Bộ Tài chính: Lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để phát triển nguồn thu

PV| 04/03/2021 14:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, một trong những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII của Bộ Tài chính trong năm 2021 là lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu.

2021 là năm phục hồi nền kinh tế 

Năm 2020 đã để lại một dấu ấn đậm nét đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng với đại dịch COVID-19, với những căng thẳng thương mại giữa các nước lớn leo thang, khiến nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế trong nước phục hồi tích cực trong các năm 2016-2019, nhưng đã suy giảm mạnh, chỉ đạt 2,9% trong năm 2020, kéo tăng trưởng cả giai đoạn 2016-2020 xuống mức 6% (kế hoạch là 6,5-7%). Rất may là quy mô chi ngân sách 5 năm 2016-2020 ước đạt 28% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP), năm 2020, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 29%, chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính: Lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để phát triển nguồn thu - Ảnh 1.

Những chính sách tài chính kịp thời là động lực quan trọng cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Chính vì vậy, trong phương hướng hoạt động của Bộ Tài chính, 2021 sẽ là năm phục hồi nền kinh tế. Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã khẳng định: "Vẫn còn quá sớm để nói chúng ta đã thoát ra khỏi khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp chính sách để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021".

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của ngành Tài chính là phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5% GDP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN. Quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo hoàn thành dự toán thu về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2021.

Triển khai các nhóm giải pháp

Trên cơ sở bám sát chủ đề: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển" và những trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2021 theo các Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, ngành Tài chính sẽ tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Một là, điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất những giải pháp chính sách để tiếp tục hỗ trợ, duy trì quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021; trong đó giải pháp về chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí đầu vào, tăng vốn khả dụng cho doanh nghiệp, thông qua việc tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai các giải pháp chính sách về thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất-kinh doanh.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: "Với quan điểm lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, chúng tôi cho rằng các giải pháp về thuế, phí và lệ phí như nêu trên có thể sẽ làm giảm nguồn thu trong ngắn hạn. Nhưng khi sản xuất - kinh doanh phát triển, doanh nghiệp mạnh lên thì sự gia tăng về quy mô nền kinh tế sẽ làm cho nguồn thu ngân sách Nhà nước nhiều lên, không chỉ bù đắp số giảm thu do thay đổi chính sách, mà còn tăng thu ngân sách so với dự toán được giao".

Bộ Tài chính: Lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để phát triển nguồn thu - Ảnh 2.

Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính. (Ảnh: PV)

Cho đến nay, việc đề xuất các giải pháp chính sách trên đang được các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện để trình Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian gần nhất.

Hai là, ngành Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, cấp uỷ và chính quyền địa phương trong chỉ đạo công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; phấn đấu thu ngân sách Nhà nước tăng 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào ngân sách khoảng 15,5% GDP đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Ba là, quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 ngay từ đầu năm để tạo động lực và đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra. Theo đó sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các bộ, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng tốt hơn.

Bốn là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo hoàn thành dự toán thu về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2021.

Năm là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ, công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách Nhà nước, tài sản công, đất đai, tài nguyên, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng như quản lý giá, thị trường chặt chẽ, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII

Trước bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục phụ thuộc nhiều vào kết quả và khả năng kiểm soát đại dịch COVID-19, khó khăn phía trước còn nhiều, mục tiêu lớn và đầy thách thức đó là tăng trưởng kinh tế phải đạt 6%, thu NSNN tăng 3% so dự toán Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ còn rất nhiều việc phải làm trước mắt.

Tuy nhiên, như lời Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: "Với quyết tâm tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu "kép" vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế", phát huy tối đa những kết quả đạt được của năm 2020 và các yếu tố nền tảng bền vững, tôi tin rằng cả nước sẽ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội và NSNN đã đề ra", thì trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tập trung triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Bộ Tài chính: Lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để phát triển nguồn thu - Ảnh 3.

Trước tiên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn kế hoạch, khoảng 6,8%. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc đề xuất các chính sách phải căn cứ tình hình thực tiễn, đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Địa phương cần quan tâm chỉ đạo công tác ngân sách, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ...; giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế xuống dưới 5%; phấn đấu tăng thu NSNN tối thiểu 3% so với dự toán Trung ương giao.

Một điểm cần lưu ý nữa là quán triệt tinh thần tiết kiệm tối đa các khoản hội họp, khánh tiết, công tác phí, hạn chế mua sắm xe ô tô và các trang thiết bị đắt tiền; đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế đặc thù, thực hiện giảm tối thiểu 15% so với dự toán năm 2020; đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới khu vực sự nghiệp công, giảm tối thiểu 5% mức hỗ trợ từ NSNN đối cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần kinh phí; không hỗ trợ chi thường xuyên đối với các đơn vị đã tự chủ toàn bộ kinh phí.

Trong năm 2021, công tác sắp xếp, cổ phần hoá DNNN, cơ cấu lại khu vực ngân hàng cũng cần phải đẩy mạnh hơn song song với việc xử lý dứt điểm các dự án đầu tư thua lỗ, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống. Bộ trưởng cho hay: "Dự toán thu NSNN năm 2021 đã bao gồm 40 nghìn tỷ đồng nguồn cổ phần hóa, thoái vốn của ngân sách Trung ương. Vì vậy, các bộ, cơ quan có liên quan cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện lộ trình cổ phần hoá, thoái vốn ngay từ đầu năm, tránh dồn vào thời điểm cuối năm như một số năm gần đây".

Cuối cùng, trên cơ sở Văn kiện Đại hội Đảng XIII, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện Báo cáo kế hoạch Tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên năm 2022; xây dựng Đề án phân cấp ngân sách để báo cáo Chính phủ, làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành tài chính – NSNN trong thời gian tới, phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có các nhiệm vụ quan trọng về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, tăng chi đầu tư phát triển, thực hiện cải cách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, điều chỉnh chuẩn nghèo...; quản lý chặt chẽ an toàn nợ công; nợ quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài chính: Lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để phát triển nguồn thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO