Nhiều hoạt động thi đua CĐS
Thời gian gần đây, tỉnh Bình Phước đã có nhiều hoạt động thi đua CĐS. Cụ thể, Kế hoạch 162/KH-UBND (ban hành ngày 26/5/2022) đã phát động phong trào thi đua "CĐS giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn tỉnh Bình Phước; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Phong trào thi đua được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh và được thực hiện từ năm 2022-2025.
Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện phong trào thi đua theo Kế hoạch 162/KH-UBND. Trong năm này, kế hoạch phát động thi đua được Bình Phước phát động trên toàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch phát động, triển khai phong trào thi đua trong phạm vi lĩnh vực, đối tượng phụ trách. Theo lộ trình, phong trào thi đua sẽ được thực hiện sâu rộng trong năm 2023. Các đơn vị thực hiện theo nội dung kế hoạch đề ra, tổ chức sơ kết phong trào thi đua vào quý IV năm 2023. Giai đoạn 2024 - 2025 sẽ tiếp tục triển khai phong trào thi đua theo nội dung đã phát động và tổ chức tổng kết phong trào thi đua vào quý IV năm 2025.
Phong trào thi đua nhằm phát huy, khuyến khích tính sáng tạo của các tổ chức, cá nhân, từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng; hoàn thiện nền tảng dữ liệu số; quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn các giao dịch trên không gian mạng.
Ngoài ra, tỉnh Bình Phước cũng đang triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm "Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); đẩy mạnh CĐS để phát triển Chính quyền số" (theo Kế hoạch 170/KH-UBND ngày 01/6/2022). Chiến dịch diễn ra từ ngày 01/6/2022 đến ngày 31/8/2022. Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức họp sơ kết tình hình thực hiện Kế hoạch số 170/KH-UBND về chiến dịch. Cuộc họp được kết nối trực tuyến từ đầu cầu UBND tỉnh đến 11 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố và 111 xã, phường, thị trấn.
Thực hiện chiến dịch này, Bình Phước đặt mục tiêu đến ngày 02/9/2022, toàn tỉnh phải đạt 80% tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến phải đạt 50%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa cấp huyện.
Không làm theo phong trào, hình thức
Theo báo cáo tại cuộc họp sơ kết, Kế hoạch 170/KH-UBND đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc triển khai DVCTT, xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ 11/11 UBND cấp huyện đã khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm. Tỷ lệ DVCTT phát sinh ở cấp tỉnh trước ngày 01/6/2022 là 91,0%, giai đoạn từ ngày 01 - 16/6/2022 tăng lên 94,5%, giai đoạn từ 16 - 22/6/2022 tăng lên 95,57%, từ ngày 22/6 - 01/7/2022 tiếp tục tăng lên 98,1%.
Tỷ lệ DVCTT cấp huyện phát sinh trước ngày 01/6/2022 là 59,58%, giai đoạn từ ngày 01 - 16/6/2022 tăng lên 82,66%, giai đoạn từ ngày 16 - 22/6/2022 tăng lên 83,78%, từ ngày 22/6 - 01/7/2022 giảm xuống còn 83,5%.
Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến ở các cấp tỉnh tăng từ 82,89% (giai đoạn từ ngày 15/12/2021 - 31/5/2022) lên 91,69% trong giai đoạn từ ngày 01 - 22/6/2022 và tăng lên 96,59% trong giai đoạn từ ngày 22/6 - 01/7/2022.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho biết nền tảng cơ bản là DVCTT đã được triển khai trong thời gian dài trước đó, do đó việc thực hiện Kế hoạch 170 tương đối thuận lợi. Bên cạnh đó, Kế hoạch 170 cũng được sự đồng thuận và triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã. Nhìn chung, các chỉ số quan trọng của Kế hoạch đều đã có sự chuyển biến rõ rệt. Trong đó, công tác triển khai thành lập các tổ công nghệ cộng đồng ở cấp xã và cấp thôn ấp về cơ bản đã hoàn thành. Sắp tới cần củng cố tổ chức và triển khai hướng dẫn, tập huấn nhằm tạo điều kiện để hoạt động của các tổ này được thiết thực và mang lại hiệu quả cho cộng đồng.
Việc triển khai DVCTT đạt được những kết quả tốt ở cấp tỉnh (Trung tâm Phục vụ hành chính công) và cấp huyện (Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả), các chỉ tiêu về số DVCTT phát sinh hồ sơ về cơ bản đã đạt được mục tiêu 80%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đã biểu dương các địa phương và một số sở ngành đạt kết quả tích cực trong triển khai chiến dịch trên cả 8 chỉ tiêu, bao gồm dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến, tỷ lệ số hóa hồ sơ, triển khai báo cáo GRIS, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ giấy, thanh toán trực tuyến, triển khai tổ công nghệ số cộng đồng. Điều này cho thấy nhiều địa phương, sở ngành đã có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.
Trong những tuần tiếp theo, Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu những địa phương, sở ngành cần quán triệt, có giải pháp cụ thể để hoàn thành các mục tiêu theo yêu cầu. Bên cạnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ của chiến dịch cần phải được thực hiện theo quan điểm chung là thực chất, tạo được nề nếp ở người cấp và sử dụng dịch vụ; không làm theo phong trào, hình thức; phải thay đổi được nhận thức và thói quen cho người dân.
Cũng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC trên Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Phước (dichvucong.binhphuoc.gov.vn); đồng thời hỗ trợ công chức, viên chức tham gia giải quyết TTHC tiếp nhận thông tin khi có hồ sơ mới phát sinh, tỉnh Bình Phước đã triển khai tin nhắn báo tiến độ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Zalo.
Sở TT&TT Bình Phước đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai tin nhắn báo tiến độ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công Bình Phước qua tài khoản Zalo chính thức "Bình Phước Today"./.