Hoạt động của các cơ quan báo chí được Bộ TT&TT hướng dẫn, hỗ trợ tích cực trong thời gian qua. (Ảnh: Bình Minh)
Thông qua hệ thống tiếp nhận và xử lý kiến nghị trực tuyến ngành TT&TT, các kiến nghị trong lĩnh vực báo chí - truyền thông đã được Bộ TT&TT kịp thời giải đáp, hướng dẫn cụ thể.
Báo Người lao động TP.HCM có kiến nghị liên quan đến hỗ trợ CĐS cho các cơ quan báo chí. Theo Bộ TT&TT, việc CĐS báo chí của các cơ quan báo chí TP.HCM nói chung và báo Người lao động TP.HCM nói riêng, là vấn đề cần được trao đổi nhiều chiều với sự tham gia của nhiều cơ quan báo chí tại TP.HCM, của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương (Sở TT&TT TP.HCM) và của đại diện cơ quan chủ quản (Thành uỷ, UBND TP.HCM). Bộ TT&TT giao cho Cục Báo chí cùng các đơn vị của Bộ theo chức năng nhiệm vụ, tham gia đóng góp ý kiến và hỗ trợ để giải quyết.
Đối với kiến nghị về chính sách hỗ trợ và vấn đề đặt hàng báo chí từ nguồn Ngân sách Nhà nước (NSNN): Trong thời gian tới, khi xây dựng các Đề án, nhiệm vụ thông tin tuyên truyền thiết yếu có sử dụng nguồn NSNN, Cục Báo chí sẽ tham mưu Bộ TT&TT kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành xem xét bố trí nguồn kinh phí theo quy định để có thể cho phép đặt hàng các cơ quan báo chí có ảnh hưởng quan trọng trong xã hội, không phân biệt giữa báo trung ương và báo địa phương. Về lâu dài, xu hướng của việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ quan báo chí sẽ là mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản (giao nhiệm vụ kèm kinh phí, điều kiện thực hiện nhiệm vụ) với cơ quan báo chí trực thuộc, hoặc giữa các bộ, ngành, địa phương có các nhiệm vụ truyền thông chính sách cụ thể với các cơ quan có đủ năng lực, điều kiện tham gia hỗ trợ công tác truyền thông chính sách thông qua hoạt động báo chí.
Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) kiến nghị với Bộ TT&TT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả truyền thông đáp ứng yêu cầu cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện, hiện đại trong tình hình mới. Cục Báo chí ghi nhận kiến nghị của Báo QĐND. Cục Báo chí cũng đã tham dự các hội nghị của Báo QĐND tổ chức nhằm lấy ý kiến xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện và đã có ý kiến đóng góp đối với đề án của Báo QĐND. Cục Báo chí cũng đề nghị Báo QĐND khẩn trương hoàn thiện đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. và sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến khi được yêu cầu.
Đối với việc một số Đài PTTH gặp khó khăn, vướng mắc trong việc đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ dịch vụ phát sóng trên hạ tầng kỹ thuật số mặt đất, Bộ TT&TT cho biết: Căn cứ Mục b, khoản 10, Điều 1 của Quyết định số 310/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, quy định về ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ truyền dẫn thông tin tuyên truyền: "Bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ: thông tin, tuyên truyền; truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương". Cùng với đó, theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và Quyết định số 1265/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong lĩnh vực TT&TT, NSNN đảm bảo 100% cho nhiệm vụ "Thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị".
Như trường hợp của Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội mới có kênh H1 là kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của Hà Nội, theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Thành phố Hà Nội có tối đa 2 kênh truyền hình thiết yếu. Trong trường hợp đơn giá đặt hàng chưa bao gồm đơn giá truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất thì Đài Phát thanh – Truyền hình được căn cứ Định mức tạm thời về truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình trên hạ tầng truyền hình số mặt đất theo Quyết định số 2279/QĐ-BTTTT ngày 20/12/2016 và đơn giá do UBND ban hành để hình thành kinh phí, lựa chọn đơn vị truyền dẫn phát sóng theo quy định pháp luật...