Blockchain ở Việt Nam: Vì sao mới chỉ được hiểu là tiền số?

Mạnh Chung| 27/06/2022 15:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Blockchain là công nghệ nền tảng, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, tuy nhiên, ở Việt Nam, công nghệ đang trở thành xu hướng mới này mới được hiểu và “đánh đồng” là tiền số hay còn gọi là tiền kỹ thuật số (Crypto). Vậy thế giới đang ứng dụng công nghệ blockchain như thế nào? Ở Việt Nam, những lĩnh vực gì có thể nhanh chóng ứng dụng blockchain?...

Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đặt những câu hỏi mở trên tới ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Chủ tịch Decom Holdings, Nhà sáng lập Diễn đàn Phổ cập Blockchain. Ông Trung nói: “Về mặt lịch sử, Blockchain là quan điểm về công nghệ, được hình thành từ trên giấy trước 10 năm khi Bitcoin ra đời. Và khi Bitcoin ra đời người ta cũng chưa định nghĩa được đấy có phải là Blockchain hay không.

Đến nay, 10 năm tiếp theo tính từ thời điểm có Bitcoin, công nghệ này mới ảnh hưởng tới tài chính một cách mạnh mẽ nên chúng ta mới giật mình. Như vậy, Blockchain mất khoảng 20 năm, bao gồm 10 năm hoàn thiện về mặt lý thuyết và 10 năm hoàn thiện về mặt sản phẩm mới tác động đầu tiên rõ rệt là lĩnh vực tài chính".

Ông chủ dầu mỏ đâu thích năng lượng mặt trời

PV: Có phải Blockchain sinh ra là hướng đến giá trị trao đổi, thanh toán và nó đang tác động tới lĩnh vực tài chính đầu tiên, cũng như đã, đang tạo ra những tranh cãi trong giới tài chính về tiền số thưa ông?

Ông Phan Đức Trung: Người ta nhầm tưởng toàn bộ (công nghệ Blockchain) là dùng cho tài chính. Thực ra ngành tài chính là ngành chấp nhận công nghệ, ứng dụng công nghệ nhanh, và tác động vào lợi ích giá trị nên chúng ta cảm nhận được ngay.

Thực tế Blockchain tác động vào các lĩnh vực khác một cách âm thầm nhưng có đặc tính như CZ (Changpeng Zhao, CEO và nhà sáng lập Binance – sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới – PV) có chia sẻ là đặc tính trao đổi giá trị. Đặc tính trao đổi giá trị và đặc tính trao đổi thông tin rất dễ bị nhầm lẫn. Ví dụ tôi chia sẻ với bạn một vấn đề về thông tin, và tôi chia sẻ với bạn một kiến thức mà kiến thức đó có giá trị, thì hai cái đó khác nhau.

Blockchain ở Việt Nam: Vì sao mới chỉ được hiểu là tiền số? - Ảnh 1.

Ở Việt Nam, tôi hay nói đùa, làm gì thì làm nhưng phải rất đơn giản, có thể ứng dụng ngay và mang lại lợi ích cho người dân. Tại sao chúng ta không ứng dụng công nghệ Blockchain vào công tác cấp sổ đỏ. Nỗi khổ với sổ đỏ của người dân đã khổ đến thế rồi mà!

Chia sẻ thông tin và chia sẻ giá trị là hai trạng thái và nó tạo ra giá trị của Blockchain. Cách Blockchain ứng dụng vào tùy theo sự tưởng tượng cái gì là giá trị trong không gian thông tin. Tưởng tượng đó lúc đầu xuất phát từ nhóm làm tech (công nghệ) vì người ta không biết chắc chắn cái gì là có giá trị, nhưng dễ hiểu nhất ai cũng biết là tiền bạc và thế là người ta tập trung hết vào tiền bạc (hay gọi tắt là finance – tài chính).

Khi làm Blockchain ở lĩnh vực finance thì quá trình phát triển đó va chạm rất nhiều với những ngành finance truyền thống, tạo ra nhiều tranh cãi. Nó tương tự như xe xăng và xe điện, giống như chuyện ông chủ dầu mỏ đâu thích năng lượng mặt trời. Đó là chuyện bình thường. Do vậy, cho tới 10 năm Blockchain mới hoàn thiện được những giá trị cơ bản nhất của ngành gọi là fintech - tức ngành ứng dụng tài chính, ứng dụng công nghệ trong tài chính, và vì vậy Blockchain, Crypto là một nhánh của fintech. Hiện nhánh này chưa được công nhận một cách chính thống đồng thuận ở các quốc gia vì nó là ngành lai giữa công nghệ với ngành khác. Tuy nhiên không ai cản được và cứ thế nó mọc lên.

Năm 2022 đã tách ra một xu hướng rất rõ là các hoạt động kinh doanh ứng dụng Blockchain. Lúc đầu, xuất phát của Blockchain là công nghệ, mà công nghệ cần sản phẩm (sản phẩm ở đây là các token). Tuy nhiên, hiện nay, ở rất nhiều nước, các sản phẩm Blockchain được đưa vào các công ty truyền thống như những sản phẩm B2B do vậy người dùng sẽ không nhận thấy sự xuất hiện của các khái niệm Blockchain/Crypto.

PV: Thế còn tại Việt Nam, như ông chia sẻ tại sự kiện ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam mới đây, rằng Blockchain là công nghệ nền tảng và ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng mới chỉ được nhìn nhận là Crypto, NFT (tài sản không thể thay thế)?

Ông Phan Đức Trung: Tài chính là thuật ngữ dễ hiểu trong xã hội Việt Nam hiện tại. Ví như khi bạn nói là học ngành tài chính sẽ được ngưỡng mộ hơn là ngành toán học. Trong khi ở nước ngoài ngành toán học lại được trả lương cao hơn nhiều ngành tài chính. Sự quan tâm của mỗi quốc gia về chung một vấn đề nhưng sẽ được người dân tại đó quan tâm tiếp cận lại có thể đứng từ các góc nhìn khác nhau là do các vấn đề đặc điểm địa lý, dân tộc,.. .

Ở nước ngoài, khái niệm về Blockchain là ứng dụng trong doanh nghiệp. Blockchain được đưa vào doanh nghiệp để tối ưu những hoạt động như KPI, các hệ thống nội bộ, quản lý khách hàng… những hoạt động đó trên nền tảng công nghệ hiện tại được chuyển đổi sang công nghệ Blockchain nhằm khẩu thác ưu điểm của công nghệ mới. Và chắc chắn không phải cái gì cũng cần công nghệ Blockchain.

Để người dân không còn phải "canh cánh" về cuốn sổ đỏ

PV: Vậy vì sao nền tảng Blockchain lại chưa được ứng dụng trong nhiều ngành nghề ở Việt Nam, theo góc nhìn của ông?

Ông Phan Đức Trung: Trên thực tế, công nghệ Blockchain ứng dụng được đến hơn 50 lĩnh vực hoạt động kinh tế dịch vụ khác nhau. Và đã ứng dụng thì sẽ cần ngân sách. Ngân sách này sẽ tùy thuộc vào chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp. Với doanh nghiệp nhỏ ngân sách này sẽ là một hạn chế để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ.

Do vậy, việc ứng dụng công nghệ nền tảng Blockchain thì, một là doanh nghiệp đủ lớn cần chấp nhận rủi ro có thể có, và hai là cần dựa trên hành lang pháp lý đủ tốt để tiến trình ứng dụng không vướng.

Blockchain ở Việt Nam: Vì sao mới chỉ được hiểu là tiền số? - Ảnh 3.

"Công nghệ Blockchain ứng dụng được đến hơn 50 lĩnh vực hoạt động kinh tế dịch vụ khác nhau" - ông Phan Đức Trung.

PV: Từ thực tế tìm hiểu, nghiên cứu của mình, ông có thể cho biết, trên thế giới công nghệ Blockchain đang được ứng dụng nhiều vào những lĩnh vực gì? Và ở Việt Nam, những ngành nghề, lĩnh vực gì thì có thể sớm ứng dụng công nghệ Blockchain để mang lại hiệu quả?

Ông Phan Đức Trung: Như hôm ra mắt Hiệp hội Blockchain Việt Nam tôi có chia sẻ rằng vừa rồi IBM không đưa công nghệ Blockchain vào để phân tích dữ liệu Covid thì chúng ta không có vaccine nhanh như bây giờ. Vậy người ta ứng dụng bằng cách nào? Đó là, để có dữ liệu y tế thì người ta phải thu thập dữ liệu, khi đó trước khi nói đến AI, cần phân tích được dữ liệu đúng, sai. Tức khi có một bệnh nhân Covid có mẫu thử, phải xử lý qua xác thực, xác nhận đúng sai bằng công nghệ Blockchain. Sau đó, xong ứng dụng lâm sàng, chuyển đổi thuốc thử nghiệm, rồi lại thu thập thông tin… toàn bộ tiến trình ứng dụng Blockchain sẽ tạo ra chi phí xác thực thấp.

Ở Việt Nam, tôi hay nói đùa, làm gì thì làm nhưng phải rất đơn giản, có thể ứng dụng ngay và mang lại lợi ích cho người dân. Tại sao chúng ta không ứng dụng công nghệ Blockchain vào công tác cấp sổ đỏ. Nỗi khổ với sổ đỏ của người dân đã khổ đến thế rồi mà! Trước đây tôi làm trong ngành ngân hàng thấy nỗi khổ của việc mất sổ tiết kiệm – chỉ có sổ tiết kiệm thôi mà sao mọi người phải khổ thế. Khi đó chỉ ước “tôi không phải in sổ tiết kiệm và bạn mất (sổ) tôi cũng không sao”. Và ngành ngân hàng đã thay đổi được bằng sổ điện tử, người dân không còn nỗi khổ về mất sổ tiết kiệm nữa.

Các cơ quan quản lý bây giờ chỉ có tác động vào Chính phủ số, có những sản phẩm số, thì mới ra được công dân số, nền kinh tế số. Mình vừa phải thúc đẩy chính sách, vừa phải hiểu được cái gì cần, cái gì làm cho người dân đỡ khổ thì có thể làm ngay. Ví dụ như ngành tài nguyên môi trường xung phong học tập ngành ngân hàng là mất sổ đỏ cũng không sợ. Điều đó có lợi cho ngành tài nguyên môi trường là không phải in sổ đỏ, y như ngành ngân hàng.

Cuộc đua pháp lý

PV: Không riêng Việt Nam, hiện nay nhiều nước trên thế giới, vấn đề pháp lý cho Blockchain, Crypto vẫn đang loay hoay và tranh cãi. Phải chăng nền tảng công nghệ ứng dụng Blockchain quá phức tạp và thậm chí rủi ro?

Ông Phan Đức Trung: Công nghệ nào cũng cần có tính thực tiễn vì có tính rủi ro. Mình không thể nói công nghệ chỉ có tính một chiều tích cực, nhưng nếu không ứng dụng công nghệ thì chẳng biết có rủi ro gì hay không. Mà càng ứng dụng sớm thì càng “ăn” rủi ro đầu tiên. Ở đây phải thừa nhận thế hệ trẻ chấp nhận rủi ro cao hơn, và người có nhiều tiền mới chấp nhận rủi ro cao.

Tranh luận về pháp lý Blockchain đâu chỉ ở Việt Nam mà còn của các Chính phủ trên thế giới vì động chạm đến giá trị (tài chính). Muốn phát triển bài bản thì phải có luật lệ rõ ràng. Xung quanh ta chưa có luật lệ rõ ràng, thế giới chưa có luật lệ rõ ràng thì chúng ta cố gắng hoàn thiện luật ở đây nhanh hơn một chút thì sẽ đón được trào lưu và người ta sẽ chạy đến.

Thế giới bây giờ đang trong cuộc đua pháp lý. Nếu chính phủ nào nhanh, đi đầu mở ra hành lang pháp lý thì đó sẽ là cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư công nghệ này. Nên phải thấy rằng cái gì đang chưa có luật thì đó là cơ hội của các nước với nhau. Các nước cạnh tranh nhau ở luật chứ. Ai ra hệ thống luật là áp đặt, ai ra các tiêu chuẩn là áp đặt. Chúng ta xuất khẩu cá, xuất khẩu giầy nhưng phải làm theo tiêu chuẩn của Mỹ.

Thứ hai, Blockchain như đã nói là giá trị trao đổi ngang hàng, trao đổi tương tác, đâu cần cái gì cũng phải ra thành phẩm có giá trị. Do vậy nói hình tượng ngắn gọn Blockchain là ứng dụng B2B cũng được, B2C cũng được, hay gọi là H2H (con người với con người), thì đi sẽ rất nhanh.

Blockchain ở Việt Nam: Vì sao mới chỉ được hiểu là tiền số? - Ảnh 4.

"Thế giới bây giờ đang trong cuộc đua pháp lý. Nếu chính phủ nào nhanh, đi đầu mở ra hành lang pháp lý thì đó sẽ là cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư công nghệ này" - ông Phan Đức Trung

PV: Vậy với vai trò của Hiệp hội Blockchain Việt Nam và từ những kinh nghiệm trên thế giới, theo ông cần những lộ trình cụ thể như thế nào để nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý cho Blockchain Việt Nam?

Ông Phan Đức Trung: Năm 2021, khi đi tiếp cận lĩnh vực Blockchain tại Dubai, thời điểm đó một số cơ quan của Dubai nói rằng đây là khu vực đạo Hồi nên rất cẩn thận, nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên vì không hiểu sao trong một thời gian ngắn họ đã đón nhận rất nhanh. Không chỉ ở Dubai, gần đây trong một sự kiện về Blockchain ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, một loạt quốc gia khu vực cũng thể hiện sự cởi mở đón nhận và ghi nhận tiềm lực ứng dụng của công nghệ Blockchain. Thế mới thấy, nơi nào có chính sách quốc gia chào đón thì những người làm công nghệ, doanh nghiệp sẽ tìm đến và đầu quân nhanh chóng.

Tại sự kiện Viet Nam NFT Summit 2022, CZ chia sẻ cũng đã xin phép được hoạt động tại 43 bang của Mỹ. Và Mỹ là quốc gia hoạt động ở cấp tiểu bang nên việc có được giấy phép hoạt động ở 43 tiểu bang cho thấy mức độ cởi mở với lĩnh vực tiền số. Hay như Campuchia cũng là quốc gia lọt vào Top những quốc gia dẫn đầu về việc áp dụng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) bán lẻ.

Rõ ràng, khi quá trình số hóa nhanh chóng mở rộng sang nhiều phân khúc của nền kinh tế thì các Ngân hàng Trung ương (NHTW) trên toàn thế giới đang gấp rút phát triển các loại tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC), với nỗ lực cung cấp hệ thống thanh toán an toàn và tiện lợi.

Theo tôi không cần lộ trình gì cả mà đầu tiên cần có triển khai các hội thảo song song chủ đề về rủi ro và lợi ích. Chẳng hạn như thảo luận chuyên sâu về việc nếu như không có sổ đỏ, không có hộ khẩu hay sổ tiết kiệm bị mất thì nên bắt đầu xây dựng và ứng dụng công nghệ Blockchain vào mô hình quản ký chéo như thế nào thay vì mở đầu là mất sổ tiết kiệm giấy là mất tiền./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Blockchain ở Việt Nam: Vì sao mới chỉ được hiểu là tiền số?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO