Bộ GTVT, Quảng Bình tạo thêm động lực cho người dân, DN sử dụng DVCTT

Đỗ Minh| 08/09/2022 09:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Bộ TT&TT, tính từ 01/01/2022 - 22/8/2022, "Có khoảng 97,3% DVCTT đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4; khoảng 40% hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được xử lý trực tuyến (cuối năm 2021 mới chỉ đạt khoảng 30%); nhiều địa phương đã có những sáng kiến, cách làm hay để nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT…"

Cần tạo thêm động lực cho người dân sử dụng DVCTT

Theo Bộ TT&TT, với sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, việc cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) mức độ cao của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua được đẩy mạnh, hiệu quả ngày càng được khẳng định.

Cụ thể cho các kết quả đạt được về tỷ lệ số lượng lượt truy cập Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) nhiều nhất: Bộ Y tế (13.042.570 lượt); Bộ TT&TT (4.286.762 lượt); Bộ GD&ĐT (4.096.661 lượt); Bắc Giang (7.604.781 lượt; Thừa Thiên - Huế (7.599.905 lượt); Đắk Lắk (4.656.080 lượt); Quảng Bình (4.626.693 lượt); Cà Mau (4.626.693 lượt)…

Đối với tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến cao nhất thuộc về: Bộ Công Thương (100%); Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) (100%); Bộ TT&TT (97,67%); Long An (96,47%); Hải Dương (95,35%); Tiền Giang (94,65%); Hòa Bình (93,98%); Bắc Giang (90,39%)…

Về tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cao nhất: Bộ Công Thương (99,99%); Bộ GD&ĐT (99,58%); Bộ Tài chính (91,41%); Hòa Bình (87,02%); Quảng Ninh (75,33%); Ninh Bình (59,35%); Hà Nam (56,73%); Thanh Hóa (56,6%)…

Tuy nhiên, với những kết quả đạt được như trên thì thực tế so với mục tiêu đặt đề ra trong Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) (80% DVCTT phát sinh hồ sơ, 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến) vẫn còn những khoảng xa cách lớn, chưa tương xứng với những yêu cầu đặt ra. Tổng số lượt truy cập Cổng TTĐT còn thấp theo thống kê: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) (1.598.042 lượt); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) (790.910 lượt); Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) (670.161 lượt); Hà Tĩnh (502.479 lượt); Hậu Giang (479.929 lượt); Ninh Thuận (299.552 lượt)… 

Các đơn vị có tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến mức thấp theo thống kê: Bộ TN&MT (32%); Bộ Tư Pháp (31,71%); Bộ LĐB&XH (23,33%); Điện biên (37,06%); Cà Mau (32,73%); Bắc Kạn (30,90%); Bạc Liêu (22,62%)… Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức thấp gồm: Bộ Y tế (14,31%); Bộ NN&PTNT (10,71%); Bộ Xây dựng (9,6%); Gia Lai (3,89%); Quảng Ngãi (3,85%); Lâm Đồng (2,94%); Bắc Kạn (0,41%); SơnLa (0,31%)…

Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc CĐS và nâng cao tỷ lệ cung cấp DVCTT, thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Uỷ ban Quốc gia về CĐS, đồng thời, đáp ứng các yêu cầu mới tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, trong thời gian tới, Bộ TT&TT đưa ra đề xuất đối với các các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên, tập trung thực hiện triệt để các nội dung, yêu cầu: Rà soát các TTHC và các điều kiện bảo đảm để cung cấp trực tuyến toàn trình và triển khai tích hợp, cung cấp DVCTT trên Cổng DVC quốc gia theo kế hoạch; Cần thiết giao rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT (tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến và giám sát chặt chẽ kết quả triển khai).

Bộ TT&TT cũng đề nghị tăng cường, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước để giảm thiểu giấy tờ cho người dân khi thực hiện DVCTT; ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách khuyến khích, tạo động lực cho người dân sử dụng DVCTT.

Tạo thêm động lực cho người dân, DN sử dụng DVCTT - Ảnh 1.

Người dân được hướng dẫn nộp hồ sơ TTHC trực tuyến ngay tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang tại Tòa nhà Bưu điện tỉnh

Bộ TT&TT đề xuất: "Các đơn vị cần tích cực nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân, để người dân mong muốn, chủ động, tích cực sử dụng DVCTT; nghiên cứu, triển khai thực hiện các quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng".

Số hóa là giải pháp nhằm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp (DN) sử dụng DVCTT

Để phát huy hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh cung cấp DVCTT trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ứng dụng công nghệ số trong cung cấp DVCTT đối với lĩnh vực vận tải đường bộ và Quảng Bình đã chính thức áp dụng Kho quản lý dữ liệu điện tử của công dân, DN.

Cụ thể, Bộ GTVT đã triển khai Hệ thống DVC lĩnh vực vận tải đường bộ (tại địa chỉ https://qlvt.mt.gov.vn) với các lĩnh vực: Cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu phù hiệu xe ô tô; đăng ký khai thác tuyến vận tải cố định.

Nhờ thực hiện, triển khai tốt Hệ thống nên việc số hóa dữ liệu đã bớt nhiều công đoạn thủ công, mất thời gian, đến nay, việc số hóa dữ liệu được cập nhật trên 10.000 tuyến vận tải hành khách cố định; cập nhật biểu đồ chạy xe của toàn bộ các tuyến vận tải hành khách cố định tại 63 tỉnh, thành phố.

Nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT: Cần giám sát chặt chẽ kết quả triển khai - Ảnh 2.

Hệ thống DVC lĩnh vực vận tải đường bộ đã góp phần gia tăng sự hài lòng của người dân, DN khi sử dụng DVCTT đối với lĩnh vực giao thông.

Hệ thống còn thu hút được gần 52.000 tài khoản sử dụng; quản lý được gần 1,9 triệu phương tiện hoạt động vận tải; cấp hơn 59.000 giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ; cấp gần 1,2 triệu biển hiệu, phù hiệu xe ô tô kinh doanh vận tải và hơn 12.000 giấy phép tuyến vận tải hành khách cố định, tăng trưởng nhiều lần so với trước khi triển khai Hệ thống. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến qua hệ thống là 1.110.785 hồ sơ, đạt tỷ lệ 80,21%.

Theo Bộ TT&TT, việc triển khai thành công Hệ thống DVC lĩnh vực vận tải đường bộ tạo điều kiện thuận lợi cho cả DN và cơ quan quản lý. DN không cần đến cơ quan công quyền để nộp hồ sơ và có thể dễ dàng cá nhân hóa dữ liệu của đơn vị mình để góp ích trong việc quản lý hoạt động vận tải thuận lợi, tốt hơn; cơ quan quản lý dễ tiếp nhận hồ sơ thông qua môi trường trực tuyến và giải quyết TTHC nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm ngân sách nhà nước… Những điểm mạnh này góp phần gia tăng sự hài lòng của người dân, DN khi sử dụng DVCTT đối với lĩnh vực giao thông.

Cũng như Bộ GT&VT, Quảng Bình đã chính thức áp dụng Kho quản lý dữ liệu điện tử của công dân, DN và nhờ điều này người dân, DN khi thực hiện làm các TTHC không phải cung cấp lại thông tin, giấy tờ.

Để tạo hiệu quả tốt cho cách làm số hóa trên UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Trung tâm Hành chính công tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã chỉ đạo Bộ phận một cửa và cán bộ, công chức, viên chức xử lý hồ sơ TTHC chính thức áp dụng Kho quản lý dữ liệu điện tử TTHC và triển khai quy trình số hóa các loại hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết (đối với các hồ sơ mới tiếp nhận) theo quy định.

Tỉnh chỉ đạo khi có kết quả giải quyết TTHC phải được chuyển trả lên Kho quản lý dữ liệu điện tử của công dân, DN và khi trả kết quả bắt buộc phải được gắn mã kết quả TTHC và xác thực bằng chữ ký số.

Bộ TT&TT khẳng định: "Việc chính thức áp dụng Kho quản lý dữ liệu điện tử của công dân, DN và triển khai số hóa hồ sơ, kết quả TTHC là một trong những giải pháp cốt lõi nhằm hỗ trợ cho người dân, DN sử dụng DVCTT được thuận lợi; người dân, DN không phải cung cấp lại những dữ liệu mà cơ quan nhà nước đang quản lý. Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Quảng Bình trong việc cung cấp DVCTT chất lượng, hiệu quả cho người dân, DN"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ GTVT, Quảng Bình tạo thêm động lực cho người dân, DN sử dụng DVCTT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO