Các công ty công nghệ thiệt hại lớn vì dịch viêm phổi Vũ Hán

TH| 04/02/2020 16:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới, bao gồm Apple, Amazon, Google đã bắt đầu đóng cửa các cửa hàng và văn phòng, hạn chế đi lại đến và từ Trung Quốc khi sự lây lan virus corona đang gia tăng nhanh chóng.

Trước quy mô dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) hôm 30/01/2020 tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra hiện giờ không còn là việc riêng của Trung Quốc mà là vấn đề toàn thế giới phải ứng phó.

Virus corona đang lây lan nhanh chóng trên thế giới, nhiều công ty phải đóng cửa với hy vọng hạn chế lây lan virus. Tính đến sáng ngày 4/2, đã có 426 người tử vong, hơn 17.000 trường hợp nhiễm bệnh bởi virus corona và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (ngoài Trung Quốc đại lục) bị ảnh hưởng.

Một số nhà bán lẻ như Starbucks, Pizza Hut cũng thông báo tạm dừng hoạt động sau nghỉ Tết. Một số hãng hàng không hoàn tiền cho khách hàng hủy chuyến.

Nhiều công ty công nghệ đang theo dõi tình hình chặt chẽ và đã hạn chế việc đi lại không cần thiết. Lenovo, hãng sản xuất máy tính xách tay Trung Quốc, cho biết họ đã tránh các cuộc gặp mặt trực tiếp và cho phép nhiều người làm việc tại nhà. HP đã thực hiện một số hạn chế đi lại đối với nhân viên đến và đi từ Trung Quốc.

Mozilla, hãng sản xuất trình duyệt Firefox, đang cung cấp mặt nạ và chất khử trùng tay. Facebook và Twitter đang tạm dừng hoạt động du lịch không cần thiết đến Trung Quốc, trong khi Nintendo cho biết việc sản xuất chiếc điện thoại Switch nổi tiếng của họ ở Trung Quốc có thể bị chậm lại do tác động lớn từ virus corona. 5 nhà máy sản xuất màn hình LCD và OLED dự kiến cũng bị ngưng trệ quá trình sản xuất.

Ngoài ra, dịch bệnh này cũng đang tác động đến một số tên tuổi lớn trong làng công nghệ.

Gã khổng lồ Apple có nhiều lo lắng

Nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch này, nhưng có lẽ Apple là chịu thiệt hại nặng nề nhất. Hãng này phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và người tiêu dùng Trung Quốc được coi là một nguồn thu đáng kể.

Dù nhiều chuyên gia cho rằng còn quá sớm để nói về ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán tới Apple, bất kỳ gián đoạn kéo dài hoặc nghiêm trọng nào đều tác động tiêu cực tới sản xuất và bán hàng của hãng.

Apple vẫn đang tìm cách phục hồi tại đây. Năm 2019, nhu cầu thiết bị Apple sụt giảm, căng thẳng thương mại dẫn tới bất ổn trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm, doanh số đã tăng trở lại phần lớn nhờ iPhone 11. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang”, dịch viêm phổi lan rộng nhiều khả năng cản trở hi vọng của Apple.

Song, virus corona là rủi ro lớn mà nhà đầu tư cần phải theo dõi. Mới đây, Apple dự báo doanh thu quý đầu năm 2020 đạt 63 tới 67 tỷ USD, biên rộng hơn thường lệ do bất ổn của virus corona.

CEO Apple Tim Cook cho biết đã đóng cửa ít nhất 3 cửa hàng Apple tại Trung Quốc và rút ngắn thời gian làm việc tại các cửa hàng còn mở. Công ty thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ và tiến hành kiểm tra thân nhiệt nhân viên thường xuyên.

Không như các nhà bán lẻ khác, Apple có nhiều điều để lo lắng hơn ngoài việc bán hàng cho khách. Việc sản xuất - đặc biệt là iPhone - đều tập trung ở Trung Quốc. Hãng cũng có một số đối tác cung ứng tại Vũ Hán - trung tâm sản xuất lớn - và ông CEO Tim Cook cho biết các giám đốc Trung Quốc đã lùi lịch mở cửa nhà máy trong khu vực từ cuối tháng 1 sang ngày 10/2.

Tập đoàn bán lẻ Amazon hạn chế nhân viên đi công tác, tập trung an toàn

“Chúng tôi đặt giá trị to lớn và tập trung vào phúc lợi và an toàn của nhân viên. Hết sức thận trọng, chúng tôi đang hạn chế đi công tác đến và từ Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới, đồng thời khuyến khích nhân viên của mình tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe và an toàn do các cơ quan y tế quốc tế như Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cung cấp", một phát ngôn viên của Amazon cho Business Insider biết.

Tuy nhiên, Amazon cũng cho biết họ chấp thuận một số trường hợp đặc biệt ngoại lệ về việc đi công tác thiết yếu và thông báo tới các nhân viên đi du lịch đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch ở Trung Quốc làm việc tại nhà trong 2 tuần trước khi quay lại văn phòng, đồng thời tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu họ gặp phải các triệu chứng của bệnh.

Google đóng cửa hàng

Người phát ngôn của Google cho biết hãng đã tạm thời ngừng các chuyến công tác đến Trung Quốc. Đồng thời, hãng cũng sẽ đóng cửa các văn phòng chi nhánh của mình tại Trung Quốc theo hướng dẫn của chính phủ và thông báo với các nhân viên ở Trung Quốc hoặc những nhân viên có người thân trong gia đình mới trở về từ Trung Quốc làm việc tại nhà trong vòng hai tuần.

Microsoft hạn chế nhân viên đi công tác, quyên góp ủng hộGã khổng lồ Microsoft đã khuyến cáo các nhân viên tại  trụ sở ở Trung Quốc làm việc tại nhà và hủy bỏ tất cả các chuyến công tác không cần thiết cho đến ngày 9/2. Microsoft cũng đề nghị tất cả các nhân viên tránh đi du lịch đến Trung Quốc dựa trên khuyến nghị của CDC.

Microsoft cho biết họ sẽ quyên góp 1 triệu nhân dân tệ (144.000 USD) cho Quỹ Chữ thập đỏ Hồ Bắc để trợ giúp các nỗ lực cứu trợ ở Vũ Hán và các khu vực lân cận. Công ty ước tính rủi ro cho nhân viên là thấp và không có nhân viên nào bị ảnh hưởng tại thời điểm này.

Microsoft có một nhóm ứng cứu y tế toàn cầu được huy động để bảo vệ nhân viên dựa trên đánh giá các khuyến nghị của các cơ quan y tế toàn cầu như WHO và CDC.

Hệ thống đặt phòng trực tuyến Airbnb cho phép khách hàng lựa chọn huỷ đặt phòng

Mới đây, Airbnb đã thông báo các khách hàng đặt phòng bị ảnh hưởng bởi dịch virus corona có thể hủy đặt phòng miễn phí.

"Theo hướng dẫn và khuyến nghị của WHO, chính phủ Trung Quốc và các cơ quan y tế và địa phương khác, chúng tôi đã khởi động chính sách ưu đãi của mình để cung cấp cho các khách hàng bị ảnh hưởng lựa chọn hủy đặt phòng mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào", đại diện công ty cho biết.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các công ty công nghệ thiệt hại lớn vì dịch viêm phổi Vũ Hán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO