Các cấp, các ngành và địa phương quyết tâm cao hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Xuân Tuấn| 06/11/2019 09:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất từ nay đến cuối năm, kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội Quốc hội giao.

Chiều tối ngày 5/11/2019, ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019, đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.

Chính phủ cam kết nỗ lực làm hết sức mình để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát to lớn

Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 chiều cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Phiên họp Chính phủ diễn ra trong bối cảnh chúng ta đã sắp đi hết chặng đường của năm 2019, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Trung ương 11, kỳ họp Quốc hội, đồng thời thời gian vừa qua cũng xảy ra một số vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là vụ 39 người thiệt mạng tại Anh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo.

Mở đầu phiên họp Chính phủ hôm nay, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân gia đình các nạn nhân. Chính phủ cam kết sẽ nỗ lực làm hết sức mình để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát to lớn này. Đây vụ việc rất đau lòng, gây bàng hoàng cho người thân, gia đình các nạn nhân cũng như nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Ngay khi sự việc xảy ra, từ Nhật Bản, ngày 25/10, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân, điều tra, có biện pháp cần thiết phối hợp với phía Anh trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc. Vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trực tiếp họp với các cơ quan về các biện pháp xử lý tiếp theo. Ngày 3/11, Bộ Ngoại giao đã cử Thứ trưởng Tô Anh Dũng, Bộ Công an cũng cử đoàn cán bộ sang Anh, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trực tiếp trao đổi với phía Anh. Danh tính các nạn nhân sẽ được sớm công bố chính thức.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, nhất là Hà Tĩnh, Nghệ An và các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ để xử lý, trước hết động viên thân nhân địa phương bằng các biện pháp thích hợp nhằm bù đắp nỗi đau của gia đình các nạn nhân và hỗ trợ trong khả năng.

 “Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng làm hết sức mình để bảo hộ công dân, đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các công việc cần thiết, trong phạm vi có thể để phối hợp với phía Anh sớm xác minh danh tính những người thiệt mạng, đưa họ về với quê hương và sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những người phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, nhành tham dự buổi họp báo.

Một sự kiện quan trọng vừa qua là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị ASEAN lần thứ 35. Đây là một hội nghị rất quan trọng vì Việt Nam sẽ làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2020. Hội nghị đã kết thúc rất thành công, mang lại hiệu quả và uy tín cho ASEAN và Việt Nam. Đây là một thắng lợi ngoại giao, đặc biệt các nước quan tâm ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam về vấn đề Biển Đông. Tại các sự kiện trong Hội nghị, nhất là tại cuộc gặp với phía Trung Quốc, phía Việt Nam đã nêu rất rõ quan điểm của Việt Nam, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo theo luật pháp quốc tế, Việt Nam quyết tâm, kiên trì bảo vệ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

Cũng ngay tại mở đầu phiên họp, Thủ tướng biểu dương các bộ, ngành, địa phương và đồng bào trong vùng thiên tai đã tích cực phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra và yêu cầu các bộ ngành, địa phương có liên quan chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão và diễn biến phức tạp.

Kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục xu hướng tích cực

Về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), các tổ chức quốc tế đều cho rằng nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "4 thấp", đó là tăng trưởng thấp, thương mại, đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp, điều này sẽ có thể dẫn đến "trì trệ kéo dài" và sẽ chuyển sang "suy thoái". Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế tiếp tục nhận định lạc quan về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng tiếp tục xu hướng tích cực được thể hiện ở các điểm nổi bật sau:

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá, khẳng định cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang phát huy hiệu quả tích cực. Lâm nghiệp phát triển ổn định (sản lượng gỗ khai thác tăng 4,6%); chăn nuôi bò và gia cầm phát triển tốt (đàn bò tăng 2,4%, gia cầm tăng 11,5%).

Toàn cảnh buổi họp báo.

Khu vực công nghiệp tiếp tục có bước phát triển mạnh (IIP tăng 9,5%); ngành chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện tăng mạnh (lần lượt tăng là 10,8% và 9,9%); đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại sau nhiều năm tăng trưởng âm (tăng 1,2% cùng kỳ năm trước giảm 2,3%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ (sắt, thép tăng 42,8%; xăng, dầu tăng 33,2%; tivi tăng 16,4%; điện thoại thông minh tăng 16%).

Thị trường thương mại ổn định, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao đạt 11,8%. Thu hút khách quốc tế tiếp tục tăng khá, đạt gần 14,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ (tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người).

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tiếp tục được kiểm soát và giữ ở mức thấp. CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ; CPI tháng 10/2019 tăng 2,79% so với tháng 12/2018 và tăng 2,24% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tăng khá, đạt trên 217 tỷ USD, tăng 7,4%. Khu vực trong nước tăng 16,2%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,9%; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước chiếm 30,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu 7 tỷ USD.

Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng tiếp tục xu hướng tích cực.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ đà phát triển tốt; vốn FDI thực hiện đạt 16,2 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ các năm từ trước đến nay; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD, tăng 70,5%. Cả nước có 114,4 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới và có 34,9 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 24,8% so với cùng kỳ.

Đời sống dân cư được cải thiện, nhất là ở khu vực nông thôn nhờ kết quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Cả nước có 68.000 lượt hộ thiếu đói, giảm 33,8%. Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt chúng ta đã tổ chức rất tốt Ngày vì người nghèo (17/10), đẩy mạnh phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, thông qua Chương trình này đã ủng hộ cho Quỹ vì người nghèo 877 tỷ đồng.

Bên cạnh mặt tích cực thì tình hình KT-XH vẫn nổi lên một số vấn đề tồn tại, hạn chế:

Dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2019; đồng thời nhiều mặt hàng nông sản giá xuống thấp; xuất khẩu nông sản tăng về sản lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm.

Chỉ số IIP 10 tháng tăng 9,5%, thấp hơn mức tăng 10,3% cùng kỳ năm 2018, động lực tăng trưởng này có dấu hiệu giảm tốc.

Mặc dù xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng, những kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 21,8% của 10 tháng năm 2017 và 15,3% của 10 tháng năm 2018.

Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng tỷ lệ thực hiện và tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019 (vốn Trung ương giảm 19,3% so với cùng kỳ, Bộ Giao thông vận tải giảm 31,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 56,0%...). Một vấn đề khác chúng ta phải rất lưu ý trong thời gian tới và phải thúc đẩy là tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm giảm 15,2% so với cùng kỳ.

Môi trường đầu tư kinh doanh bị đánh giá là chậm được cải thiện, sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có 26.300 DN tạm ngừng kinh doanh; 34.500 DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 34,8% và 13.500 DN giải thể.

Phát sinh nhiều vấn đề xã hội, môi trường, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra

Về nhiệm vụ thời gian tới, Người phát ngôn Chính phủ cho biết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, nông nghiệp, công nghiệp - thương mại, giao thông vận tải, du lịch và dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất từ nay đến cuối năm, kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu KT-XH Quốc hội giao (dự kiến, có 5 chỉ tiêu vượt).

“Điều quan trọng là cần phải giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay, thậm chí hơn nữa. Điều này đòi hỏi phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới; tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô và phải được vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt”.

Đồng thời, cần sớm xây dựng các phương án ứng phó với những tình huống xấu của kinh tế thế giới có thể xảy ra, không để bị động bất ngờ; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường. Do đó, cần sớm nghiên cứu xây dựng phương án kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục cắt, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh một cách thực chất hơn nữa, lấy người dân, DN làm trung tâm.

Từ ngày 6 - 8/11/2019, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ tổ chức chất vấn tại Hội trường. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ theo dõi, nắm bắt những vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm để chuẩn bị nội dung trả lời; đặc biệt lưu ý đến việc thực hiện những cam kết, lời hứa đã nêu tại các kỳ họp trước. Chúng ta phải chủ động trao đổi, cung cấp thông tin với đại biểu Quốc hội, phóng viên báo chí để kịp thời định hướng dư luận, giải tỏa những vấn đề nóng, đang được dư luận và nhân dân quan tâm.

Các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố cần phải quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục cắt, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh một cách thực chất hơn nữa, lấy người dân, DN làm trung tâm.

Sang năm 2020, chúng ta cần phải làm việc mạnh mẽ việc này hơn nữa, trên tất cả các lĩnh vực; đây phải trở thành một cuộc cách mạng thực sự để Việt Nam chúng ta trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, một đất nước đổi mới sáng tạo và có tính cạnh tranh cao.

Bài liên quan
  • Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
    Trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), chiều 21/1/2025 giờ địa phương (tối 21, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ với chủ đề: “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu”.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các cấp, các ngành và địa phương quyết tâm cao hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO