Các công ty công nghệ tích cực ngăn chặn và gỡ những thông tin độc hại

Ánh Dương| 11/11/2020 21:34
Theo dõi ICTVietnam trên

“Đại dịch” thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 đã gây khó khăn cho việc phân biệt thông tin chính xác với thông tin sai lệch và những thông tin dễ gây hiểu lầm. Các công ty công nghệ lớn đã tích cực đối phó với thách thức này bằng những động thái chưa từng có là hợp tác cùng nhau để chống lại thông tin sai về COVID-19.

Một phần của sáng kiến này bao gồm việc tuyên truyền những nội dung từ các cơ quan chăm sóc sức khỏe của chính phủ và các nguồn thông tin chính thống khác, đồng thời đưa ra các biện pháp xác định và xóa những nội dung có thể gây hại.

Facebook đã thuê thêm các dịch vụ xác minh thông tin để loại bỏ những thông tin sai lệch có thể dẫn đến gây tổn hại về thể chất. YouTube cũng đã ban hành một Chính sách đối với thông tin y tế sai lệch về COVID-19. Theo đó, YouTube sẽ ngăn chặn những video về COVID-19 có nguy cơ gây hại nghiêm trọng.

Các công ty công nghệ tích cực ngăn chặn và gỡ những thông tin độc hại - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Cần nhất quán và minh bạch hơn trong việc xác định nội dung độc hại

Mỗi công ty có những cách xác định nội dung thông tin có hại khác nhau. Điều này có thể làm xói mòn lòng tin của công chúng vào khả năng kiểm duyệt thông tin sức khỏe của các công ty công nghệ. Do đó, để giải quyết vấn đề này, các công ty công nghệ cần nhất quán hơn trong cách xác định những nội dung có thể gây hại và minh bạch hơn trong cách họ phản ứng với những thông tin này.

Một vấn đề then chốt trong việc đánh giá thông tin sai lệch về sức khỏe trong đại dịch là đặc tính mới của virus. Vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết về COVID-19 và phần lớn những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết đều có khả năng thay đổi dựa trên những phát hiện và những nghiên cứu mới. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định nội dung được coi là có hại hay không.

Các thử nghiệm chất lượng cao thì cần nhiều thời gian. Vì vậy, các bản dự thảo nghiên cứu sẽ cho phép các nhà khoa học nhanh chóng công bố và chia sẻ nghiên cứu trước khi nó được xem xét một cách chính xác nhất. Điều này đã dẫn đến việc có một số bài báo trên các tạp chí đã được duyệt nhưng sau đó bị rút lại do nguồn dữ liệu không đáng tin cậy.

Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã thay đổi quan điểm của mình về việc lây nhiễm và phòng chống căn bệnh này. Chẳng hạn như việc WHO đã không khuyến nghị những người khỏe mạnh đeo khẩu trang ở nơi công cộng cho đến ngày 5/6.

Trong khi đó, các công ty truyền thông xã hội đã cam kết sẽ loại bỏ những tuyên bố trái với hướng dẫn của WHO đưa ra. Vì vậy, trong quá trình đó, họ có thể đã xóa đi những nội dung mà sau này lại là chính xác. Điều này làm nổi bật những hạn chế của việc đưa thông tin hay loại bỏ những nội dung có hại dựa trên các nguồn của chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền.

Các công ty công nghệ tích cực ngăn chặn và gỡ những thông tin độc hại - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, mỗi quốc gia lại có những tiêu chuẩn để đánh giá thông tin có hại khác nhau. Tuy nhiên, điều này cũng không thể lý giải được sự mâu thuẫn trong thông điệp về sức khỏe cộng đồng ở mỗi nước. Ví như, phản ứng ban đầu của Thụy Điển và New Zealand đối với COVID-19 là dựa trên "miễn dịch cộng đồng" đã bị phản đối gay gắt và sau đó họ cũng đã thay đổi quan điểm trong phòng, chống virus.

Ngay cả trong nội tại các quốc gia, những chính sách y tế công cộng ở cấp tiểu bang và quốc gia cũng khác nhau và thậm chí có sự bất đồng giữa các chuyên gia khoa học.

Những gì được coi là có hại đều có thể trở thành mục tiêu chính trị hóa, như các cuộc tranh luận về việc sử dụng thuốc sốt rét hydroxychloroquine và ibuprofen như phương pháp điều trị tiềm năng cho COVID-19 là một ví dụ.

Việc kiểm duyệt nội dung trực tuyến chắc chắn liên quan nhiều đến việc cân nhắc giữa các lợi ích và giá trị cạnh tranh. Để đáp ứng tốc độ và quy mô của nội dung do người dùng tạo ra, việc kiểm duyệt mạng xã hội chủ yếu dựa vào các thuật toán máy tính và người dùng có thể gắn cờ hoặc báo cáo những nội dung có thể gây hại.

Mặc dù được thiết kế để giảm tác hại, nhưng những hệ thống này có thể bị người dùng đánh lừa để tạo dư luận và sự ngờ vực. Điều này đặc biệt hay xảy ra với các chiến dịch thông tin sai lệch, thông tin gây hiểu lầm được lan truyền có chủ ý nhằm đánh lừa, tìm cách kích động sự sợ hãi, không chắc chắn và nghi ngờ.

Đặc biệt, việc sử dụng sự hài hước và đưa nội dung ra khỏi ngữ cảnh (vũ khí hóa ngữ cảnh) là những chiến lược thường được sử dụng để vượt qua kiểm duyệt nội dung. Các meme (loại ảnh chế hài hước dựa trên các nhân vật có thật hay trên phim, phục vụ cho mục đích của người sáng tạo), hình ảnh và câu hỏi trên Internet cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự ngờ vực đối với khoa học, chính trị trong thời kỳ đại dịch và giúp thúc đẩy các thuyết âm mưu.

Sự mơ hồ và không nhất quán trong việc kiểm duyệt nội dung của các công ty công nghệ như việc một số nội dung và tài khoản người dùng bị hạ cấp hoặc xóa trong khi các nội dung được cho là có hại khác vẫn được duy trì. "Báo cáo minh bạch" do Twitter và Facebook công bố chỉ chứa những số liệu thống kê chung về các yêu cầu xóa nội dung của quốc gia và rất ít chi tiết về nội dung bị xóa và lý do xóa.

Sự thiếu minh bạch này có nghĩa là các công ty không thể giải trình thỏa đáng các vấn đề trong việc xử lý những thông tin sai lệch. Do đó, các công ty công nghệ cần được yêu cầu công bố chi tiết các thuật toán kiểm duyệt của họ và hồ sơ những thông tin sai lệch về sức khỏe đã bị xóa. Điều này sẽ làm tăng trách nhiệm giải trình của các công ty và tạo ra cuộc tranh luận công khai về nội dung hoặc những tài khoản đã bị xóa một cách không công bằng.

Ngoài ra, các công ty này cũng cần nêu bật các tuyên bố hoặc những thông tin có thể không gây hại rõ ràng nhưng có khả năng gây hiểu lầm hoặc mâu thuẫn với những tuyên bố và những thông tin chính thức của các cấp có thẩm quyền.

Thông qua sự nhất quán và minh bạch hơn trong việc kiểm duyệt, các công ty công nghệ sẽ cung cấp được những nội dung đáng tin cậy hơn và gia tăng được sự tin tưởng của công chúng.

Facebook đã triển khai gỡ bỏ 100% tin giả liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam

Trong thời gian có dịch COVID-19, Facebook đã thực hiện đúng cam kết, triển khai gỡ bỏ 100% tin giả, tài khoản giả mạo Bộ Y tế để đưa tin giả về liên quan đến COVID-19; nâng tỷ lệ thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó với Google, tỷ lệ chặn gỡ nội dung vi phạm đạt 90%. Từ năm 2017 đến tháng 9/2020, YouTube/Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 24.617 video vi phạm (riêng 9 tháng đầu năm 2020 gỡ 10.877 video). Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ TT&TT, từ tháng 7/2019 đến hết tháng 9/2020, Google hiện đã ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 24/62 kênh YouTube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam (tổng số 24 kênh này chứa 11.212 video clip vi phạm).

Có được kết quả trên, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, thanh toán, thuế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google,…) tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, thông tin lừa đảo, đánh bạc, thông tin độc hại đối với trẻ em.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Các công ty công nghệ tích cực ngăn chặn và gỡ những thông tin độc hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO