Bao giờ có sandbox?

Bảo Duy| 15/04/2022 09:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước hoàn tất, bắt đầu lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp.

Nội dung của Dự thảo sẽ cần trao đổi kỹ lưỡng thêm, nhưng tin này khiến giới fintech thực sự vui mừng. Cơ sở pháp lý để các ứng dụng trong lĩnh vực fintech của doanh nghiệp Việt Nam, của các start-up Việt Nam trở lại, xuất hiện ngay trên chợ ứng dụng của Apple (Apple store) đang ở trước mắt.

Cách đây 2 năm, các ứng dụng trong lĩnh vực fintech, đặc biệt là cho vay ngang hàng (P2P lending) của doanh nghiệp Việt Nam bị gỡ, bị chặn trên chợ ứng dụng của Apple. Lý do được đưa ra là Việt Nam chưa cấp phép cho các ứng dụng đó; cơ sở pháp lý với fintech chưa rõ ràng. Hệ quả là, như nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này đã nói, họ thua doanh nghiệp ngoại ngay trên sân nhà, vì những người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu chỉ có thể chọn các ứng dụng nước ngoài.

Lo ngại của doanh nghiệp không chỉ là những rủi ro, bất ổn lớn mà người tiêu dùng sẽ phải đối mặt khi sử dụng các ứng dụng nước ngoài (hiện không chịu bất cứ rào cản nào), mà còn là sự chảy máu thông tin vô cùng quý báu về người dùng. Nếu cơ sở pháp lý càng chậm được ban hành, rủi ro sẽ càng gia tăng.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, mối lo còn nhiều hơn. Các cơ quan quản lý tài chính - tiền tệ của nhiều quốc gia đã nhắc tới những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà đầu tư… Đó còn là những thách thức mới trong công tác quản lý do sự xuất hiện các công ty fintech cung ứng hoặc tham gia, hợp tác cung ứng dịch vụ, giải pháp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như cho vay ngang hàng, thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý tài chính cá nhân, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API), chấm điểm tín dụng (Credit scoring)...

Đây chính là cơ sở để có các sandbox trong lĩnh vực fintech và cũng có lý do để lý giải những cẩn trọng trong xây dựng sandbox. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang mong mọi việc sẽ tăng tốc nhanh hơn.

Năm 2016, Việt Nam có khoảng 40 công ty trong lĩnh vực này. Giờ đây, con số đã tăng lên 200 công ty, nhưng phần lớn là các doanh nghiệp P2P landing đăng ký hoạt động ở nước ngoài. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang bày tỏ mối quan tâm, bởi Việt Nam được coi là thị trường hấp dẫn, là bàn đạp tiềm năng để các nhà đầu tư nước ngoài bước vào thị trường Lào, Campuchia...

Năm 2017, đã có những đề xuất đầu tiên về việc cần có sandbox cho fintech, nhưng đến đầu năm 2020, các đề xuất xây dựng nghị định mới được bàn đến. Sau đó 1 năm, Chính phủ đã đồng ý và tới nay, Dự thảo đang được lấy ý kiến.

Đáng nói là, đã có những thay đổi rất lớn của thị trường này trong thời gian qua và nếu sự chậm trễ còn kéo dài, thì rất có thể, những dự liệu hiện tại cũng có thể thay đổi.

Trong một cuộc hội thảo mới đây về chủ đề này, giới chuyên gia pháp lý cho rằng, sandbox là không gian để doanh nghiệp thử nghiệm vận hành sản phẩm, dịch vụ mới, nhưng cũng chính là nơi các cơ quan quản lý nhà nước có thể tìm hiểu, học hỏi những gì doanh nghiệp đang làm, học cách đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình thử nghiệm. Chính trong quá trình thử nghiệm này, doanh nghiệp được giảm nhẹ, miễn trừ một số thủ tục pháp lý; cơ quan quản lý nhà nước cũng học để hiểu, từ đó ban hành văn bản điều chỉnh các hoạt động này.

Sau khi doanh nghiệp “tốt nghiệp” lớp sandbox, các nước hay quy định trong thời gian 12-24 tháng hoặc có thể gia hạn thêm, các cơ quan quản lý nhà nước cũng “tốt nghiệp” lớp đó. Cũng có nghĩa, việc xây dựng sandbox cần có quy trình mang tính thử nghiệm, không nhất thiết phải tuân thủ thủ tục xây dựng pháp luật như thông thường. Tư duy xây dựng, thiết kế sandbox cũng cần được tạo không gian mang tính thử nghiệm cao.

Chỉ khi đó, đáp án cho câu hỏi “bao giờ Việt Nam có sandbox đúng nghĩa?” mới thực sự rõ ràng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ có sandbox?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO