Các cường quốc bán dẫn châu Á có thể phát triển mạnh trong kỷ nguyên AI
Ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành chiến lược nhất của nền kinh tế thế giới. Cùng với những lợi thế sẵn có, để tiếp tục khai thác tiềm năng sản xuất chất bán dẫn, các chính phủ châu Á cần tiếp tục đưa ra các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển cũng như phát triển nguồn nhân lực.
Châu Á và cuộc đua bán dẫn
Chất bán dẫn đóng một vai trò quan trọng đối với những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI) và tăng trưởng công nghệ toàn cầu. Năng lực sản xuất chất bán dẫn có thể thúc đẩy đổi mới công nghệ, cho phép toàn bộ ngành công nghiệp vi điện tử sản xuất các sản phẩm nhanh hơn và mạnh hơn.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), doanh thu của ngành bán dẫn toàn cầu đã đạt 526,8 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại Mỹ cho thấy các nước châu Á chiếm 80% sản lượng bán dẫn toàn cầu. Điều này khiến thế giới phụ thuộc vào xuất khẩu chất bán dẫn của khu vực và triển vọng kinh tế của khu vực phụ thuộc một phần vào nhu cầu bán dẫn toàn cầu.
Cuộc đua bán dẫn trên toàn cầu đang là một trong những cuộc đua căng thẳng và gay cấn nhất ở thời điểm hiện tại. Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu và Trung Quốc đều đang nhanh chóng phát triển các nhà máy bán dẫn của mình nhằm tự chủ nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan cũng thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc với lý do an ninh.
Không riêng các quốc gia có nền kinh tế phát triển, nhiều quốc gia khác cũng đang nỗ lực điều chỉnh và tăng sức cạnh tranh để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 4/2024, xuất khẩu từ các nền kinh tế sản xuất chất bán dẫn chính của châu Á đã tăng lên trong năm 2023. Điều này được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của AI tạo sinh, làm gia tăng nhu cầu về bộ vi xử lý và chip nhớ. Bộ vi xử lý thực hiện các thuật toán và tính toán phức tạp cần thiết cho việc đào tạo AI. Chip bộ nhớ được sử dụng để lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ mà các thuật toán AI cần để truy cập và lưu giữ các hướng dẫn cũng như dữ liệu cần xử lý.
Sự ra mắt của ChatGPT vào tháng 11/2022 đã mở ra một cuộc chạy đua toàn cầu nhằm phát triển các mô hình AI mới và làm tăng đáng kể nhu cầu đối với các vi mạch. Điều này đã thúc đẩy lợi nhuận và giá cổ phiếu của các công ty Mỹ như NVIDIA và Advanced Micro Devices (AMD), đồng thời tăng lượng vận chuyển từ châu Á, nơi diễn ra phần lớn hoạt động sản xuất bán dẫn.
Các nhà sản xuất chip DRAM của Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ AI khi các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) như ChatGPT yêu cầu chip bộ nhớ hiệu suất cao để tạo ra phản hồi giống con người.
Trong khi Nhật Bản cũng đầu tư mạnh mẽ để vực dậy ngành công nghiệp chip bán dẫn, còn Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất tế bào quang điện, một loại chất bán dẫn khác.
Cuộc đua về chất bán dẫn cũng đang nóng lên tại một số quốc gia Đông Nam Á khác như Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Singapore. Các nền kinh tế này nhập khẩu chất bán dẫn từ các nền kinh tế Đông Á và tái xuất khẩu linh kiện bán dẫn sau khi lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói.
Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Điều này là do chất bán dẫn có nhiều ứng dụng - không chỉ trong AI mà còn trong các công nghệ mới nổi khác như truyền thông 5G, xe điện và xe tự lái và nhiều ứng dụng khác.
Theo ngân hàng đầu tư JPMorgan, lĩnh vực công nghệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển nhờ vào sự bùng nổ của lĩnh vực chất bán dẫn, giữa bối cảnh các ngành khác đang gặp khó khăn vì bất ổn vĩ mô toàn cầu.
Cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn châu Á
Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế Đông Nam Á có thể được hưởng lợi, ngay cả khi họ thiếu sức mạnh tài chính như các nước tiên tiến hơn để khuyến khích đầu tư vào các nhà máy sản xuất mới thông qua trợ cấp và ưu đãi thuế. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào hơn và chi phí thấp hơn có thể thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn ở Đông Á khi họ đa dạng hóa cơ sở sản xuất.
Minh chứng là Malaysia đang trở thành điểm nóng đầu tư của ngành công nghiệp bán dẫn. Đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn ở Malaysia đang bùng nổ. Bang Penang của Malaysia đã thu hút 12,8 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2023, nhiều hơn tổng số tiền mà bang nhận được từ năm 2013 đến năm 2020 cộng lại.
Ông Yinglan Tan, đối tác sáng lập của quỹ đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners (Singapore), cho biết: “Lợi thế của Malaysia luôn là nguồn lao động lành nghề trong đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn cũng như chi phí vận hành tương đối thấp, giúp việc xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn trên toàn cầu".
Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia nêu trong một báo cáo ngày 18/2 rằng Malaysia nắm giữ 13% thị phần toàn cầu về mảng dịch vụ đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn. Xuất khẩu thiết bị bán dẫn và mạch tích hợp của Malaysia vẫn tăng 0,03% lên 387,45 tỷ ringgit Malaysia (tương đương 81,4 tỷ USD) vào năm 2023, bất luận nhu cầu chip toàn cầu suy yếu.
Không chỉ có các quốc gia Đông Nam Á được hưởng lợi. Ấn Độ, quốc gia đóng góp khoảng 20% lực lượng lao động thiết kế chất bán dẫn toàn cầu nhưng hiện không sản xuất chip tại quê nhà, cũng đã đưa ra nhiều chính sách để thu hút đầu tư từ các công ty sản xuất bán dẫn lớn.
Năm 2023, Micron Technology đã khởi công xây dựng cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chip trị giá khoảng 2,75 tỉ USD tại bang Gujarat.
Đầu năm nay, Ấn Độ cũng đã công bố khởi công 3 nhà máy sản xuất chip bán dẫn mới tại nước này với tổng giá trị hơn 15 tỷ USD. Theo đó, tập đoàn Tata của Ấn Độ (TEPL) sẽ hợp tác với tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Powerchip của Đài Loan (PSMC) để thành lập nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Dholera, bang Gujarat, với khoản đầu tư gần 11 tỷ USD.
Trong khi đó, công ty CG Power của Ấn Độ hợp tác với Tập đoàn điện tử Renesas của Nhật Bản và Stars Microelectronics của Thái Lan, sẽ thành lập một nhà máy bán dẫn khác ở Sanand, bang Gujarat, với khoản đầu tư gần 1 tỷ USD tập trung sản xuất chip cho các sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp, ôtô và năng lượng, với công suất 15 triệu chip mỗi ngày.
Nhà máy còn lại sẽ do công ty TSAT, thuộc tập đoàn Tata, thành lập ở Morigaon, bang Assam, với khoản đầu tư 3,26 tỷ USD và tập trung vào các sản phẩm cho ôtô, xe điện, điện tử tiêu dùng, viễn thông, điện thoại di động...
Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), cùng với những lợi thế sẵn có, để tiếp tục khai thác tiềm năng sản xuất chất bán dẫn, các chính phủ trong khu vực cần tiếp tục đưa ra các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển cũng như phát triển nguồn nhân lực vì sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi lao động có tay nghề cao./.