Truyền thông

Báo chí với vai trò tăng lượng thông tin "sạch"

Trường Thanh 08:18 05/04/2024

Báo chí cần có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả cũng như tăng thêm lượng thông tin “sạch” cho công chúng, hạn chế cơ hội cho những đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, sự tò mò của người dân... để kích động, trục lợi.

Nhận diện tin giả, tin xuyên tạc

Tin giả, tin xuyên tạc xuất hiện từ rất lâu, ở mọi quốc gia nhưng trong những năm gần đây, với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng 4.0, nhất là mạng xã hội (MXH) thì tin giả thành vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà với hầu hết các quốc gia.

Tin giả, tin xuyên tạc được tạo dựng, phát tán gây nên những hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc cũng như thái độ, suy nghĩ và quyết định của người dân với nhiều vấn đề của đất nước.

Tin giả, tin xuyên tạc có ở tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Chúng thường xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như văn bản, hình ảnh, video clip nhưng được chỉnh sửa hoặc cắt ghép và thường được đăng tải trên các trang thông tin không chính thống, thông qua các nền tảng MXH và các ứng dụng tin nhắn hay các công cụ tìm kiếm trên Internet.

Động cơ của người, nhóm người tán phát tin tức giả loại này có thể vì nhiều mục đích khác nhau như: Tài chính, chính trị, hạ uy tín của cá nhân, tổ chức một cách có chủ đích hay chỉ đơn giản là để trêu đùa, nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Trong tham luận gửi tới Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Hội Nhà báo Việt Nam mới đây, nhà báo Bùi Thanh Thâm, Phó Trưởng ban Thời sự Chính trị, Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết: Trên không gian mạng, mọi người dễ dàng tham gia vào một nhóm (group) để trò chuyện và đưa ra quan điểm riêng của mình về một vấn đề mà họ đang quan tâm tác động, ảnh hưởng đến sự lựa chọn và xuất bản của cơ quan báo chí vì nó đáp ứng nhu cầu của công chúng về tính mới, lạ, khác thường...

Tin giả, tin xuyên tạc có thể núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau như những dòng trạng thái bàn một câu chuyện tại địa phương nhưng lại dùng hình ảnh tận bên kia địa cầu, thậm chí xảy ra từ rất lâu hay bức ảnh của lãnh đạo cấp cao bị gắn với một phát ngôn gây sốc, mọi người chia sẻ và bình luận mà không quan tâm xem nội dung đó có bị xuyên tạc hay không.

Tin giả, tin xuyên tạc còn xuất hiện trên mạng dưới dạng các clip tự tạo, cắt ghép thông tin không có thật, dùng công nghệ để phát tán nhanh, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Để tạo niềm tin của người đọc, người xem, họ còn tạo dựng những website, tài khoản MXH với những thông tin đúng trong thời gian đầu nhằm thu hút số lượng người xem, sau đó sẽ lồng ghép các thông tin giả để người tiếp nhận không còn phân biệt thật giả, đúng sai.

20210602-ta1.png

Báo chí có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả, tin xuyên tạc

Việc nhận diện tin giả, tin xuyên tạc và xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chuẩn để phòng ngừa, ngăn chặn và dập tắt hoặc làm giảm thiểu các thông tin xấu, độc trên MXH đang là vấn đề cấp thiết với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan báo chí, các nhà báo trong giai đoạn hiện nay.

“Thực tế này không chỉ yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, đòi hỏi trách nhiệm từ chính cơ quan báo chí, nhất là các nhà báo, bởi chỉ một dòng trạng thái của nhà báo trên mạng, chứ chưa nói vô tình phát tán thông tin, cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá nhân hay tổ chức, từ đó thông tin lan truyền, khó kiểm soát trên MXH, tạo “kẽ hở” cho các thế lực thù địch tấn công, gây hoang mang dư luận”, nhà báo Bùi Thanh Thâm chia sẻ.

Theo nhà báo Bùi Thanh Thâm, trong bối cảnh tin xuyên tạc và tin giả tràn lan, nguy cơ cuối cùng là việc công chúng có thể hoài nghi tất thảy mọi nội dung, bao gồm báo chí. Mọi người sẽ dễ có khả năng tin bất cứ nội dung gì được các MXH của họ ủng hộ, và phù hợp với cảm xúc của họ mà bỏ qua mối quan tâm của lý trí.

Báo chí, các nhà báo nên tránh lan truyền tin xuyên tạc và tin sai một cách bất cẩn và dễ dãi. Báo chí và các nhà báo cũng cần chủ động phát hiện và phơi bày những trường hợp và những hình thức mới của tin giả, tin xuyên tạc.

“Nguyên tắc kiểm chứng là cái tách biệt báo chí chuyên nghiệp với những gì còn lại. Xem đây là nguyên tắc, tiêu chuẩn chuyên môn, sống còn đối với báo chí để lập nên hàng rào phòng vệ chống tin xuyên tạc và tin sai. Có như vậy mới xây dựng nền móng về tính đáng tin cậy của báo chí”.

Nhà báo Bùi Thanh Thâm cho rằng, trên mặt trận phòng chống tin giả, tin xuyên tạc, báo chí phải đưa tin đúng và chính xác. Các nhà báo phải là những tiếng nói độc lập, không đại diện một cách chính thức hay phi chính thức cho những lợi ích đặc biệt và công bố bất cứ điều gì có thể cấu thành một xung đột lợi ích công.

Nhà báo cũng cần đưa tin một cách công bằng về các thông tin, các sự kiện, các nguồn tin và câu chuyện của họ bao gồm sàng lọc, cân nhắc và đánh giá thông tin một cách cởi mở và sáng suốt.

Hơn thế nữa, báo chí cũng cần có tính nhân văn. Những điều mà nhà báo xuất bản hay phát sóng có thể gây tổn thương, tác động xấu đối với cuộc sống của người khác cũng phải được cân nhắc. Ở đây phải dựa vào lợi ích công để cân nhắc.

Đồng thời, mỗi nhà báo, người làm báo cần phải đề cao tính trách nhiệm. Đây là dấu hiệu chắc chắn của sự chuyên nghiệp và đạo đức báo chí.

PGS. TS. Đinh Thị Thu Hằng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chia sẻ: "Bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, nền tảng văn hóa là những yếu tố quan trọng để hình thành tư duy, làm nền tảng cho những tác phẩm báo chí thật sự có giá trị và để người làm báo thực hiện vai trò người lính bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng".

tin-gia.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: dangcongsan.vn).

Bước tiến lớn trong việc đẩy lùi nạn tin giả, tin xuyên tạc trên MXH.

Năm 2023, bằng những biện pháp đấu tranh quyết liệt, khôn khéo, lần đầu tiên Bộ TT&TT đã đạt được những kết quả mang tính đột phá trong đấu tranh với các nền tảng MXH xuyên biên giới (Facebook, Youtube, Google, Tiktok...), buộc các nền tảng này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, xoá bỏ và ngăn chặn thông tin độc hại, nâng tỷ lệ xoá, chặn thông tin xấu độc trên 90% yêu cầu của Nhà nước Việt Nam với thời gian rút ngắn và tỷ lệ xử lý cao hơn, góp phần làm lành mạnh không gian mạng, bảo vệ thành công an ninh chính trị, tư tưởng trên không gian mạng.

Ba tháng đầu năm 2024, công tác giám sát tỷ lệ thông tin trên báo chí, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí là 18,11%, tăng 0,27% so với tháng trước (giảm 8,76% so với cùng kỳ). Tỷ lệ thông tin tích cực trên báo chí là 62,4%, giảm 4,5% so với tháng trước (tăng 4,36% so với cùng kỳ). Điều này được đánh giá là bước tiến lớn trong việc đẩy lùi nạn tin giả, tin xuyên tạc trên MXH.

Để ngăn chặn tin giả, tin xuyên tạc, nhà báo Bùi Thanh Thâm cho rằng cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện, thống nhất các quy định đối với doanh nghiệp (DN) nước ngoài kinh doanh Internet, viễn thông, báo chí, phát thanh, truyền hình tại Việt Nam. Buộc các DN cung cấp nền tảng MXH chịu trách nhiệm nhiều hơn về những nội dung được đăng tải. Cùng với đó là giáo dục nâng cao nhận thức sống trong không gian mạng bằng việc đưa giáo dục kỹ năng số trong nhà trường.

Ngoài ra, cần bồi dưỡng, tập huấn kiến thức cho những người làm báo để nhận diện tin giả. Những khóa bồi dưỡng này sẽ nâng cao nhận thức, mức độ cảnh giác của các nhà báo trong việc kiểm chứng nguồn tin trước khi đưa tin.

Các cơ quan chức năng cũng cần đổi mới phương thức cung cấp thông tin cho báo chí theo hướng chủ động hơn, nhanh hơn, tránh hành chính hóa vì nếu không cung cấp hoặc cung cấp chậm thông tin chính thống thì tin giả, tin xuyên tạc sẽ lấn lướt, làm lu mờ thông tin chính thống.

Quan trọng hơn cả là cần có nhiều giải pháp đồng bộ, từ nhiều phía, trong đó có trách nhiệm của cá nhân mỗi người làm báo và cơ quan báo chí cũng như bản thân mỗi người sử dụng, tiếp nhận các luồng thông tin, MXH nhằm tránh hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

Ở từng cơ quan báo chí, cần có quy trình chuẩn trong việc thẩm định, kiểm chứng, xuất bản để tránh vô tình phát tán tin giả, tin xuyên tạc, trong đó ghi rõ các cam kết đối với đạo đức, quan điểm đa dạng, tính chính xác, khả năng sửa lỗi và các tiêu chuẩn khác./.

Bài liên quan
  • Virus “tin giả” và vắc-xin chống “tin giả”
    Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội, những virus xấu, độc hại mang tên “tin giả” - “fake news” xuất hiện ngày càng nhiều, tinh vi, chuyên nghiệp. Tin giả hiện nay không chỉ dưới dạng tin, ảnh thông thường, mà còn có công nghệ bắt chước làm audio, video giống hệt giọng nói, phong cách. Dù là giả nhưng lại đang gây ra những hậu quả rất thật và trở thành vấn nạn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Báo chí với vai trò tăng lượng thông tin "sạch"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO