Các giải pháp bảo mật điện toán đám mây hiệu quả cho doanh nghiệp

Tâm An| 16/03/2022 06:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) đã trở thành một công cụ quan trọng đối với các tổ chức, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn đang thực hiện mô hình làm việc từ xa. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, việc sử dụng đám mây cũng mang lại những rủi ro tiềm ẩn lớn về an toàn thông tin (ATTT).

Các mối đe dọa bảo mật ĐTĐM

Làm việc từ xa mang lại một số mặt tích cực cho người lao động, nhưng nó cũng tạo những cơ hội cho tội phạm mạng lợi dụng sự thay đổi để cố gắng xâm nhập vào mạng của các tổ chức, DN có cấu hình bảo mật đám mây kém hiệu quả.

Các mạng riêng ảo (VPN) công ty và bộ ứng dụng dựa trên đám mây đã trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của tin tặc. Nếu không được bảo mật đúng cách có thể cung cấp cho tội phạm mạng một phương tiện đơn giản để truy cập và tấn công vào các mạng của DN.

Tất cả những gì kẻ tấn công cần làm là có được tên người dùng và mật khẩu - bằng cách đánh cắp chúng qua email lừa đảo hoặc thực hiện một số thủ thuật để đánh cắp những mật khẩu đơn giản. Khi tin tặc sử dụng thông tin đăng nhập hợp pháp đánh cắp được của nhân viên đang làm việc từ xa, việc phát hiện truy cập trái phép vào hệ thống sẽ rất khó khăn.

Những cuộc tấn công vào các ứng dụng đám mây có thể gây tổn hại cực kỳ lớn cho tổ chức, DN vì tội phạm mạng có thể ở trong hệ thống mạng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Chúng có thể vừa đánh cắp một lượng lớn thông tin nhạy cảm, vừa có thể sử dụng các dịch vụ đám mây như một điểm vào ban đầu để đặt nền móng cho một cuộc tấn công ransomware.

Đó là lý do tại sao đối với các DN sử dụng ứng dụng đám mây điều quan trọng là phải có các công cụ và phương pháp phù hợp để đảm bảo rằng người dùng có thể sử dụng các dịch vụ đám mây một cách hiệu quả những vẫn đảm bảo an toàn - bất kể họ đang làm việc từ đâu.

Các giải pháp bảo mật điện toán đám mây hiệu quả cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các giải pháp bảo mật ĐTĐM hiệu quả

Để đảm bảo có được một chiến lược bảo mật đám mây an toàn, hiệu quả, DN có thể sử dụng các công cụ như xác thực đa yếu tố, mã hóa và sao lưu ngoại tuyến để bảo vệ dữ liệu nhiều nhất có thể, bên cạnh đó cũng cần phải đảm bảo rằng tất cả các ứng dụng đám mây đơn giản, dễ sử dụng để khuyến khích nhân viên sử dụng chúng một cách chính xác và tuân thủ theo các phương pháp về bảo mật đám mây.

Sử dụng các kiểm soát xác thực đa yếu tố trên tài khoản người dùng

Giải pháp phòng ngừa hiệu quả nhất đối với các tổ chức, DN đó là đặt ra các biện pháp kiểm soát bảo mật mạnh mẽ xung quanh cách người dùng đăng nhập vào các dịch vụ đám mây ngay từ đầu. Cho dù đó là mạng riêng ảo (VPN), dịch vụ giao thức máy tính từ xa (RDP) hay một bộ ứng dụng văn phòng, nhân viên phải được trang bị nhiều hơn tên người dùng và mật khẩu của họ khi sử dụng các dịch vụ.

Cho dù đó là dựa trên phần mềm, yêu cầu người dùng nhấn vào một cảnh báo trên điện thoại thông minh của họ hay dựa trên phần cứng, yêu cầu người dùng sử dụng khóa USB an toàn trên máy tính, xác thực đa yếu tố (MFA) cung cấp một tuyến phòng thủ hiệu quả giúp chống lại những nỗ lực truy cập trái phép vào tài khoản. Theo Microsoft, MFA có thể bảo vệ khỏi 99,9% các nỗ lực đăng nhập trái phép.

MFA có thể chặn người dùng xâm nhập trái phép vào tài khoản, gửi thông báo bởi dịch hỏi người dùng nếu họ đã cố gắng đăng nhập, có thể hoạt động như một cảnh báo rằng ai đó đang cố gắng truy cập vào tài khoản. Điều này cũng có thể được sử dụng để cảnh báo công ty rằng họ có thể là mục tiêu của các tin tặc độc hại.

MFA có thể chặn người dùng xâm nhập trái phép vào tài khoản, gửi thông báo hỏi người dùng nếu hệ thống phát hiện những nỗ lực cố gắng đăng nhập. Tính năng này có thể hoạt động như một cảnh báo ai đó đang cố gắng truy cập vào tài khoản. Điều này cũng có thể được sử dụng để cảnh báo công ty rằng họ có thể đang là mục tiêu của các tin tặc.

Sử dụng mã hóa

Khả năng dễ dàng lưu trữ hoặc truyền dữ liệu là một trong những ưu điểm chính của việc sử dụng các ứng dụng đám mây, nhưng đối với các tổ chức muốn đảm bảo tính bảo mật cho dữ liệu của họ, các quy trình không nên chỉ đơn giản là tải dữ liệu lên đám mây và để đó. Một giải pháp bổ sung mà các DN có thể thực hiện để bảo vệ mọi dữ liệu được tải lên dịch vụ đám mây đó là mã hóa.

Cũng giống như khi dữ liệu được lưu trữ trên PC và máy chủ thông thường, việc mã hóa có thể đảm bảo dữ liệu không thể đọc được bởi người dùng trái phép.

Hiện nay, một số nhà cung cấp dịch vụ đám mây cũng đã cung cấp dịch vụ này, sử dụng tính năng bảo vệ đầu cuối đối với dữ liệu đến và đi từ đám mây, cũng như bảo mật từ bên trong, ngăn nó bị thao túng hoặc bị đánh cắp.

Sử dụng các bản vá bảo mật càng nhanh càng tốt

Giống như các ứng dụng khác, các ứng dụng đám mây có thể nhận được các bản cập nhật phần mềm khi các nhà cung cấp phát triển và áp dụng các bản sửa lỗi để sản phẩm của họ hoạt động tốt hơn. Các bản cập nhật này cũng có thể chứa các bản vá cho các lỗ hổng bảo mật.

Các bản vá bảo mật quan trọng cho các ứng dụng VPN và RDP đã được các nhà cung cấp phát hành nhằm khắc phục các lỗ hổng bảo mật khiến các DN, tổ chức có nguy cơ bị tấn công mạng. Nếu những giải pháp này không được áp dụng kịp thời, tội phạm mạng có khả năng lạm dụng các dịch vụ này như một điểm vào hệ thống có thể khai thác cho các cuộc tấn công mạng tiếp theo.

Các cơ quan an ninh mạng như Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng (CISA) của Mỹ và Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NCSC) của Anh cũng thường đưa ra cảnh báo về những kẻ tấn công mạng khai thác các lỗ hổng cụ thể. Nếu lỗ hổng bảo mật chưa được vá, thì các tổ chức nên phản ứng với các cảnh báo ngay lập tức và áp dụng các bản cập nhật kịp thời.

Sử dụng công cụ quản lý tư thế bảo mật đám mây

Các DN đang sử dụng ngày càng nhiều dịch vụ đám mây và việc theo dõi mọi ứng dụng đám mây hoặc máy chủ đám mây là công việc khá khó khăn. Một dịch vụ đám mây có thể được mở và hiển thị mà không một tổ chức nào biết về nó. Các tài nguyên được lưu trữ trên đám mây công cộng bị lộ có thể là cơ hội cho những kẻ tấn công phát hiện và điều đó có thể khiến toàn bộ tổ chức gặp rủi ro.

Trong những trường hợp này, sử dụng các công cụ quản lý tư thế bảo mật đám mây (Cloud Security Posture Management - CSPM) là một giải pháp hiệu quả. Giải pháp này có thể giúp các tổ chức xác định và khắc phục các vấn đề bảo mật tiềm ẩn xung quanh việc định cấu hình sai và tuân thủ trong đám mây, cung cấp phương tiện giảm thiểu bề mặt tấn công có sẵn và giúp đảm bảo an toàn cho cơ sở hạ tầng đám mây trước các cuộc tấn công tiềm ẩn và vi phạm dữ liệu.

Cơ sở hạ tầng đám mây có thể rất rộng và việc phải rà soát thủ công các dịch vụ để tìm ra lỗi và các hoạt động bất thường sẽ là quá tải đối với nhân viên bảo mật - đặc biệt nếu có hàng chục dịch vụ đám mây khác nhau trên mạng. CSPM là một quy trình tự động và việc sử dụng các công cụ quản lý tự động có thể giúp các nhóm bảo mật cập nhật các cảnh báo kịp thời.

"Nếu không có đủ người để quản lý 100 công cụ khác nhau trong môi trường thay đổi hàng ngày, hãy cố gắng hợp nhất trên các nền tảng giải quyết một vấn đề lớn và áp dụng tự động hóa", TJ Gonen, người đứng đầu bộ phận sản phẩm điện toán đám mây thuộc Check Point Software chia sẻ.

Đảm bảo tách biệt tài khoản quản trị viên và tài khoản người dùng

Các dịch vụ đám mây có thể phức tạp và một số thành viên của nhóm CNTT sẽ có đặc quyền truy cập cao vào dịch vụ để giúp quản lý đám mây. Tuy nhiên, việc xâm phạm tài khoản quản trị viên cấp cao có thể cho phép kẻ tấn công kiểm soát toàn diện mạng và khả năng thực hiện bất kỳ hành động nào mà đặc quyền quản trị viên cho phép, điều này có thể gây tổn hại cực kỳ lớn cho công ty sử dụng dịch vụ đám mây. Do đó, các DN cần đảm bảo tách biệt tài khoản quản trị viên và tài khoản người dùng thông thường.

Các tài khoản quản trị viên bắt buộc phải được bảo mật bằng các công cụ như MFA và đặc quyền cấp quản trị viên chỉ được cung cấp cho đúng nhân viên được phân nhiệm vụ. Những người dùng thông thường không cần đặc quyền quản trị sẽ không được cấp quyền.

Đặc biệt, theo NCSC, các thiết bị cấp quản trị viên sẽ không thể trực tiếp duyệt web hoặc đọc email, vì những thiết bị này có thể khiến tài khoản có nguy cơ bị xâm phạm lớn.

Sử dụng các bản sao lưu làm kế hoạch dự phòng

Trong khi các dịch vụ đám mây đã và đang cung cấp những lợi ích nhất định cho các tổ chức, DN, thì vấn đề bảo mật cũng không hẳn là phải dựa hoàn toàn vào đám mây. Mặc dù các công cụ như MFA và cảnh báo tự động có thể giúp bảo mật mạng, nhưng không mạng nào là không thể vi phạm - và điều đó đặc biệt đúng nếu các biện pháp bảo mật bổ sung không được áp dụng.

Đó là lý do tại sao một chiến lược bảo mật đám mây tốt cũng cần phải có bản sao lưu dữ liệu và được lưu trữ ngoại tuyến, để trong trường hợp xảy ra các sự cố khiến dịch vụ đám mây không khả dụng, DN vẫn có thể đảm bảo hoạt động được.

Sử dụng các ứng dụng đám mây đơn giản

Bên cạnh những giải pháp bảo mật giúp gia tăng sự an toàn cho các dịch vụ đám mây, sử dụng các ứng dụng đám mây đơn giản, cung cấp cho nhân viên những công cụ làm việc chính xác ngay từ đầu cũng là một vấn đề quan trọng. Các bộ ứng dụng đám mây có thể giúp nhân viên làm việc từ xa hiệu quả hơn, nhưng chúng cũng cần phải dễ dàng tiếp cận để sử dụng.

Một DN thiết lập bộ dịch vụ đám mây an toàn nhất có thể, nhưng nếu nó quá khó sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng nhân viên chán nản, thay vào đó họ có thể chuyển sang sử dụng các công cụ đám mây công cộng. 

Vấn đề này có thể dẫn đến việc dữ liệu của công ty được lưu trữ trong tài khoản cá nhân, tạo ra nguy cơ bị đánh cắp cao hơn, đặc biệt nếu người dùng không có xác thực hai yếu tố hoặc các biện pháp kiểm soát khác để bảo vệ an toàn tài khoản cá nhân của họ. 

Do đó, một bộ dịch vụ đám mây an toàn cũng cần đảm bảo đơn giản và dễ sử dụng cũng sẽ là một yêu cầu quan trọng đối với các tổ chức, DN./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các giải pháp bảo mật điện toán đám mây hiệu quả cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO