Bộ TTTT lưu ý địa phương khi thí điểm dịch vụ đô thị thông minh

Lan Phương| 07/01/2020 14:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã ban hành văn bản số 4176/BTTTT-THH ngày 22/11/2019 về việc hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM), trong đó bao gồm nội dung triển khai thí điểm một số dịch vụ cơ bản.

Những đặc trưng của ĐTTM

Theo ông Thắng, đặc trưng nhất của thông minh (smart) là phải có dữ liệu. Dữ liệu là điều kiện cần, phải được số hóa, trở thành thông tin, tri thức có giá trị; phải áp dụng các công nghệ mới thì mới có dữ liệu thông minh được.

Dữ liệu tăng trưởng theo cấp số nhân và khi dữ liệu tăng trưởng cũng làm tăng cơ hội để đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, dữ liệu chính là nền tảng tạo nên sự thông minh trong tương lai.  

Điểm thứ hai liên quan đến thông minh trong ĐTTM chính là các sensor. Sensor ở đây có thể là thiết bị, ứng dụng, con người cung cấp thông tin cho hệ thống, quản lý… phục vụ các dịch vụ của ĐTTM, có thể đáp ứng các yêu cầu về an ninh trật tự, an toàn, y tế, giáo dục… Sensor rất quan trọng và liên quan đến an toàn thông tin (ATTT), liên quan đến sự riêng tư, chính sách dữ liệu.

Thứ ba liên quan đến thông minh trong vị trí (location). Chúng ta dùng điện thoại thông minh và quan tâm đến dịch vụ vị trí. Vị trí cũng là thông tin và thông tin này sẽ liên quan đến tính riêng tư, dữ liệu của người dùng.

Một điểm nữa liên quan đến ĐTTM là phải có hạ tầng viễn thông - CNTT để triển khai, có thể là mạng băng rộng, mạng IoT hoặc là phải có các dịch vụ đám mây (cloud)…

Nói đến ĐTTM cũng phải nói đến tiêu chuẩn vì chúng ta sẽ có vài chục tỷ thiết bị kết nối với nhau nếu không có tiêu chuẩn thì rất khó có thể kết nối và quản trị được.“Tiêu chuẩn để đảm bảo tính tương thích, liên thông, hiệu năng, hiệu quả”.

Có tiêu chuẩn rồi thì cần dùng tiêu chuẩn mở để tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị (vendor) để không bị trói buộc vào một hãng công nghệ nào đó.

Nói đến ĐTTM, quan trọng nữa, theo ông Thắng, là phải có chính sách thông minh, có con người số, con người thông minh.

Và trong ĐTTM, vấn đề an toàn thông tin (ATTT) cần được quan tâm. ATTT cần được đảm bảo đồng hành với tất cả các hoạt động xây dựng ĐTTM từ chính sách, con người, quy trình, công nghệ, sản phẩm, dịch vụ”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tại sao lại thí điểm triển khai ĐTTM

Theo IDG, ĐTTM có 5 giai đoạn trưởng thành. Sự “thông minh” là ở giai đoạn 4, khi đã có bộ chỉ số (KPI) để đánh giá, trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát, quản trị tất cả các thông tin, nền tảng ĐTTM. Còn các giai đoạn trước giai đoạn 4 là giai đoạn thử nghiệm, nhân rộng, mở rộng.

5 giai đoạn trưởng thành của ĐTTM

Ông Thắng cho rằng: chúng ta đang ở giai đoạn đầu tiên và đang tìm các cơ hội. Đây là thời điểm để chuyển sang giai đoạn thứ 2. ĐTTM cần rất nhiều điều kiện như sensor, dữ liệu, công nghệ, chính sách, con người để tiến tới thông minh.

“Tôi cho rằng cái gì cũng cần rèn luyện mới tiến hóa được, và muốn nhanh, thông minh phải từ từ, cho nên hãy tư duy đi từng bước vững chắc thì mới có nền tảng phát triển tốt nhất”.

Giai đoạn tiếp là triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lại phải thí điểm mà tại sao không thông minh luôn?

Ông Thắng lý giải: Chúng ta nói nhiều về y tế, giáo dục, xã hội thông minh… chúng ta có đưa tất cả lên “đám mây”. Chúng ta sẽ phải tiến tới điều này nhưng trước đó cần phải tiến dần từng bước trong tiến trình triển khai ĐTTM, vì vậy phải thí điểm.

Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Ông Thắng cho biết, ngay từ trang đầu của Đề án đã nêu quan điểm và nguyên tắc rất rõ. Đây là vấn đề phức tạp và cần phải làm dần dần từng bước, thí điểm hiệu quả trước khi triển khai, không phát triển tự phát, tràn lan và theo phong trào.

Thứ hai là mục tiêu trong Đề án đã nêu rõ như đến năm 2025 mới thực hiện giai đoạn 1 thí điểm, 2030 hoàn thành thí điểm triển khai ĐTTM.

Bộ TTTT đã ban hành văn bản số 4176/BTTTT-THH ngày 22/11/2019 gửi UBND các tỉnh/thành phố về việc hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM, trong đó bao gồm nội dung triển khai thí điểm một số dịch vụ cơ bản. Trong văn bản số 4176/BTTTT-THH nêu rõ mục tiêu thí điểm, đánh giá, thử nghiệm đúc kết trước khi nhân rộng.

Mục tiêu triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM nhằm triển khai hiệu quả một số dịch vụ trên nền tảng ĐTTM. Xác định mô hình triển khai thành công để phổ biến, nhân rộng và đánh giá được mức độ phù hợp với thực tiễn của các văn bản hướng dẫn, quy định đã ban hành và đề xuất bổ sung, hệ thống hóa, hoàn thiện các vãn bản hướng dẫn, quy định về phát triển dịch vụ ĐTTM trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đó sẽ thí điểm Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM; Lựa chọn đô thị điển hình của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai thí điểm. Thời gian thực hiện thí điểm trong năm 2020.

Công văn này đã có đầy đủ nội dung với các phụ lục hướng dẫn, các biểu mẫu đăng ký. Hiện Cục Tin học hóa đã nhận được 23 văn bản đăng ký thí điểm của các tỉnh, thành.

Mô hình thí điểm ĐTTM

Với vai trò tổ chức hướng dẫn, Bộ TTTT tổ chức hướng dẫn các  địa phương triển khai việc này. Bộ TTTT khuyến nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho Sở TTTT là đầu mối triển khai thí điểm ĐTTM cho đồng bộ và đây cũng là cơ hội để các Sở TTTT thể hiện vai trò trách nhiệm của mình trong lĩnh vực trách nhiệm chuyên môn được giao.

Trong công văn này, cũng nêu rõ thí điểm các dịch vụ cơ bản, thiết yếu nhất và các dịch vụ có thể bổ sung thêm cho phù hợp với tình hình địa phương và sự tham gia của DN cung cấp các sản phẩm thử nghiệm.

Ông Thắng cho biết: “Đây là cơ hội để các DN đánh giá thực tiễn sản phẩm đã thực sự thương mại hóa. Các địa phương có cơ hội tiết kiệm được chi phí và phối hợp cùng DN thí điểm các dịch vụ ĐTTM. Cơ quan nhà nước cũng đúc kết được mô hình, các vấn đề cần làm cho ĐTTM. Vai trò của Sở TTTT được nâng cao”.

Theo ông Thắng, quan trọng là cần xác định dịch vụ ĐTTM là như thế nào? Người dân, tổ chức tham gia vào và qua hạ tầng viễn thông công cộng hiện có, chứ không phải xây mới.

Điểm nữa là có nền tảng hệ thống chính quyền điện tử, khối nền tảng ĐTTM ở bên cạnh và có trung tâm điều hành giám sát ĐTTM. Điểm nhấn là người dân truy cập, sử dụng dịch vụ ĐTTM nhưng người dân cũng tham gia vào quá trình xây dựng ĐTTM và chính quyền điện tử. Đây mới điều quan trọng.

Khi thí điểm và sau đó chúng ta tổng kết thì sẽ tìm ra được mối liên kết giữa ĐTTM và quyền điện tử. Đây cũng là mục tiêu của việc thí điểm, các thực tiễn liên quan, từ việc chọn dịch vụ, thí điểm, đánh giá, quy trình…

“Xây dựng ĐTTM là một quá trình dài và có rất nhiều dịch vụ cần phải có nền tảng. Nếu không có nền tảng thì rất khó phát triển bền vững được theo mục tiêu của Đề án phát triển ĐTTM bền vững”.

Các địa phương có thể tham chiếu nền tảng SCP của Liên minh Viễn thông (ITU), có thể học hỏi được về công nghệ, kỹ thuật, cơ chế module mở, có giao tiếp các khối với nhau, trong đó, các hệ thống dữ liệu mở cho các nhà đầu tư, thị trường để các bên, DN tham gia vào cung cấp dịch vụ ĐTTM. Nền tảng phối hợp dữ liệu cũng được tách ra thành các giao tiếp để trở thành cơ chế mở chứ không đóng.

“Cần làm nền tảng này mới phát triển ĐTTM được”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nền tảng SCP của ITU (ITU-T, Y.4201 (02/2018)): các yêu cầu cấp cao và khung tham chiếu nền tảng ĐTTM

Để giải bài toán này thí điểm, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch thí điểm. Theo đó, Cục Tin học hóa sẽ đồng hành cùng các địa phương để giải quyết bài toán.

Ngoài ra, DN cũng cần có giải pháp chủ động trao đổi với địa phương có nhu cầu đăng ký thí điểm các dịch vụ cơ bản như phản ánh hiện trường, chính quyền tham gia phối hợp giải quyết vấn đề đồng bộ. Hay tính năng SOS cần có sự tham gia của cứu hỏa, y tế …

Bộ TTTT sẽ tổ chức sơ kết 6 tháng và cuối năm cũng sơ kết đánh giá. Trong quá trình triển khai thí điểm, địa phương cần xây dựng chỉ tiêu, giá trị mong muốn và đề xuất, ông Thắng lưu ý.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bộ TTTT lưu ý địa phương khi thí điểm dịch vụ đô thị thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO