Diễn đàn

Bưu chính cần đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số để đảm bảo dòng chảy vật chất

Hoàng Linh 11:48 10/12/2024

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, ngành bưu chính cần nâng cấp môi trường pháp lý để đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, góp phần phát triển xã hội số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu.

Ngày 10/12/2024, tại Hà Nội, Hội thảo quản lý Bưu chính APPU do Bộ TT&TT đăng cai tổ chức đã được khai mạc tại Hà Nội.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/12/2024 với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý, các nhà khai thác bưu chính trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APPU) trực tiếp và trực tuyến.

toan-the-appu-2.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Nâng cấp môi trường pháp lý để đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số lĩnh vực bưu chính

Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương chào mừng các đoàn đại biểu các nước thành viên APPU tham dự Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội.

tt-bui-hoang-phuong.png
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương: Các DN bưu chính và các cơ quan xây dựng chính sách cần hợp tác để cập nhật, nâng cấp môi trường pháp lý bưu chính để khuyến khích đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực bưu chính.

Thứ trưởng cho biết trong một thập kỷ gần đây, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, ngành bưu chính đang phát triển rất mạnh mẽ và thay đổi nhanh chóng để thích ứng với những cơ hội, thách thức mới từ chuyển đổi số (CĐS) - đã tác động đến sự phát triển Chính phủ số, kinh tế số, thương mại điện tử (TMĐT), cũng như thay đổi thói quen của người dân.

Theo Báo cáo của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), trong giai đoạn 2013 - 2022, sản lượng bưu phẩm nội địa toàn cầu giảm 30% do sự sụt giảm sản lượng thư, thay vào đó sản lượng bưu kiện nội địa toàn cầu tăng 176% do sự bùng nổ của TMĐT. Ngoài ra, sản lượng dịch vụ bưu chính phổ cập cũng đang sụt giảm trên toàn cầu.

Thứ trưởng nhấn mạnh, những xu hướng này đòi hỏi ngành bưu chính cần mở rộng hệ sinh thái, mở rộng không gian hoạt động để trở thành hạ tầng thiết yếu quốc gia, của nền kinh tế số, đặc biệt là của TMĐT.

Ngoài ra, ngành Bưu chính cần chủ động tham gia thúc đẩy Chính phủ số bằng cách trở thành đối tác Chính phủ để phục vụ người dân. Ngành Bưu chính cũng cần tham gia tích cực trong phát triển xã hội số, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu.

Trong bối cảnh đó, theo Thứ trưởng, các DN bưu chính và các cơ quan xây dựng chính sách cần hợp tác để cập nhật, nâng cấp môi trường pháp lý bưu chính để khuyến khích đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực bưu chính, từ đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng của các doanh nghiệp (DN) bưu chính, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Với mục tiêu đó, Thứ trưởng kỳ vọng Hội thảo sẽ có các bài trình bày xuất sắc và các trao đổi hiệu quả về việc cải tiến chính sách bưu chính tại các nước thành viên APPU cũng như từ các đại biểu tham dự Hội thảo.

Thông qua các bài học kinh nghiệm tốt nhất của các nước thành viên APPU, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương tin tưởng rằng lĩnh vực sẽ có các bài học tốt nhất để mỗi quốc gia điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình.

Chính sách và quy định về bưu chính là trọng tâm của sự phát triển và thành công của ngành bưu chính ở mọi quốc gia

Đồng thuận với ý kiến của lãnh đạo Bộ TT&TT, TS. Vinaya Prakash Singh, Tổng Thư ký APPU nhấn mạnh chính sách và quy định về bưu chính là trọng tâm của sự phát triển và thành công của ngành bưu chính ở mọi quốc gia. “Đây là các khuôn khổ cho phép đổi mới, thúc đẩy hiệu quả và đảm bảo rằng các nghĩa vụ dịch vụ phổ cập vẫn mạnh mẽ và phù hợp”.

ts-vinaya.jpg
TS. Vinaya Prakash Singh: Chính sách và quy định về bưu chính là trọng tâm của sự phát triển và thành công của ngành bưu chính ở mọi quốc gia.

TS. Vinaya Prakash Singh cho biết trong khu vực lĩnh vực bưu chính có sự đa dạng về quản lý lĩnh vực, có những quốc gia có cơ quan quản lý bưu chính riêng, trong khi một số quốc gia có các bộ quản lý ngành/lĩnh vực và một số quốc gia khác có bộ, cơ quan quản lý và nhà khai thác bưu chính trong cùng Bộ.

Sự đa dạng về quy định quản lý ngành/lĩnh vực cũng được phản ánh qua các giai đoạn khác nhau trong việc sửa đổi, điều chỉnh các quy định quản lý.

Trong bối cảnh này, TS. Vinaya Prakash Singh cho biết, các hoạt động như hội thảo lần này đóng vai trò quan trọng trong việc nắm bắt được tình hình và giúp các quốc gia tiến triển tích cực trong cải cách các quy định.

TS. Vinaya Prakash Singh cũng thông tin, UPU và Cục Bưu chính Nhà nước Trung Quốc đã đáp ứng nhu cầu về một nền tảng và kho lưu trữ thông tin. Sự hỗ trợ đã giúp Dự án chung APPU-UPU về Quy định Bưu chính này được Ban Tư vấn của Cục APPU được thúc đẩy thực hiện.

TS. Vinaya Prakash Singh cũng cho biết, hội thảo sẽ đi sâu vào các mục tiêu của dự án này, khám phá những thay đổi quan trọng về quy định và thảo luận về các con đường cải cách phù hợp với những thách thức và cơ hội riêng của khu vực.

TS. Vinaya Prakash Singh trân trọng cảm ơn Bộ TT&TT đã đăng cai tổ chức hội thảo quan trọng này.

toan-the-appu-1.jpg
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, TS. Vinaya Prakash Singh và các đại biểu tham dự Hội thảo.

Bàn thảo nhiều nhiều nội dung phát triển lĩnh vực bưu chính

Trong ngày 10/12, các đại biểu dự Hội thảo quản lý bưu chính APPU trao đổi các nội dung: Cải cách thể chế bưu chính tại một số quốc gia, khu vực; đại diện một số quốc gia trong khu vực trình bày về phát triển chính sách bưu chính như Trung Quốc trao đổi về quy định cấp phép trong bưu chính; Ấn Độ đề cập đến quy định tài chính bưu chính; Indonesia trình bày về tác động của bưu chính từ quy định của hải quan. Trong khi đó, đại diện Việt Nam có tham luận về giải pháp phát triển bền vững cho chuyển phát.

Trong ngày 11/12, hội thảo sẽ trao đổi về các yếu tố cốt lõi đối với quy định trong lĩnh vực bưu chính như cải cách thể chế bưu chính, dịch vụ bưu chính phổ cập (USO) đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, đồng thời, cân bằng khả năng tiếp cận và tín bền vững về tài chính; Cấp phép và tự do hoá thị trường: Thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực bưu chính; Kinh nghiệm và giải pháp để các DN bưu chính quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên TMĐT; CĐS và tuân thủ EDI trong dịch vụ bưu chính; Tăng cường chính sách bưu chính để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa và tăng trưởng TMĐT.

Hội thảo cũng thảo luận nhóm về những điểm chính liên quan tới thể chế bưu chính trong tương lai: Cải cách nghĩa vụ dịch vụ bưu chính phổ cập trong kỷ nguyên số; Quy định bưu chính xuyên biên giới cho TMĐT liền mạch; Phát triển khuôn khổ cho quy định về bảo vệ dữ liệu bưu chính và quyền riêng tư; Tính bền vững về môi trường trong dịch vụ bưu chính: Cách thức quản lý. Đặc biệt, hội thảo cũng tảo luận về kế hoạch phát triển ngành Bưu chính trong tương lai./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Bưu chính cần đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số để đảm bảo dòng chảy vật chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO