Để có được những chỉ số cao dẫn đầu ấy, Quảng Ninh luôn đổi mới xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, minh bạch, vận hành trên nền tảng chính quyền số, chính quyền điện tử (CQĐT) - coi đây là một xu thế bắt buộc trong sự phát triển của tiến trình số quốc gia.
Tỷ lệ DVCTT xử lý bằng hồ sơ điện tử đạt 100%
Báo cáo tình hình triển khai mô hình điển hình CQĐT cấp tỉnh quý IV/2020; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, Sở TT&TT Quảng Ninh cho biết nhờ có việc thực hiện nghiêm túc, tích cực Biên bản ghi nhớ ký ngày 27/11/2019 giữa Bộ TT&TT với UBND tỉnh Quảng Ninh về triển khai Mô hình điểm CQĐT và Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh, đến nay hệ thống CQĐT tỉnh Quảng Ninh được xây dựng, thực hiện theo quan điểm, nguyên tắc: Lấy người dân làm trung tâm; xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch; hỗ trợ nhân dân tối đa khi thụ hưởng các tiện ích thông minh; đảm bảo kết nối nguồn cơ sở dữ liệu (CSDL) của tỉnh với hệ thống quốc gia, bộ, ngành trung ương…
Bên cạnh đó, CQĐT của tỉnh Quảng Ninh còn tập trung vào việc xây dựng mô hình đảm bảo 100% từ cấp tỉnh đến cấp xã phải được kết nối, liên thông theo chiều ngang và chiều dọc và đáp ứng tiêu chí 07 thành phần: Tầng người sử dụng; kênh truy cập; tầng dịch vụ và ứng dụng; tầng dịch vụ tích hợp, chia sẻ; tầng dữ liệu; tầng kỹ thuật - công nghệ; an toàn thông tin, an ninh mạng được quy định trong Mô hình CQĐT điển hình cấp tỉnh.
Cụ thể, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 17/NQ-CP; Bản ghi nhớ tính đến IV/2020 đạt được cụ thể như: Số lượng người dân và doanh nghiệp (DN) tham gia hệ thống thông tin CPĐT được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đạt chỉ tiêu 100%; tỷ lệ DVCTT xử lý bằng hồ sơ điện tử (100%); tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử (98%); tỷ lệ báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia (30%)…
Các đề xuất, kiến nghị
Ngoài những kết quả đạt trong quá trình xây dựng, thực hiện hệ thống CQĐT, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế vướng mắc như: Một số đơn vị, cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh còn làm việc theo thói quen cũ, xử lý công việc trên giấy trắng, mực đen; một số lãnh đạo quản lý còn yếu các kỹ năng CNTT; đội ngũ cán bộ cấp xã ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế các kiến thức công nghệ.
Bên cạnh đó, theo Sở TT&TT Quảng Ninh, các bộ, ngành vẫn chưa thực sự hỗ trợ địa phương trong việc kết nối liên thông các hệ thống điện tử; việc xây dựng các giải pháp, chương trình, Đề án lớn và Quản trị, vận hành các hệ thống thông tin lớn của tỉnh đang phải thuê đơn vị tư vấn thực hiện...
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, báo cáo cũng tổng kết, rút ra những kinh nghiệm, đề xuất như: Đối với lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, huyện, xã cần phải có quyết tâm hơn nữa, chỉ đạo quyết liệt và tạo được sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị. Các cấp cần đồng bộ duy nhất một hệ thống để triển khai các ứng dụng CNTT đồng bộ.
Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ về CNTT, am hiểu về quản lý hành chính nhà nước, tâm huyết với công việc để tổ chức xây dựng, triển khai các ứng dụng CNTT.
Bên cạnh đó, các cấp ngành cần phải tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức đến toàn thể cán bộ, công chức, DN và người dân, thu hút sự đồng hành của các cấp, ngành hiểu, khai thác được những tiện ích của CQĐT mang lại.
Riêng với công tác kiểm tra, đánh giá, xếp hạng mức độ CQĐT, tỉnh yêu cầu phải được chú trọng thường xuyên, tạo thành phong trào thi đua giữa các đơn vị, có biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Ngoài nội dung quan trọng nêu trên, báo cáo cũng kiến nghị đến Bộ TT&TT chỉ đạo các nhà mạng cung cấp chữ ký số trên SIM điện thoại di động cho người dân làm cơ sở cho việc xác thực người dân khi tham gia hệ thống CQĐT tử bằng chữ ký số...