngành công nghiệp văn hóa kỹ thuật số và kẻ chiến thắng được tất cả". COVID-19 đẩy nhanh những thay đổi về chuyển đổi số (CĐS). Đi liền với đó là khó khăn trong phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ; áp lực thông tin từ mạng xã hội; rồi vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả; vi phạm bản quyền tràn lan...

Mặt khác, COVID-19 cũng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến cách đưa tin, công nghệ làm tin và đặc biệt là cách kiểm chứng tin tức. COVID-19 đã khiến đa số phóng viên tác nghiệp phải chấp nhận nguy hiểm đến từ việc lây nhiễm ở điểm nóng, khu vực phong tỏa, cách ly… Hầu hết mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn, ăn ngủ thất thường. Thậm chí, có những đêm thức trắng bám hiện trường, gửi thông tin, hình ảnh về tòa soạn để kịp đăng tải phục vụ độc giả. Nhưng điều đáng nói là sự bùng nổ thông tin chưa được kiểm chứng từ MXH. Chính vì vậy, việc đăng tải thông tin trên báo chí cần phải được xác minh, kiểm duyệt và bản thân phóng viên phải chịu trách nhiệm về thông tin đó.

Vì vậy, để báo chí phát triển tốt trong thời đại kỹ thuật số, nhất là giai đoạn đầy khó khăn của dịch COVID-19, các cơ quan báo chí nên chú trọng nhiều hơn CĐS trong báo chí như sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình tòa soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo một tòa soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện với độc giả.

Quá trình CĐS đòi hỏi các tòa soạn/tổ hợp báo chí phải lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, tái kết cấu phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, tạo sự thống nhất giữa các bộ phận xuất bản từ text, ảnh, phát thanh, truyền hình, đồ họa… Việc hội tụ thể hiện cả về kết cấu sắp xếp vị trí chỗ ngồi, đến phân cấp phân quyền lãnh đạo các đơn vị, cấp phòng, cho đến thiết lập các nền tảng quản trị nội dung hội tụ.

Các ứng dụng AI, Big Data, IoT bước đầu được triển khai để tạo ra các sản phẩm mới, cách tiếp cận thông tin hiện đại như: Ứng dụng trả lời tự động (Chatbot) trên báo điện tử VietnamPlus, hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác. Hiện nay, hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được nhiều đơn vị triển khai, như podcast, speech-to-text, loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng thư tòa soạn (Newsletter) hay tin tuyển chọn tử ban biên tập (Editors Picks) hoặc việc tiếp tục các kênh thông tin trên MXH, các ứng dụng di động để tăng độ tương tác với bạn đọc…

Công nghệ thời 4.0 đã và đang tạo điều kiện cho báo chí truyền thông phát triển theo hướng dễ dàng hơn, đồng thời cũng tạo áp lực không nhỏ cho khả năng giữ vững ngôi vị quyền lực thứ 4 trong xã hội. Vì vậy, cách duy nhất để báo chí truyền thông phát huy được khả năng của mình chính là sự thay máu, cho dù đó là sự thay máu nhọc nhằn nhất./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí truyền thông thời kỹ thuật số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO