Bộ TT&TT - Bộ Tư pháp tăng cường phối hợp truyền thông chính sách pháp luật
Hai đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là Cục Báo chí và Cục Thông tin đối ngoại và Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) - Bộ Tư pháp đã thống nhất phối hợp trong công tác truyền thông chính sách (TTCS) pháp luật.
Ngày 12/3, tại trụ sở Bộ Tư pháp, đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Cục PBGDPL - Bộ Tư pháp và Cục Báo chí, Cục Thông tin đối ngoại (TTĐN) - Bộ TT&TT.
Đến dự và chứng kiến Lễ ký kết chương trình phối hợp có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh và Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm. Tham dự buổi Lễ còn có các đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
TTCS đi trước, đón đầu tạo được sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027" (Đề án 407), Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác TTCS.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định: Công tác TTCS đi trước, đón đầu sẽ tạo được sự đồng thuận trong xã hội và nhân dân.
Với vai trò quản lý nhà nước về báo chí, chuyển đổi số (CĐS), Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định việc nắm bắt chủ trương, hoạch định chính sách, lấy ý kiến nhân dân, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và thực thi pháp luật thuộc phạm vi quản lý đều là các khâu vô cùng quan trọng.
Để mỗi khâu đạt hiệu quả thì việc TTCS để tạo đồng thuận cũng như góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng chính sách là rất cần thiết. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng trong bối cảnh nguồn lực hạn chế thì việc phối hợp giữa các đơn vị của hai Bộ là giải pháp tối ưu nhất đồng thời bày tỏ tin tưởng đây sẽ là tiền đề để các đơn vị triển khai tốt thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.
Đánh giá cao đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cũng nhấn mạnh công tác TTCS là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ hết sức quan tâm. Điều này đã được thể hiện rõ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Trong đó, Nghị quyết xác định rõ giải pháp về tăng cường công tác TTCS, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá nội dung chương trình, mục đích ký kết hết sức thiết thực, trên cơ sở đó, các cơ quan sẽ có nhiều giải pháp tham mưu Chính phủ, Hội đồng PBGDPL Trung ương để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, TTCS theo phương châm thực chất, hiệu quả, bám sát yêu cầu của Ban Bí thư tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Quyết định số 407/QĐ-TTg và Chỉ thị số 07/CT-TTg.
CĐS trong công tác PBGDPL, TTCS pháp luật
Theo chương trình hợp tác, Cục PBGDPL và Cục Báo chí thống nhất nội dung phối hợp công tác giai đoạn 2024 - 2027, tập trung vào các hoạt động: tham mưu xây dựng văn bản QPPL, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về TTCS, PBGDPL gắn với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi đơn vị.
Cùng với đó, hai bên tăng cường trong TTCS pháp luật; chỉ đạo các cơ quan báo chí tham gia thực hiện TTCS, PBGDPL, thông tin về hoạt động PBGDPL; Phối hợp thực hiện nhiệm vụ TTCS, pháp luật theo Chỉ thị số 07/CT-TTg gắn với việc triển khai có hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg.
Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu kỹ năng, nghiệp vụ về TTCS, PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật Trung ương, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở Trung ương.
Triển khai cung cấp, chia sẻ thông tin, phổ biến, TTCS pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) PBGDPL quốc gia; thực hiện CĐS trong công tác PBGDPL, TTCS pháp luật.
Phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin về tin, bài TTCS pháp luật, PBGDPL được báo chí đăng tải nhằm kịp thời nắm bắt, tham mưu nội dung cần triển khai bảo đảm hiệu quả, chất lượng.
Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả phối hợp trên cơ sở Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hằng năm; nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp của hai bên.
Trong khi đó, Cục PBGDPL và Cục TTĐN đã thống nhất nội dung phối hợp, tập trung vào các hoạt động gồm: Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn công tác TTĐN trong triển khai Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT), pháp luật Việt Nam về hai lĩnh vực này cho các bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, hai đơn vị phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn về: nội dung Công ước ICCPR và Công ước CAT; pháp luật Việt Nam về hai lĩnh vực này cho các cán bộ, công chức làm công tác TTĐN ở Trung ương và địa phương; kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội cho cán bộ, công chức làm công tác TTĐN ở Trung ương và địa phương.
Pháp luật về quyền con người cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; các khóa đào tạo trực tuyến mở, đại trà (MOOCs) các Công ước quốc tế về quyền con người; chính sách, pháp luật của Việt Nam về quyền con người… cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, lực lượng làm công tác truyền thông.
Phối hợp truyền thông về Công ước ICCPR, Công ước CAT và thành tựu của Việt Nam; Trao đổi tin, bài, dữ liệu truyền thông để đăng tải trên các nền tảng truyền thông của Cổng TTĐT PBGDPL quốc gia và Cổng TTĐN quốc gia vietnam.vn; Phối hợp truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội cho các đối tượng làm công tác TTĐN ở trong và ngoài nước./.