Bộ TT&TT phát huy vai trò "Tổng tham mưu trưởng" về CNTT, chip, bán dẫn
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, những con số phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông trong năm 2024 là những con số biết nói, chứng minh cho sự phát triển của lĩnh vực Thông tin và Truyền thông của đất nước.
Sự chỉ đạo của Bộ TT&TT góp phần cho Ngành đạt thành tích cao, kết quả lớn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ TT&TT sáng ngày 29/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ghi nhận nỗ lực của toàn ngành TT&TT, các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ, các doanh nghiệp (DN) TT&TT và đặc biệt là sự chỉ đạo của Bộ TT&TT để Ngành đạt được thành tích cao, kết quả lớn.
Cụ thể, về xếp hạng Chính phủ điện tử, Việt Nam xếp hạng thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc, đạt chỉ số phát triển cao so với 2022. Việt Nam là một trong 46 quốc gia thuộc nhóm 1 về xếp hạng an toàn thông tin, đứng thứ 17/193 quốc gia.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng đạt nhiều kết quả như: Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 4 Nghị quyết, 6 nghị định, 8 quyết định và 2 chỉ thị; ban hành 27 thông tư. Đây là nền tảng pháp luật để ngành thông tin và truyền thông phát triển vững mạnh.
Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến đã đạt 45%, tăng 28% so với 2023. Đối với hạ tầng số, thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,8%; tỷ lệ gia đình sử dụng internet cáp quang băng thông rộng đạt 82,9%; việc đưa vào vận hành mạng 5G của Vinaphone, Viettel đã tạo ra sự đột phá trong việc cung cấp dịch vụ sử dụng Internet; tỷ trọng kinh tế đạt 18,3%.
Qua các số liệu, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: "Đây là những con số biết nói, chứng minh cho sự phát triển của lĩnh vực TT&TT của đất nước".
Bên cạnh thành tích đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng cho biết có những thách thức và những khó khăn, hạn chế mà Ngành đang đối mặt như: Công nghệ thay đổi rất nhanh chóng, đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật nhanh nhất, đặc biệt là cơ chế, chính sách sử dụng và phát huy nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh đó là vấn đề đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng trên môi trường mạng, môi trường số. Dẫn chứng từ vụ lừa đảo hơn 5.200 tỷ của "Mr Pips" với hơn 2.600 bị hại, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh yêu cầu phải luôn luôn đi trước, đón đầu về công nghệ, qua đó có các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn rủi ro, bảo vệ quyền lợi của người dân trên môi trường mạng.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, cơ sở dữ liệu và hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) hạn chế cũng dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng, xử lý các bài toán có tính chất đa ngành; việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường tương lai về CNTT, chip, bán dẫn,… cũng là vấn đề đang đặt ra và ngành TT&TT cũng cần phải phát huy vai trò "Tổng tham mưu trưởng" cho Chính phủ để quản lý hiệu quả lĩnh vực này.
Đối với việc quản lý báo chí và thông tin trên mạng, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý phù hợp, đảm bảo "báo chí của chúng ta thực sự là báo chí cách mạng"; đồng thời phải có nhưng giải pháp hiệu quả cả về công nghệ và pháp lý để ngăn chặn thông tin xấu độc, thông tin bịa đặt trên các nền tảng số, nền tảng mạng xã hội.
"Không để những thông tin bịa đặt, thông tin xấu độc như đàn mối trong căn nhà gỗ, gặm nhấm dần niềm tin của người dân đối với chính quyền", Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng nêu những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để triển khai hiệu quả các dự án, xây dựng các hệ thống CNTT, dữ liệu tại các cơ quan hành chính nhà nước…
Theo Phó Thủ tướng, đây cũng là thách thức, bởi CNTT, công nghệ số (CNS) phát triển rất nhanh, nên các quy định về định mức, đơn giá "không theo kịp" với yêu cầu của thực tiễn.
Phó Thủ tướng cho rằng sản phẩm của CNTT, CNS làm ra là kết tinh của sự sáng tạo, tân tiến, không giống như những hoạt động thông thường như xây 1 căn nhà đã có định mức về nhân công, xi măng, sắt thép, vật liệu,…
Do đó, cần phải thống nhất về nhận thức và có cở sở phù hợp để các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng đấu thầu, chỉ định thầu để tìm ra được những công nghệ tốt nhất, đưa vào sử dụng dài hạn.
Bộ hợp nhất là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57 đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-2024). Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phát phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết khoán 10 trong nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho KHCN, ĐMST và CĐS.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc làm chủ KHCN để làm chủ tiến trình CĐS ở Việt Nam, giao DN nòng cốt làm dự án lớn về CĐS, làm chủ công nghệ chiến lược. "Đây là một mũi tên trúng hai đích, vừa làm chủ tiến trình CĐS, vừa hình thành các DN công nghệ lớn của đất nước".
"Từ nay, CĐS thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Chúng ta kỳ vọng CĐS góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, mạnh mẽ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Bộ TT&TT và Bộ KH&CN sẽ hợp nhất với nhau và trở thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Hai Bộ hợp nhất với nhau phải tìm ra được điểm chung cộng lực thì mới mạnh lên. Bộ KH&CN quản lý về phát triển công nghệ nói chung. Bộ TT&TT quản lý CNTT, công nghệ số - là những công nghệ cốt lõi, nền tảng cho tất cả các ngành, lĩnh vực khác, CNS là các công nghệ năng động và quan trọng nhất hiện nay.
Tên mới của Bộ hợp nhất là Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông vừa bao quát được hết các lĩnh vực của hai Bộ, lại vừa thể hiện được cái cộng lực, cộng hưởng của hai Bộ là công nghệ.
Cũng theo Bộ trưởng, phát triển công nghệ chủ yếu là DN, trên 50.000 DN công nghệ số thuộc quản lý của Bộ TT&TT, nay sẽ tiếp cận được nhanh hơn với kết quả nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ gần với DN, đưa nhanh hơn kết quả nghiên cứu KHCN ra sản phẩm phục vụ cuộc sống. Hai Bộ hợp nhất thành một Bộ mới rất quan trọng và rất lớn của đất nước.
"Bộ mới hợp nhất - Bộ Khoa học công nghệ và Truyền thông sẽ là lực lượng nòng cốt để hiện thực hóa Nghị quyết đặc biệt quan trọng này. Nghị quyết 57 xác định bộ ba: KHCN, ĐMST và CĐS là trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Với những chỉ đạo nhiệm vụ cho ngành TT&TT của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Bộ TT&TT sẽ cụ thể hóa vào kế hoạch và chương trình hành động của năm 2025. “Mục tiêu tăng trưởng cao, tăng trưởng hai con số của đất nước, bắt buộc phải dựa vào CĐS và phát triển kinh tế số”.
Các yếu tố cốt lõi của CĐS là thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số. Kinh tế số muốn phát triển phải được tích hợp vào tất cả các Ngành, lĩnh vực. Chính phủ số, DN số, công dân số là các động lực cho tăng trưởng kinh tế. CĐS, kinh tế số không chỉ là xu thế mà là yêu cầu bắt buộc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, DN và người dân trong việc xây dựng nền kinh tế số toàn diện, bền vững và an toàn...
Báo chí truyền thông và xuất bản phải khơi dậy khát vọng hùng cường của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, phổ biến chính sách, tạo ra sự đồng thuận, niềm tin và năng lượng tích cực cả trong không gian thực và không gian số để hướng cả dân tộc Việt Nam vào công cuộc đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao.
“Các nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng giao cho ngành là mệnh lệnh, phải bàn cách làm bằng được và đây là trách nhiệm của ngành TT&TT trước Chính phủ và cũng là trách nhiệm với đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.