Nhiều “điểm sáng” trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số
Qua 6 tháng triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia từ đầu năm 2024 đến nay, những kết quả tích cực đã được tạo ra, là cơ sở, động lực để Việt Nam phát triển hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Dịch vụ công trực tuyến được nâng cao, không có sự can thiệp của con người
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), những kết quả điển hình được ghi nhận chính là: Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến (toàn trình cả nước đạt (42%); bộ, ngành (61%); địa phương đạt (17%)); kinh tế số tăng trưởng 22,4%; kinh tế số (KTS) ICT tăng trưởng 26%; số lượng doanh nghiệp (DN) công nghệ số tăng 8%; hoàn thiện việc đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam; giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tăng mạnh 67%...
Đặc biệt, đối với các lĩnh vực: Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CĐS; lãnh đạo, điều hành; phát triển dữ liệu số; phát triển hạ tầng số; Chính phủ số (CPS); KTS; xã hội số (XHS); an toàn thông tin (ATTT) mạng… đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan, tích cực.
Cụ thể, về việc hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CĐS, Quốc hội thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự thảo luật Công nghiệp công nghệ số và dự thảo luật Dữ liệu đang được lấy ý kiến nhân dân; các bộ, ngành đã ban hành gần 20 văn bản hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiện toàn tổ chức bộ máy, giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trợ lý ảo, an toàn an ninh mạng; 63/63 địa phương đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng DVCTT…
Đối với công tác lãnh đạo, điều hành, Ủy ban Quốc gia về CĐS, các Ban chỉ đạo về CĐS các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh đối với công tác này thông qua việc tổ chức các phiên họp, hội nghị, hội thảo, tổng kết, đánh giá…
Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia thường xuyên được phát triển, được tạo lập để chia sẻ, khai thác, trong đó: Dữ liệu về dân cư (xác thực được hơn 97,6 triệu thông tin nhân khẩu trong; làm sạch 13.366 dữ liệu người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán; làm sạch 34,9 triệu dữ liệu giấy phép lái xe; xác thực, làm sạch hơn 110,2 triệu dữ liệu thông tin thuê bao di động …
Đặc biệt, kết quả trong công tác phát triển dữ liệu số đến nay đã có 17 bộ, ngành (tăng 3 bộ so với năm 2023) và 54/63 địa phương (tăng 3 tỉnh so với năm 2023) đã ban hành hành danh mục CSDL dùng chung theo quy định; số CSDL được xác lập trên toàn quốc tiếp tục tăng 394 CSDL lên 2.699 CSDL…
Cũng tích cực đạt kết quả như 3 lĩnh vực trên, việc phát triển hạ tầng số cũng ghi nhận: Toàn quốc có thêm khoảng 687.000 hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng; thêm trên 3,8 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh; tỷ lệ chuyển đổi sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 60%; đang triển khai cung cấp dịch vụ 5G…
Đối với chính phủ số, đến nay đã đạt việc cung cấp DVCTT cho người dân, DN (TTHC được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình đạt 48%; DVCTT toàn trình của các bộ, ngành đạt 61%; tỉnh, thành phố đạt 17%)... Và điểm sáng trong công tác này chính là chất lượng cung cấp DVCTT được nâng cao, không có sự can thiệp của con người, hoàn toàn tự động.
Đối với việc phát triển kinh tế số, kinh tế số ICT ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, tăng trưởng 26%; kinh tế số ngành, lĩnh vực: thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng 49%; dịch vụ Mobile Money đạt hơn 8,8 triệu khách hàng…
Ở kết quả việc phát triển XHS, đến nay tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87,08%; cấp chữ ký số (CKS) cho người dân cấp được 10.126.828 CKS, tăng 1.541.677 CKS; có trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử…
Đối với lĩnh vực ATTT mạng, đến nay cũng luôn được tích cực triển khai thông qua việc: Định kỳ thực hiện sao lưu dữ liệu, trong đó có hình thức sao lưu ngoại tuyến; áp dụng triển khai giải pháp để sẵn sàng phục hồi nhanh hoạt động của hệ thống thông tin khi gặp sự cố, đưa hoạt động của hệ thống thông tin trở lại bình thường trong vòng 24 tiếng hoặc theo yêu cầu nghiệp vụ.
Cần sớm hoàn thiện thể chế về AI theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được nêu trên, qua 6 tháng, vẫn đang tồn tại những hạn chế đó là: Vẫn còn một số bộ chưa công bố danh mục TTHC thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện DVCTT toàn trình; các bộ, ngành, địa phương vẫn còn chưa đạt mức cao về chất lượng về giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin; còn 15 bộ, ngành, địa phương chưa ban hành danh mục CSDL và 30 bộ, ngành địa phương chưa có kế hoạch cung cấp dữ liệu mở; còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có kế hoạch thực hiện kiểm tra giám sát CĐS trong năm; tỷ lệ thôn bản lõm sóng chưa được phủ sóng băng rộng di động còn cao; thiếu cơ chế, chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước.…
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, cũng như tăng cường hiệu quả cho công tác này, với chức năng là đơn vị đầu mối, tổng hợp, hướng dẫn thực hiện, Bộ TT&TT đề xuất các bộ, ngành, địa phương, trung ương cần: Tập trung ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về CĐS đã đề ra trong Kế hoạch CĐS năm 2024.
Cùng với đó, cần hoàn thành việc phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ (tháng 9/2024) và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm ATTT (tháng 12/2024) cho 100% hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; sớm xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động CĐS (trước 20/7); các bộ, ngành khác thực hiện số hóa các ngành kinh tế theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao…
Đặc biệt, các đơn vị cần sớm trình ban hành Kế hoạch phát triển KTS, XHS giai đoạn 2024- 2025 (thời hạn hoàn thành tháng 8/ 2024); đẩy mạnh các giải pháp xóa vùng lõm sóng di động trên phạm vi toàn quốc; hoàn thiện thể chế về AI theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
“Các đơn vị tích cực phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội nghị triển khai CĐS TMĐT trong bán buôn, bán lẻ; Bộ Y tế xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ CĐS y tế đến năm 2030; Bộ Nội vụ hoàn thành hướng dẫn Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, nhất là việc lưu trữ điện tử, hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử”, Bộ TT&TT đề xuất./.