Các HTX vùng dân tộc thiểu số đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ nông sản

T.H| 07/09/2021 16:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc chọn quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, kết nối đầu ra… thông qua website, mạng xã hội mang đến cho nông dân các vùng dân tộc thiểu số (DTTS) nhiều cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tham gia sâu vào các hoạt động kinh doanh.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua nền tảng công nghệ số

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) các vùng DTTS đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản qua Facebook, Zalo và đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử... Đây là tín hiệu vui thể hiện sự bắt nhịp thị trường của đồng bào các dân tộc trong thời đại công nghệ số.

Ở huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), toàn huyện chủ yếu là người dân tộc Nùng (chiếm 57,94% dân số), ngoài ra còn có các dân tộc Tày, Dao, Hoa…các dân tộc ổn định, cộng đồng dân cư sinh sống đoàn kết, cùng nhau sản xuất xây dựng thương hiệu các sản phẩm từ nông nghiệp mà ở đây chính là HTX rau, củ, quả sạch. Đến nay, nhãn hiệu Rau sạch Cao Lộc đã có tiếng vang trên thị trường trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho người dân vùng DTTS trên địa bàn tập trung sản xuất rau củ quả sạch, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Các HTX vùng DTTS ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ nông sản trong mùa dịch - Ảnh 1.

Nông dân ở Cao Lộc đang thu hoạch cà chua

Cao Lộc hiện có khoảng 800 ha chuyên canh các loại rau củ quả. Trong đó, trên 100 ha nằm trên vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Kỳ Cùng có rất nhiều điều kiện để phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh trên thị trường.

Có thể kể đến các HTX tại Cao Lộc đã trở thành thương hiệu nổi tiếng như: Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Bắc Đông, xã Gia Cát; Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Nà Hán, xã Tân Liên…

Trong những năm qua, HTX này luôn tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rau VietGAP nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX đã tham gia vào chuỗi giá trị cung cấp các loại rau quả, bảo đảm an toàn cho thị trường trong và ngoài tỉnh; HTX còn mở rộng kinh doanh thông qua thị trường công nghệ.

Nhờ đó, doanh thu của HTX ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2019, doanh thu của HTX chỉ đạt hơn 100 triệu đồng thì năm 2020 đã lên đến trên 500 triệu đồng. HTX cũng đã đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP để nâng cao giá trị và thương hiệu trên thị trường.

Bà Dương Thị Oai, thành viên HTX rau củ quả sạch Tân Liên - Gia Cát cho biết: "Gia đình tôi tham gia vào HTX từ năm 2017. Đến nay, các sản phẩm chính của chúng tôi như dưa chuột, cà chua, măng tây… đang rất được thị trường ưa chuộng".

Theo bà Oai, lợi ích lớn nhất khi tham gia vào HTX là sự đồng hành của HTX từ các dịch vụ đầu vào đến kết nối thị trường tiêu thụ. Với năng suất ổn định, giá bán cao, bình quân mỗi ha rau công nghệ cao, các hộ canh tác có thể thu về 90 - 100 triệu đồng mỗi vụ.

Trước đây, các sản phẩm của HTX sau khi được thu hoạch, thường phải vận chuyển đến các chợ đầu mối để tìm người thu mua. Nhưng hiện nay, thành viên đã chụp ảnh sản phẩm đăng lên Zalo, Facebook để quảng cáo. Tính riêng trên trang Facebook Rau củ quả sạch Gia Cát, Cao Lộc, Lạng sơn mỗi ngày có thể tiêu thụ hàng trăm kg rau củ quả các loại.

Nhờ đó, khách hàng có thể nắm được các sản phẩm hiện có tại HTX. Cùng với đó, sản phẩm được nhiều người biết đến, lượng khách đặt hàng tăng nhanh qua các tháng.

Qua các trang mạng xã hội của thành viên, khách hàng có thể đặt hàng và được HTX giao hàng tận nơi. Đây là cách giúp mang rau quả an toàn đến tận tay người tiêu dùng, tạo niềm tin và hình thành nên thói quen sử dụng rau sạch.

Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, thông qua nền tảng công nghệ số không chỉ được mở rộng bởi các thành viên HTX mà hiện nay nhiều địa phương đã hỗ trợ người dân cũng như các HTX xây dựng, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế (Bắc Giang) chuyên nuôi, chế biến các sản phẩm gà đồi.

Các HTX vùng DTTS ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ nông sản trong mùa dịch - Ảnh 2.

Kiểm tra việc gắn tem truy xuất nguồn gốc gà đồi

Ban đầu, HTX được thành lập với 7 thành viên tham gia. Sau đó, đơn vị đã mở rộng và phát triển lên hơn 20 thành viên. Các thành viên chủ yếu là các hộ chăn nuôi có kinh nghiệm, được phân bổ tập trung ở các xã có truyền thống chăn nuôi, diện tích vườn rừng để phát triển sản xuất như: Đồng Tâm, Tiến Thắng, Đồng Kỳ…

Quy mô tổng đàn gà của trên 20 thành viên thuộc HTX bình quân theo thời điểm năm 2020 khoảng gần 20 nghìn con. Sau thời gian tìm hiểu và nghiên cứu thị trường cho sản phẩm, ban đầu, HTX đã cung cấp ra thị trường được trên 15 tấn gà qua giết mổ, 500 kg giò gà và trên 80 tấn gà lông. Các sản phẩm gà của HTX được kiểm tra chặt chẽ, đầy đủ các yêu cầu về thời gian chăn nuôi cũng như chất lượng sản phẩm, được dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Do vậy, đã tạo được sự yên tâm của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.

Đầu tháng 5 vừa qua, nhận thấy thị trường tiêu thụ có khả năng bị thu hẹp do nhiều địa phương thực hiện giãn cách, cách ly xã hội; lượng khách hàng bị giảm, HTX quyết định tìm kiếm, đưa sản phẩm lên một số trang thương mại điện tử như: vỏ sò, Alibaba… Nhờ đó, dù chịu ảnh hưởng bợi dịch bệnh nhưng sản lượng tiêu thụ của HTX trong các tháng gần đây đều tăng. Cụ thể, HTX xuất bán trung bình hơn 2 tấn gà thịt cùng 5 tạ giò, chả/tháng, cao gấp đôi thời điểm trước khi có dịch.

Theo Nghiên cứu của Liên minh HTX Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại 174 HTX ở 24 tỉnh thành phố và 34 Liên minh HTX tỉnh, thành phố ghi nhận, 76,8% số HTX tham gia khảo sát đã áp dụng số hóa để trao đổi thông tin và ra quyết định tập thể; 47,4% HTX thay đổi phương thức kinh doanh như, chuyển đổi hình thức bán hàng truyền thống sang online kết hợp giao hàng tận nơi; 37,4% HTX sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tuyên truyền tư vấn chuyện môn, chính sách…

Thông qua nền tảng số các HTX và nông dân vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa vẫn có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phát triển sản xuất kinh doanh và mang lại hiệu quả kinh tế

Có thể nhận thấy, việc phát triển thị trường trên nền tảng số đã mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi, các nền tảng này sẽ giúp người dân và các HTX giới thiệu và kết nối sản phẩm của tới khách hàng một cách tiện lợi, dễ dàng. Việc ứng dụng công nghệ số trong việc giới thiệu, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm đã được nhiều HTX nông nghiệp và nhiều hộ dân ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp.

Đồng thời, để ứng phó với dịch bệnh về lâu dài, các HTX đã chủ động tái cơ cấu sản phẩm và định hướng lại đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, là đẩy mạnh xây dựng lại quy trình sản xuất, đăng ký nhãn mác chất lượng sản phẩm, tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Mục tiêu của các HTX là chuyển sang sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem, nhãn chất lượng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, để hỗ trợ  khó khăn mà các HTX nông nghiệp đang gặp phải, Liên minh HTX đang nỗ lực thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, gắn kết, tạo điều kiện cho các HTX phát triển; Xây dựng một số HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững; Hỗ trợ phát triển kết nối thị trường nội bộ giữa các HTX và Hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm, trong giai đoạn này, Liên minh HTX Việt Nam cũng đang tăng cường thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số cho các HTX, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản qua các nền tảng số.

Đặc biệt là Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2021- 2025" mà Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy mạnh đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng và các nền tảng số.

Qua đó, tạo đà cho các nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh vùng DTTS có những chuyển đổi hiệu quả và hướng đi mới bắt nhịp với thời đại cách mạnh công nghiệp 4.0, đồng thời ổn định kinh tế xã hội trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các HTX vùng dân tộc thiểu số đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO