Bình Phước xây dựng chính quyền điện tử: Bứt phá từ “chiến dịch 50 ngày đêm”

Tâm An| 24/07/2021 09:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Xác định xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) là một nhiệm vụ trọng tâm, trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào xây dựng CQĐT. Đến nay, tỉnh đã đạt được những kết quả đột phá, không chỉ giúp tăng cường tính minh bạch, hiệu quả quản lý Nhà nước mà còn đem tới nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Xuất phát điểm, tỉnh Bình Phước còn nhiều điểm hạn chế hơn so với các tỉnh, thành trên cả nước, tuy nhiên với sự nỗ lực và sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng toàn thể nhân dân và DN, đến nay tỉnh Bình Phước cơ bản đã hình thành mô hình CQĐT, cải thiện rõ rệt vị trí xếp hạng của tỉnh về CQĐT.

Nỗ lực triển khai xây dựng CQĐT

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng CQĐT, từ trước năm 2018, tỉnh Bình Phước đã có những chủ trương, chính sách để phát triển CQĐT thông qua việc xây dựng, phát triển nhiều phần mềm ứng dụng như hệ thống điều hành và quản lý văn bản, các phần mềm ứng dụng ngành giáo dục, y tế, xây dựng cổng thông tin của tỉnh, hệ thống một cửa điện tử tại Trung tâm phục vụ Hành chính công.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TU năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng CQĐT, tỉnh Bình Phước đã đạt kết quả tích cực.

Số lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 tăng cao; cơ bản các thủ tục hành chính (TTHC) của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố được đưa lên Cổng DVC để xử lý, giải quyết. Hệ thống phần mềm ứng dụng đã giúp các cơ quan nhà nước phối hợp giải quyết TTHC trên môi trường mạng xuyên suốt, liên thông; các phần mềm chuyên ngành được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

Bình Phước xây dựng chính quyền điện tử: Bứt phá từ “chiến dịch 50 ngày đêm” - Ảnh 1.

Trung tâm giám sát điều hành thông minh được ví như "viên gạch đầu tiên" đặt nền móng cho việc xây dựng CQS của tỉnh Bình Phước. (Ảnh: binhphuoc.gov.vn)

Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) cũng chính thức được đưa vào vận hành. Mục tiêu Bình Phước đặt ra đối với IOC là từng bước tập trung toàn bộ dữ liệu trên các lĩnh vực, giúp cho lãnh đạo tỉnh nhanh chóng phân tích, đánh giá và đưa ra quyết định chỉ đạo, điều hành kịp thời. Song song đó, tỉnh cũng đã triển khai các ứng dụng tương tác của người dân với chính quyền như: Bình Phước Today, Công báo điện tử...

Đặc biệt, nhằm đẩy nhanh lộ trình phát triển và hoàn hiện CQĐT, trong tháng 3/2021, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo phải đẩy mạnh hơn nữa công tác giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, giải quyết hồ sơ đúng thời hạn theo quy định, không để hồ sơ nợ đọng, gây phiền hà cho nhân dân và DN.

Để cụ thể hóa chỉ đạo trên của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 31/3/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Kế hoạch 108/KH-UBND triển khai với 3 nội dung và đặt thời hạn thực hiện là 50 ngày, từ 31/3 - 19/5/2021 phải hoàn thành. Kế hoạch này còn được gọi là "chiến dịch 50 ngày đêm".

Ba mục tiêu chính Bình Phước đặt ra gồm: 100% DVCTT kết nối trên Cổng DVC quốc gia; 100% hồ sơ, TTHC được giải quyết đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn; khắc phục ngay khó khăn, vướng mắc để thực hiện cung ứng dịch vụ chứng thực điện tử.

Bứt phá từ "chiến dịch 50 ngày đêm"

Theo bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước: "Nói chiến dịch 50 ngày đêm bởi để thực hiện kế hoạch trên, nhiều cán bộ từ tỉnh đến huyện đã làm việc không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm, thứ 7, Chủ nhật, thậm chí ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5".

Sau "chiến dịch 50 ngày đêm" triển khai quyết liệt, từ vị trí 47/63 tỉnh, thành phố, Bình Phước đã vươn lên là một trong những tỉnh/thành đứng đầu cả nước khi được rà soát, kết nối thành công 1.224 DVC lên Cổng DVC quốc gia.

Trong đó, DVC mức độ 4 của Bình Phước kết nối lên cổng là 777 dịch vụ (tính đến ngày 16/5). Về dịch vụ chứng thực điện tử, từ một tỉnh chưa có hồ sơ cấp bản sao chứng thực điện tử từ bản chính thành công, chỉ trong một thời gian ngắn (từ ngày 1/4/2021 đến ngày 17/5/2021), Bình Phước đã cấp được trên 1.400 hồ sơ chứng thực điện tử, trở thành tỉnh có kết quả đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố về cung cấp dịch vụ này. Đây là một bước chuyển biến ngoạn mục, từ vị trí cuối bảng lên top đầu cả nước.

"Chiến dịch 50 ngày đêm" đã đạt kết quả tốt đẹp và có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi, không chỉ giúp Bình Phước cải thiện mạnh mẽ thứ hạng trên Cổng DVC quốc gia; mà toàn bộ khối lượng hồ sơ trễ hạn kéo dài đã được giải quyết trọn vẹn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho rằng, đây là sự vươn lên ngoạn mục của tỉnh. Những kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề để UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, điều hành những cách làm mang tính đột phá, cách mạng, nhằm để các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả cải cách TTHC, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, thành công trong thực hiện "chiến dịch 50 ngày đêm" đã tạo được bước chuyển quan trọng trong xây dựng CQĐT, chuẩn bị bước sang giai đoạn chính quyền số (CQS), kinh tế số và xã hội số.

Hoàn thiện CQĐT hướng đến CQS

Từ kết quả và thành công của "chiến dịch 50 ngày đêm", cho thấy một khi có quyết tâm chính trị, có sự chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, có phương pháp tổ chức thực hiện khoa học, bài bản thì những việc tưởng chừng không thể làm được đã được giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, để đạt được thành tích đã khó, giữ được thành tích lại càng khó hơn. Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách TTHC từ nay đến cuối năm 2021, đó là tổ chức thực hiện ngay nghị quyết của Tỉnh ủy về CĐS trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về CĐS đề ra mục tiêu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản hình thành CQS, nền kinh tế số và xã hội số. Trong đó, các hoạt động của chính quyền, công tác quản lý an ninh, an toàn và các giao dịch của người dân, DN cơ bản diễn ra trên không gian mạng. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. Mọi người dân và DN sử dụng DVCTT sẽ được định danh và lưu giữ dưới dạng số hóa làm cơ sở cho việc thực hiện các TTHC tiếp theo mà không cần cung cấp hồ sơ trước đó.

Chia sẻ tại buổi họp báo về công bố 100% DVC trực tuyến mức độ 4 của Bình Phước kết nối trên Cổng DVC Quốc gia hồi tháng 5/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết, để tạo những bước đi vững chắc, tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm đem lại hiệu quả CĐS cao nhất, Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy đưa ra quan điểm, mục tiêu là thực hiện chuyển đổi "từng lĩnh vực" tiến tới chuyển đổi "tổng thể và toàn diện". Coi DN, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình CĐS; lĩnh vực nào DN, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; chọn một số ngành, địa phương, DN chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh uỷ, năm 2021, Bình Phước phải cơ bản hoàn thành khung CQĐT. Muốn làm được điều đó, "tư lệnh ngành" phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt và triển khai đồng bộ mọi nhiệm vụ.

Trước hết là cần triển khai ngay việc nhập dữ liệu thông tin của từng ngành, từng lĩnh vực mình quản lý. Trọng tâm là các lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý dân cư, đất đai phải được cập nhật đầy đủ, thông suốt và đưa vào vận hành được ngay. Trong lĩnh vực quản lý thu chi, nhất là chi thường xuyên và một số lĩnh vực khác nếu chưa triển khai đồng bộ thì tiến hành làm điểm để rút kinh nghiệm.

Nhằm hiện thực hóa quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa trong xây dựng CQĐT, từ tháng  2/2021, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã ban hành Quyết định số 479/QĐ-UBND về phê duyệt Kiến trúc CQĐT tỉnh Bình Phước phiên bản 2.0.

Kiến trúc CQĐT tỉnh Bình Phước phiên bản 2.0 được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng CQĐT tại tỉnh Bình Phước; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước của tỉnh, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp DVC tốt hơn cho người dân và DN, xây dựng CQĐT của tỉnh Bình Phước, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.

Kiến trúc CQĐT tỉnh Bình Phước phiên bản 2.0 trên cơ sở cập nhật, bổ sung, phát triển từ Kiến trúc CQĐT của tỉnh Bình Phước phiên bản 1.0.

Mục tiêu của Kiến trúc CQĐT tỉnh Bình Phước phiên bản 2.0 đề ra đó là tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung các tài nguyên CNTT trong nội bộ tỉnh và giữa tỉnh với các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trên phạm vi toàn quốc; hướng tới tiết kiệm chi phí, thời gian trong hoạt động nội bộ của tỉnh, cung cấp hiệu quả các dịch vụ tích hợp cho người dân và DN, coi người dân và DN là trung tâm; Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư CNTT; hướng tới triển khai CQĐT của tỉnh đồng bộ, lộ trình phù hợp, hạn chế trùng lặp; Tăng cường khả năng chuẩn hóa, bảo đảm an toàn thông tin trong triển khai CQĐT.

Kiến trúc CQĐT tỉnh Bình Phước phiên bản 2.0 là căn cứ để định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển và lộ trình triển khai ứng dụng CNTT trong giai đoạn 2020 - 2025, hướng tới một hệ thống quản lý số toàn diện, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của tỉnh.

Bên cạnh đó, Kiến trúc CQĐT tỉnh Bình Phước phiên bản 2.0 cũng là cơ sở quan trọng để tiếp tục tiến trình chuyển đổi sang CQS và kiện toàn hệ thống CQĐT hiện có, ứng dụng CNTT rộng rãi và hiệu quả trong mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để phục vụ cải cách hành chính, triển khai ứng dụng CNTT kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử, nâng cao năng suất lao động, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin.

CĐS vừa là cơ hội vừa là động lực khơi dậy khát vọng, mở ra không gian phát triển mới. Do đó, việc Bình Phước ban hành nghị quyết về CĐS cũng như Kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0 sẽ là "cú hích" và tiền đề quan trọng để bứt phá trong thời gian tới.

Đặc biệt, với phương châm "lấy người dân và DN làm động lực kiến tạo, phát triển", Nghị quyết 04-NQ/TU sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và Bình Phước sẽ thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra: Đến năm 2025, cơ bản hình thành CQS, nền kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bình Phước xây dựng chính quyền điện tử: Bứt phá từ “chiến dịch 50 ngày đêm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO