Báo QĐND giải bài toán thực tiễn chuyển đổi số
Cùng với sự chuyển mình của nền báo chí, đặc biệt xu hướng chuyển đổi số (CĐS), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã có những chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ để tiếp tục khẳng định là cơ quan báo chí hiện đại, đa phương tiện chủ lực của quốc gia.
Là một trong 6 cơ quan được Chính phủ phê duyệt là cơ quan báo chí truyền thông chủ lực, đa phương tiện, hiện đại, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) Điện tử bắt đầu CĐS từ khá sớm và đạt được những kết quả nhất định.
Chia sẻ tại Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN” về kinh nghiệm thực tiễn quản trị tòa soạn số ở Báo QĐND, Đại tá Nguyễn Hồng Hải, Phó Tổng Biên tập Báo QĐND cho biết, Báo QĐND điện tử đang CĐS dựa trên 3 nền tảng gồm: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng phân tích thông tin, dư luận mạng xã hội (MXH); nền tảng hỗ trợ phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin.
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Hải, cũng như các cơ quan báo chí khác, Báo QĐND đang phải cạnh tranh thông tin khốc liệt với MXH. Môi trường cạnh tranh của Báo QĐND đầu gói gọn trong lĩnh vực báo chí, với những tờ chính luận như: Nhân Dân, Thông tấn xã Việt nam (TTXVN), Công an nhân dân, VOV...
Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông xã hội bùng nổ như hiện nay, các nền tảng MXH như Facebook, YouTube, TikTok... đều là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của báo chí, về cả tốc độ sản xuất, đăng tải nội dung, mức độ phổ biến, tương tác đến khả năng lôi cuốn và hấp dẫn độc giả.
Với phương châm "bạn đọc ở đâu, báo QĐND ở đó", để đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin báo chí đến bạn đọc, hiện nay, Báo đang khai thác trên các nền tảng MXH (YouTube, TikTok, Facebook...) và coi đây là một trong đối thủ cạnh tranh quan trọng. Cụ thể, Facebook của Báo QĐND là một trong những Facebook có lượng tương tác cao; có 85.000 người thích và 305.000 người lượt theo dõi.
Trong khi đó, TikTok của Báo QĐND đạt gần 600.000 người theo dõi (followers), gần 8 triệu thích với hơn gần 90 triệu lượt xem video và đang phát triển nhanh trong năm 2023. YouTube của Báo QĐND cũng vượt 117.000 người đăng ký, đạt nút bạc YouTube từ năm 2023. Chương trình video, clip, podcast của Báo QĐND đa dạng, và ngày càng hấp dẫn hơn.
Podcast đã đưa lên nền tảng Spotify và kênh YouTube. Đặc biệt longform đang hướng đến những chủ đề nóng được bạn đọc quan tâm. Ngoài ra, Báo QĐND cũng đang đẩy mạnh phát triển báo chí dữ liệu trên các nền tảng...
Từ những kết quả này, Báo QĐND tiếp tục phân tích điểm mạnh, điểm yếu để lựa chọn phương thức phát triển phù hợp với từng giai đoạn của tòa soạn.
Báo QĐND đẩy mạnh CĐS, lấy chất lượng nội dung làm trung tâm
Đại tá Nguyễn Hồng Hải cho biết, CĐS nói một cách chung chung thì rất đơn giản, nhưng đi vào thực tiễn lại là một bài toán hóc búa, nhất là với Báo QĐND có quy mô lớn nhưng lại bị hạn chế về nguồn nhân vật lực. Vì vậy, việc đầu tiên mà Báo QĐND điện tử phải làm hạ quyết tâm thực hiện CĐS là phải tìm câu trả lời cho 3 vấn đề, đó là: xác định xem CĐS ở mặt nào, hướng đến điều gì và làm như thế nào, thay vì đầu tư dàn trải với CĐS toàn diện.
Sau khi xem xét tất cả các ý tưởng cũng như đánh giá điều kiện thực tế của đơn vị, Báo QĐND điện tử lựa chọn 2 giải pháp cho 2 vấn đề riêng biệt làm ưu tiên thực hiện trước tiên, đó là CĐS trong chiến lược nội dung và trong quản trị nội bộ.
Về chiến lược nội dung
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Hải, để Báo QĐND điện tử phát triển bền vững, nội dung vẫn là yếu tố cốt lõi có tính sống còn. Do đó, Báo QĐND đang tập trung phát triển nội dung một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Hướng tập trung chính vào phát triển nội dung chính luận, đa phương tiện và báo chí dữ liệu, đồng thời phát huy thế mạnh, tính độc quyền về lĩnh vực quân sự quốc phòng của Báo.
Trong bối cảnh người dùng bị chi phối bởi thông tin khó xác tín từ các nền tảng truyền thông xã hội, Báo QĐND đang hướng đến những bài viết sâu toàn cảnh, dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, với cách trình bày hướng nhiều tới trực quan, đa phương tiện, tương tác và cá nhân hóa.
Mặt khác, các thông tin ngách lại cần đầu tư để có được những tệp nội dung đáp ứng từng nhóm độc giả trung thành. Thông tin đại trà mà độc giả có thể đọc ở bất cứ đâu sẽ không phải là lợi thế của báo điện tử.
Trước thách thức cạnh tranh độc giả từ các nền tảng MXH, Đại tá Nguyễn Hồng Hải cho biết, Báo QĐND điện tử đã thực hiện giải pháp cơ bản mà rất nhiều đơn vị báo chí khác tại Việt Nam đã làm trong những năm gần đây, đó là đưa nội dung lên nhiều nền tảng khác nhau, hay nói cách khác, hợp tác với đối thủ, tranh thủ ưu thế về người dùng của các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh lan tỏa thông tin, tạo ra hệ sinh thái cho website qdnd.vn.
Trong mối quan hệ cộng sinh này, ưu thế của báo chí là năng lực sản xuất nội dung và tính chính thống của thông tin càng phải được đẩy mạnh.
Phó Tổng Biên tập Báo QĐND nhấn mạnh, phân phối nội dung lên các nền tảng MXH, chứ không phải thực hiện thao tác vật lý đơn giản để chuyển toàn bộ nội dung trên mặt báo lên MXH. Những nội dung này phải được tối ưu hóa, tìm được “cách kể chuyện riêng” dựa theo đặc thù của mỗi nền tảng.
Về quản trị tòa soạn
Bên cạnh chiến lược CĐS về nội dung dành cho độc giả, có một lĩnh vực khác mà Báo QĐND điện tử tin rằng phải thực hiện nhanh nhất, triệt để nhất có thể, đó là CĐS trong quản trị nội bộ.
Đại tá Nguyễn Hồng Hải có quan điểm rằng một tờ báo điện tử hoạt động trong môi trường số thì bản thân tòa soạn cũng phải được số hóa trong khâu vận hành.
Hiện nay, Báo QĐND điện tử đang tiếp tục tự xây dựng, phát triển hệ thống quản lý nội dung (CMS). Đối với nhiều báo điện tử, CMS “nguyên thủy” chỉ là công cụ xử lý về mặt nội dung. Tuy nhiên, Báo QĐND điện tử đang tìm cách nâng CMS lên mức cao hơn, trở thành trái tim của tiến trình CĐS.
“Chúng tôi hy vọng, tính năng được ưu tiên phát triển đầu tiên trên CMS là tích hợp thành công những công cụ hỗ trợ sản xuất báo chí đa phương tiện; Tiếp theo, phân tích trực tiếp các số liệu thu được từ các hệ thống đo lường, đánh giá uy tín của quốc tế”, Đại tá Nguyễn Hồng Hải cho biết.
Về quản trị tòa soạn số, Báo QĐND đang nhấn mạnh vào nhiệm vụ: Xây dựng hệ thống phần mềm tòa soạn hội tụ; xây dựng bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động đối với phóng viên, biên tập viên.
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Hải, cách tính KPI linh hoạt, chi tiết, khoa học trên CMS sẽ giúp phóng viên, biên tập viên nắm rõ được năng suất làm việc của bản thân, từ đó có định hướng công việc tốt hơn. Đồng thời, việc nắm bắt được chỉ số KPI một cách trực quan cũng biến CMS trở thành cánh tay nối dài cho lãnh đạo phòng, ban chuyên môn trong việc quản lý, tối ưu hoá nhân sự./.