CĐS báo chí Thái Nguyên để đưa thông tin và nhà báo đến gần bạn đọc hơn
Các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình (PTTH) và thông tin của Thái Nguyên đã và đang chuyển đổi số (CĐS) để đưa thông tin và nhà báo đến gần bạn đọc hơn.
Một số công tác CĐS tại các cơ quan báo chí, thông tin tỉnh Thái Nguyên
Đảng bộ Báo Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về CĐS, trong đó mục tiêu trọng tâm là xây dựng Toà soạn điện tử và phát triển Báo Thái Nguyên theo hướng hiện đại, đa phương tiện, đáp ứng yêu cầu của thời đại số.
Báo Thái Nguyên đã đầu tư các thiết bị để 100% cán bộ, phóng viên, biên tập viên có phương tiện tác nghiệp, nộp tác phẩm báo chí, biên tập thông qua hệ thống mạng nội bộ; đào tạo bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng sử dụng các thiết bị điện tử, phục vụ sản xuất báo chí hiện đại, đa phương tiện cho 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Báo đã huy động tối đa các nguồn lực xã hội hoá để đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại. Đặc biệt, Báo Thái Nguyên đã xây dựng Đề án và tiến hành nâng cấp, phát triển báo điện tử và giải pháp toà soạn điện tử. Báo đã nâng cấp giao diện CMS và xây dựng ứng dụng (app) Báo Thái Nguyên điện tử, ứng dụng công nghệ HTML5, công nghệ mới nhất hiện nay.
Báo cũng tích cực chia sẻ bài viết trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) nhằm thu hút đông đảo bạn đọc truy cập. Từ năm 2021 đến nay, trên 33.300 tác phẩm báo chí được đăng trên các nền tảng MXH: Fanpage Thái Nguyên, YouTube Báo Thái Nguyên, Zalo Báo Thái Nguyên, Tik Tok Báo Thái Nguyên, thu hút hàng chục triệu lượt người xem. Thông qua các nhóm quản trị, chia sẻ trên MXH, Báo Thái Nguyên đã xử lý khoảng 18.000 bình luận xấu, độc, tiêu cực các tài khoản áo trên mạng.
Trong khi đó, Tạp chí Văn nghệ của tỉnh ngoài việc xuất bản định kỳ Tạp chí in đảm bảo nội dung và chất lượng, đã phát triển Tạp chí điện tử và tuyên truyền trên các ứng dụng nền tảng xã hội. Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử duy trì tin, bài cập nhật thường xuyên. Các chuyên mục, loại hình bài đặc thù, thế mạnh của báo điện tử được quan tâm, duy trì, nhất là dạng bài đa phương tiện (có clip minh hoạ). Chuyên mục Podcast “Xóm chòi kể” chạy trên các nền tảng YouTube, Spotify giữ đều đặn mỗi tuần 1 số.
Trung tâm Thông tin - Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc liên kết Cổng thông tin với ứng dụng công dân số Thái Nguyên - C-ThaiNguyen và đăng thông tin chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trên hệ thống C-ThaiNguyen; lựa chọn thông tin đăng trên nền tảng MXH Zalo, thành lập fanpage Cổng TTĐT trên Facebook. Những thông tin đăng tải trên Cổng TTĐT luôn đảm bảo tính chính xác, kịp thời, có tính định hướng nên đã trở thành nguồn thông tin uy tín, tin cậy. Cổng TTĐT phiên bản tiếng Anh được duy trì hoạt động và cập nhật thông tin, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Thái Nguyên, thu hút đầu tư vào tỉnh.
Trung tâm Thông tin cũng thực hiện việc hợp tác với các cơ quan báo chí trung ương để cung cấp, kết nối lan toả thông tin tích cực đến đông đảo bạn đọc; đồng thời tận dụng các nền tảng MXH để lan toả thông tin chỉ đạo điều hành nhanh nhất, rộng rãi nhất.
Tại Đài PTTH tỉnh Thái Nguyên, thực hiện yêu cầu nâng cao chất lượng, đổi mới, đa dạng hình thức truyền tải thông tin, các nhà báo của Đài đã tiên phong ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đăng tải, phát sóng tin bài với việc duy trì, vận hành hiệu quả trang TTĐT thainguyentv.vn, fanpage TNTV, app TNTV, kênh YouTube, Tiktok, Zalo.
Đài cũng thực hiện các clip số đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thụ thông tin của công chúng; duy trì hiệu quả chương trình phát thanh giao thông trực tiếp; thực hiện các chương trình truyền hình trực tiếp, phát thanh trực tiếp, trực tuyến, livestream các sự kiện chính trị văn hoá nổi bật của tỉnh trong năm 2023.
Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập (2/9/1956 - 2/9/2023), cuối tháng 8/2023, Đài PTTH Thái Nguyên đã khai trương Phòng sản xuất nội dung số, là không gian làm việc theo hướng tòa soạn hội tụ; là nơi làm việc kết hợp trường quay số, sản xuất tin tức trực tiếp, cập nhật thông tin liên tục 24/24h, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để thông tin cập nhật hơn, nội dung chất lượng, chính xác, tương tác tức thì với hàng triệu khán giả, độc giả…
Phòng được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa phương tiện: Video clip, clip tương tác số, infographic, megastory, phóng sự ảnh, tin push, tin status, đăng tải các sản phẩm PTTH, livestream… nhằm đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền trong bối cảnh truyền thông số hiện nay. Đồng thời, Phòng sản xuất nội dung số giúp Đài PTTH Thái Nguyên từng bước hiện thực hóa chương trình CĐS của tỉnh.
CĐS là nhu cầu quan trọng, cấp thiết
Ông Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Thái Nguyên tại hội nghị của Hội nhà báo Việt Nam mới đây cho biết CĐS trong hoạt động báo chí là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Bởi vậy, Hội nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí, thông tin của tỉnh Thái Nguyên luôn nỗ lực đổi mới tư duy, nâng cao kỹ năng tác nghiệp số cho hội viên để hội nhập với xu thế báo chí hiện đại.
“Việc thực hiện CĐS trong các cơ quan báo chí nói chung và Hội nhà báo tỉnh nói riêng là nhu cầu quan trọng, cấp thiết, góp phần chuyển tải thông tin và đưa nhà báo đến gần bạn đọc hơn”, ông Nguyễn Bảo Lâm nhấn mạnh.
Để định hướng thông tin, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Thái Nguyên chia sẻ thêm nhà báo nhất thiết phải CĐS bằng cách lên mạng cập nhật, nắm bắt nhu cầu của bạn đọc để cung cấp thông tin cho phù hợp, hiệu quả. Theo đó, việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đã được chú trọng như kỹ năng sử dụng và khai thác thông tin trên các nền tảng MXH phổ biến như Facebook, YouTube, Zalo, Tiktok…
Các cơ quan báo chí đều đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng MXH và thu được nhiều kết quả tích cực, qua đó các thông tin kinh tế, xã hội, thời sự trong nước, quốc tế và địa phương được truyền tải đến độc giả một cách nhanh nhất.
Riêng cơ quan Hội nhà báo tỉnh hiện có 2 loại hình thông tin tuyên truyền là ấn phẩm bản tin Nhà báo Thái Nguyên và Trang TTĐT hoinhabaothainguyen.gov.vn. Trang hiện hàng tháng có trên 1 triệu lượt truy cập, hầu hết thông tin được đăng tải đều là các sản phẩm báo chí đa phương tiện, có hình ảnh, âm thanh, file tài liệu đính kèm trong đó có các tác phẩm báo chí hiện đại như emgazine, longform… dễ dàng tiếp cận với độc giả hơn.
Trong kỷ nguyên số, ông Nguyễn Bảo Lâm nhận định báo chí bị MXH cạnh tranh gay gắt nhưng khi biết tận dụng báo chí sẽ có thêm một trợ thủ đắc lực, một môi trường tương tác và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. MXH với lợi thế tốc độ cực nhanh, thông tin tức thì, đa dạng, liên tục do vậy việc đưa thông tin lên các nền tảng số một cách kịp thời, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc là nhiệm vụ được Hội nhà báo tỉnh hết sức coi trọng.
Không chỉ CĐS cho chính các cơ quan báo chính, thông tin của tỉnh, các cơ quan báo chí và Hội nhà báo tỉnh đã tích cực tuyên truyền về công tác CĐS, cải cách hành chính… thực hiện tốt vai trò tuyên truyền trong việc định hướng dư luận xã hội.
Để công tác CĐS tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, ông Nguyễn Bảo Lâm cho biết trong các năm tiếp theo, Hội nhà báo và các cơ quan thông tin, báo chí tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tập trung hướng về cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát và quyết liệt./.