Diễn đàn

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không đi chinh phục thế giới, thế giới đến chinh phục

Hoàng Linh 22/05/2025 06:42

Trao đổi với Viettel Global, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Không đi chinh phục thế giới, thế giới đến chinh phục mình. Viettel Global cần chính thức công bố giai đoạn phát triển mới, hoàn toàn tự tin, “tấn công” không gian mới, mở ra trang sử mới, huy hoàng hơn, vững vàng hơn, vừa nhanh, vừa bền vững trong chặng đường 10 năm tới.

Nỗ lực lớn của Viettel Global

Ngày 21/5/2025, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ trao bằng khen Bộ trưởng cho các doanh nghiệp (DN) viễn thông đầu tư ra nước ngoài.

Theo đó, 10 công ty nhận bằng khen, gồm: Tổng công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VTG) và các công ty trực thuộc gồm: Công ty Viettel Cambodia; Công ty Viettel Lào; Công ty Viettel Mozambique; Công ty Viettel Peru; Công ty Viettel Burundi; Công ty Viettel Myanmar; Công ty Viettel Haiti; Công ty Viettel Tanzania; Công ty Viettel Timor Leste.

bang-khen-viettel.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng bằng khen cho 10 công ty.

Các bằng khen của Bộ trưởng được trao tặng cho các DN theo quyết định được ký ngày 23/1/2025 về thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành TT&TT.

Thông tin về các kết quả rất ấn tượng của VTG, bà Nguyễn Thị Hoa, Tổng Giám đốc VTG cho biết Tổng công ty đã đầu tư ra nước ngoài từ năm 2006, đến nay đã được 19 năm. Trong suốt 19 năm, VTG đã từng bước mở rộng thị trường. VTG đã hiện diện ở 10 thị trường và có khoảng 60 triệu thuê bao thực. Tổng doanh thu 1 năm của VTG hơn 3 tỷ USD, tương đương doanh thu viễn thông trong nước, trong đó 7/10 thị trường đứng số 1 về thị phần, 6/10 thị trường đã hoàn vốn.

tgd-viettel-global.jpg
Bà Nguyễn Thị Hoa: Các công ty đã tự tin, thành công mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.

Đến thời điểm này, bà Nguyễn Thị Hoa cho biết VTG và các công ty trực thuộc tự tin và có thể gọi là thành công khi mở rộng ra kinh doanh tại nước ngoài.

Có được kết quả như ngày hôm nay, Tổng giám đốc VTG nhận định nhờ hai nguyên nhân chính: Tầm nhìn xa kể từ ngày đầu thành lập đã dẫn đường chỉ lối cho sự phát triển và sự đóng góp của lãnh đạo, cán bộ ở các thị trường nước ngoài đã quả cảm, dũng cảm, hy sinh trong nhiều hoàn cảnh rất khó khăn. Haiti là một ví dụ điển hình khi “súng đạn” diễn ra hàng ngày. Tiếp đó, Myanmar gặp chính biến, động đất. Các thị trường khác cũng gặp nhiều khó khăn bất ngờ nhưng các công ty đều đã đảm bảo yêu cầu mà Tập đoàn Viettel giao và mang lại thành công.

Với ghi nhận của Bộ KH&CN và Bộ trưởng, Tổng giám đốc VTG cho biết đây là niềm tự hào, cũng là áp lực để VTG phấn đấu, cố gắng hơn nữa.

Người đứng đầu Viettel, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc đánh giá trong năm 2025, trong bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam, VTG và các đơn vị thành viên đã vượt qua thực sự nhiều thách thức, kết quả vượt mức mong đợi. Cuối năm 2025, dự kiến thu hồi vốn của VTG là hơn 70%, lợi nhuận tăng 4 lần, có 3 thị trường đứng vị trí số 1 về thị phần như Haiti, Myanmar, Mozambique. Viettel Peru khó khăn nhưng đã vươn lên vị trí số 2, vượt qua một số nhà mạng lớn. Viettel Mozambique có lợi nhuận tới 25 triệu USD từ phát triển ví, được xem là điểm sáng trong bức tranh khó khăn.

ong-tao-duc-thang.jpg
Ông Tào Đức Thắng: VTG đặt mục tiêu tăng trưởng cao, trở thành điểm chạm cho các lĩnh vực.

Giai đoạn 2025 - 2030, VTG đặt mục tiêu tăng trưởng 20%, trở thành "điểm chạm" cho các lĩnh vực khai khoáng, nông nghiệp… để hướng tới trở thành DN toàn cầu.

Nguồn cảm hứng từ DN tiên phong ra nước ngoài

Ấn tượng với những nỗ lực của VTG, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) cho biết các cán bộ Cục Tần số VTĐ đi công tác nước ngoài đều cảm thấy tự hào khi ở nước ngoài có DN viễn thông như Viettel.

Qua trực tiếp được thực tế tại Viettel Timor Leste, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ thành công của Viettel có được là nhờ kỷ luật quân đội rất cao khi đi đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, Viettel Timor Leste có rất nhiều hoạt động xã hội. Tình cảm của người quân đội ở nước ngoài là đùm bọc, chia sẻ.

Đã từng có thời gian đồng hành cùng VTG, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đi ra nước ngoài kinh doanh là muôn vàn khó khăn, cùng với đó là VTG lại đến kinh doanh tại các nước không hề thuận lợi. Trong gần 2 thập kỷ đi ra nước ngoài, câu chuyện của VTG không chỉ trong nước ghi nhận mà đã gây ấn tượng, nguồn cảm hứng cho các nước ở các châu lục. Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) thường mang câu chuyện của Viettel về thu hẹp khoảng cách số ở nông thôn giới thiệu ở các nước trên thế giới. Tổng thư ký ITU là người “say sưa” với câu chuyện của Viettel.

bt-nguyen-manh-hung(1).jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Viettel đã đi ra nước ngoài 20 năm, phấn đấu có tên trên bản đồ viễn thông thế giới và trở thành niềm tự hào của Việt Nam.

“Viettel đã đi ra nước ngoài 20 năm, phấn đấu có tên trên bản đồ viễn thông thế giới và trở thành niềm tự hào của Việt Nam, cảm hứng cho nhiều người. Ai đi ra nước ngoài cũng có nhiều lo lắng và đã có người Việt Nam thành công ở nước ngoài sẽ khơi dậy niềm tự tin”, Bộ trưởng chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng, nhờ đầu tư ở nước ngoài, Viettel trở thành thương hiệu lớn không chỉ ở Việt Nam mà thế giới, giá trị thương hiệu đạt gần 9 tỷ USD. Đóng góp lớn của VTG đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận là nhờ về năng lực điều hành, tinh thần trách nhiệm, tinh thần quân đội, góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao của Việt Nam.

“Bộ KH&CN biểu dương và đánh giá cao VTG, người đứng đầu, cán bộ, nhân viên của Viettel ở các nước. Trong thời gian tới, VTG phải phát huy thành quả đạt được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đạt thành công này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định là nhờ có sự hội tụ nhiều yếu tố như nhân sự, kinh nghiệm, bản lĩnh, tinh thần làm gương, tinh thần chiến binh.

“Bám” nghề viễn thông

Nhận bằng khen ghi nhận những nỗ lực, đóng góp đi ra nước ngoài, các CEO Viettel tại 10 thị trường đã chia sẻ và nhớ lại những trải nghiệm…

Là người làm việc cho Viettel đã được 20 năm, ông Cao Mạnh Đức, CEO của Metfone (Viettel Campuchia) cho biết đi ra nước ngoài làm ông trưởng thành nhờ sự va chạm, thực tiễn điều hành và môi trường thử thách, theo đó, đã rèn luyện cá nhân, đội ngũ ở Metfone trưởng thành.

Ông Nguyễn Huy Dung, CEO Natcom (Viettel Haiti) cho biết từ khi kinh doanh tại Haiti, công ty luôn ở trong tình trạng bất ổn, diễn biến nhanh, nguy hiểm và bất thường. Những khó khăn ngày càng gay gắt. Năm 2024, Chính phủ Haiti bị lật đổ, xảy ra bạo loạn, bị cô lập với thế giới bên ngoài, các DN, các đoàn ngoại giao rời khỏi Haiti, chỉ có Natcom ở lại. Lãnh đạo, người dân Haiti đã đánh giá cao, ủng hộ, yêu quý và thương hiệu của Natcom tăng lên.

Tại thị trường Myanmar, ông Ngô Vĩnh Quý, CEO Mytel cho biết DN gặp nhiều khó khăn khi có tỉnh bị “trắng” thuê bao. Cùng với đó, tình trạng mất điện nhiều tiếng trong ngày làm ảnh hưởng lớn đến mạng lưới. Myanmar vừa gặp trận động đất lịch sử. Nhưng trong khó khăn chồng khó khăn, Mytel đã tiếp cận tiếp cận theo cách chủ động. Nhờ đó, 10 ngày sau trận động đất, Mytel đã khôi phục được 95% mạng lưới, có thêm 511.000 thuê bao, doanh thu cũng tăng. DN đã chủ động tổ chức các hoạt động để vươn lên.

Ông Trần Trung Hưng, CEO của Unitel (Viettel Lào) cũng cho biết gặp một số khó khăn về kinh doanh khi thị trường tại nước này cũng khá khốc liệt khi có sự tham gia của nhà mạng Thái Lan, Trung Quốc và công ty mong muốn cùng với Lào thúc đẩy CĐS. “Việt Nam thành công CĐS với nhiều nền tảng số. Việt Nam có thể giới thiệu các nền tảng số xuất sắc cho Lào và các nước để thúc đẩy CĐS”, CEO Unitel kiến nghị Bộ KH&CN.

Cùng với đó, các CEO Viettel tại các nước mong muốn Bộ trưởng chia sẻ về những bài học thời kỳ đầu Viettel đi ra nước ngoài với chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị”, xu hướng phát triển công nghệ mới và gợi mở để các công ty có thể vượt qua thách thức.

Lắng nghe các trao đổi, kiến nghị của các công ty Viettel tại các nước, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đây là những khó khăn có thể nói là rất lớn và định hướng một số công việc để VTG quan tâm thúc đẩy trong thời gian tới.

toan-canh.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các công ty Viettel tự tin làm nghề cung cấp hạ tầng thiết yếu.

Bộ trưởng cho biết “gốc gác” nghề của Viettel là “nghề” hạ tầng. Ngoài hạ tầng viễn thông, giờ đây các công ty Viettel cần quan tâm tới các hạ tầng Internet, dữ liệu, IoT - vật lý số, tiện ích, an toàn thông tin. Viettel tại các nước có thể xem xét xây dựng các trung tâm dữ liệu (DC) nhỏ. Cùng với đó, quan tâm phát triển các ngành sinh ra từ viễn thông như CNTT (chính phủ số, công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số).

Bộ trưởng đề nghị các công ty Viettel tự tin làm nghề cung cấp hạ tầng thiết yếu, dùng mạng lưới để phục vụ, hỗ trợ người dân địa phương sống tốt hơn như phủ sóng vùng sâu, xa. Đây được xem là phương thức sống, tồn tại của DN cần phải “bám chặt”. Cùng với đó, cần nghĩ thêm các biện pháp an toàn cho DN.

“Viettel từ ngày đầu không ngại đến những vùng đất khó khăn và ở lại. Những người dân ở nông thôn, ở nơi khó khăn được cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ biết ơn và trung thành với người ở bên cạnh họ”.

Không đi chinh phục thế giới, thế giới đến chinh phục mình

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “Đi ra nước ngoài là để được cạnh tranh với những công ty xuất sắc nhất, VTG nên cạnh tranh tốt hơn. VTG phải có chiến lược và phải đi trước Viettel trong nước”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đi ra nước ngoài cũng học hỏi được nhiều thứ như phát triển mobile money rồi quay về phát triển mobile money cho thị trường trong nước.

Hiện nay, theo Bộ trưởng, nhiều DN trong nước, trong đó có DN công nghệ số cũng muốn đi ra nước ngoài, nên VTG có thể hỗ trợ thương mại hoá cho các DN Việt Nam khác bằng cách thành lập phòng thương mại quốc tế, đưa sản phẩm Việt Nam sang, đưa sản phẩm nước ngoài về Việt Nam.

Chia sẻ, lo lắng với CEO ở các nước về phí tần số có thể tăng cao, Bộ trưởng đề nghị Cục Tần số VTĐ, Cục Viễn thông cần trao đổi với các cơ quan đồng cấp ở các nước để kịp thời hỗ trợ.

Theo Bộ trưởng, mức phí tần số dưới 5% doanh thu là chấp nhận được, 5 - 7% doanh thu thì phải đàm phán, “chiến đấu” và lớn hơn 10% thì cần xem xét dừng đầu tư. Việt Nam thực hiện đấu giá rất thành công nên có thể chia sẻ với các nước.

Ngoài viễn thông còn có công nghệ số, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, đưa CNTT, AI vào mọi ngõ ngách cuộc sống, đào tạo số, nông nghiệp số và đưa các DN khác ra nước ngoài như đào mỏ, chế biến.

Trong bối cảnh CĐS diễn ra mạnh mẽ, Bộ trưởng đề nghị Viettel ở các nước cần suy nghĩ làm nền tảng dùng chung, đầu tư có tốn kém nhưng dùng chung cả nước thì bù giá được.

VTG đi ra nước ngoài cũng là để giúp quảng bá Việt Nam ở các nước. Viettel ở các nước nên có không gian số giới thiệu về Bác Hồ, đất nước Việt Nam… Đây có thể xem là chỗ để người dân các nước hiểu Việt Nam. Viettel ở các nước cũng cần là đầu mối để giới thiệu thành công của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Viettel cần hỗ trợ DN công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới vì Viettel có thông tin, có thể hỗ trợ và các DN có thể có dựa vào lúc khó khăn.

“Lúc khó khăn, cần hỗ trợ VTG cũng cần coi Bộ KH&CN là nhà mình, là “hậu phương” vững chắc”, Bộ trưởng đề nghị.

Bộ trưởng mong VTG tự tin, khát vọng hơn. “Sự nghiệp của VTG đã có 10 năm khai phá, 10 năm củng cố (maintenance) và 10 năm tới tiến lên một giai đoạn (phase) mới. “VTG cần chính thức công bố giai đoạn phát triển mới, hoàn toàn tự tin hơn, tấn công không gian mới, mở ra trang sử mới, huy hoàng hơn, vững vàng hơn, vừa nhanh vừa bền vững trong chặng đường 10 mới”.

Sứ mệnh của đất nước trong kỷ nguyên mới là tăng trưởng 2 con số, trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Theo đó, Bộ trưởng cho biết mức cao thì phải đi ra nước ngoài khai thác thị trường nước ngoài và DN công nghệ số phải đi ra toàn cầu.

“VTG phải đi đầu ở Việt Nam trong câu chuyện chinh phục thế giới. Không đi thì không hoá rồng. Không đi chinh phục thế giới, thế giới đến chinh phục mình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không đi chinh phục thế giới, thế giới đến chinh phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO