Có thể nói, trong tiến trình số hóa, phát triển nhằm phù hợp với xu thế cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, nhiều ngân hàng của Việt Nam thời gian qua đã thử nghiệm, áp dụng thành công mô hình, công nghệBlockchain như: HDBank, HSBC, VietinBank, VIB, TPBank … Kết quả bước đầu thu được đáng khích lệ, đặc biệt phát huy được các ưu điểm chuyển tiền trong hệ thống tín dụng của các ngân hàng.
Gần đây, lại thêm ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã triển khai mô hình này. Tại sự kiện quan trọng này, đại diện lãnh đạo MB nhấn mạnh, đây là điểm sáng" trong mô hình CĐS của đơn vị, giúp đơn vị thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thương mại, tài chính trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Blockchain bước ngoặt trong lĩnh vực tài chính thương mại
Theo đó, với sự liên kết, hợp tác với ngân hàng Bangkok, Thái Lan, ngân hàng MB đã thực hiện thành công ứng dụng công nghệ blockchain, cho phép thực hiện cùng lúc nghiệp vụ của 2 giao dịch thư tín dụng (Letter of Credit - LC) chứng từ trên cùng một mạng lưới gồm nhiều ngân hàng, tập đoàn lớn (Contour) thay vì thực hiện trên nhiều hệ thống khác nhau.
Cụ thể, ứng dụng công nghệ blockchain đã giúp các bên liên quan như: Nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, ngân hàng phát hành và ngân hàng thông báo/xuất trình chứng từ tham gia xử lý trên cùng một mạng lưới, đồng thời cho biết rõ tình trạng, trạng thái các giao dịch.
Điều này không chỉ đảm bảo tính toàn vẹn, minh bạch thông tin giữa các bên liên quan, mà còn cải thiện rõ rệt thời gian xử lý (giao dịch chuỗi khối mới sẽ làm giảm đáng kể thời gian xử lý thủ tục mở LC từ 5 ngày xuống còn chưa đầy 12 giờ) và tiết kiệm chi phí cho toàn bộ chu trình. Đây chính là bước ngoặt trong việc thực hiện một dịch vụ quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực tài chính thương mại của ngân hàng.
Dịch vụ tài chính xuyên biên giới
Để hiểu rõ hơn về ứng dụng, hiệu quả khi thực hiện các ứng dụng công nghệ này, theo các các chuyên gia công nghệ, tài chính, đây thực chất là một dịch vụ tài chính xuyên biên giới, trong đó các hợp đồng giao dịch được nhúng các mã hóa kỹ thuật số, được lưu trữ trong các cơ sở dữ liệu chia sẻ, minh bạch và được bảo vệ khỏi việc xóa, giả mạo và sửa đổi.
Blockchain còn cho phép hệ thống người dùng truyền tải dữ liệu một cách an toàn không cần một trung gian để xác nhận thông tin dựa vào hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, tương tự cuốn sổ cái kế toán của một công ty, nơi mà tiền mặt được giám sát chặt chẽ.
Đồng thời, hệ thống còn vận hành dựa trên nguyên lý, nền tảng công nghệ lõi của bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể ghi lại giao dịch giữa hai bên một cách hiệu quả, giảm rủi ro thanh toán, chứng thực rõ ràng và tồn tại vĩnh viễn. Bản thân sổ cái cũng có thể được lập trình để ràng buộc các giao dịch một cách tự động.
Nói về thế mạnh của dịch vụ tài chính xuyên biên giới mà blockchain mang lại, trong báo cáo trình bày tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra gần đây, nhờ có sổ cái kế toán, các hoạt động tài chính trong ngân hàng truyền thống nay được thay bằng công nghệ tài chính hiện đại, có khả năng thúc đẩy sự đơn giản và hiệu quả bằng cách thiết lập các quy trình và cơ sở hạ tầng dịch vụ tài chính mới, tạo nền tảng của cơ sở hạ tầng dịch vụ tài chính thế hệ tiếp theo.
Cùng quan điểm đánh giá về tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng dịch vụ tài chính mới mà blockchain mang lại, tại diễn đàn "Blockchain: Xu hướng và tầm nhìn phát triển" diễn ra cách đây không lâu, ông Đỗ Văn Long, Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs, người có nhiều năm nghiên cứu và phát triển lĩnh vưc này cho rằng, nếu trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là bộ óc của con người, IoT giúp kết nối vạn vật thì blockchain cho phép kết nối mọi người và cho phép giao tiếp thông minh.
"Blockchain không phải là công nghệ mới mà chỉ tổng hợp những phát kiến trong lĩnh vực công nghệ dựa trên sự chia sẻ của cộng đồng, đóng vai trò hỗ trợ hệ thống hạ tầng dịch vụ tài chính mới, giúp minh bạch hóa thông tin", Giám đốc Long nhấn mạnh.
Theo báo cáo khảo sát của Công ty Tư vấn Accenture - chuyên tư vấn quản lý, cung cấp dịch vụ chiến lược, kỹ thuật số, công nghệ của Ireland cho biết, hơn một nửa các nhà quản lý tài chính hàng đầu hiện nay thừa nhận rằng blockchain đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của các ngân hàng cũng như công ty tài chính. Các nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng, các ngân hàng trên toàn thế giới sẽ tiết kiệm được 20 tỷ USD vào năm 2022 nhờ áp dụng công nghệ blockchain.
"Một số nhà phân tích tài chính tin rằng, trong tương lai không xa, blockchain sẽ thay thế các hệ thống chuyển khoản ngân hàng hiện tại", báo cáo Accenture nhấn mạnh .
Như vậy, với những ưu việt ứng dụng công nghệ blockchain mang lại đang thực sự mở ra một tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và trong xu thế phát triển đó, các ngân hàng Việt Nam không chỉ khẳng định sự chủ động phát triển, tăng đột phá nguồn thu và lợi nhuận, mà điều quan trọng góp phần đóng góp thế mạnh là hạt nhân của kinh tế, tạo đà tăng trưởng, phát triển nền kinh tế số đất nước.