Các nhà xuất bản đã làm gì để vượt khó trong đại dịch?

Tuấn Trần| 24/03/2022 19:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2021 các nhà xuất bản (NXB), công ty sách, in ấn, phát hành đều gặp khó khăn trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, vậy đâu là cách để họ vượt qua?

Tại hội nghị "Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022" do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Tuyền thông (TT&TT) cùng Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức vào ngày 23/3/2022 tại TP.HCM. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, NXB, phát hành... đã chia sẻ cách để họ vượt khó trong suốt hai năm qua do đại dịch COVID - 19.

Các nhà xuất bản đã làm gì để vượt khó trong đại dịch? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị "Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022".

NXB điện tử

Trước và sau giãn cách xã hội, nhiều NXB tại Việt Nam đã áp dụng hệ thống quản lý NXB thông qua phần mềm. Hệ thống phần mềm quản lý này có thể vận hành được trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ nơi đâu. 

Theo bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ: "Khi đại dịch xảy ra, TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội, NXB Trẻ đã đẩy nhanh việc triển khai và ứng dụng phần mềm vào hoạt động. Dù gần như toàn bộ nhân viên không đến trụ sở nhưng các hoạt động sản xuất vẫn diễn ra gần như bình thường. Các bộ phận như: biên tập, sản xuất, kỹ mỹ thuật phối hợp tốt để bảo đảm một số sách quan trọng, cần thiết kịp thời được in ấn trong điều kiện giãn cách xã hội". 

Với mô hình NXB điện tử này, nhân viên có thể làm việc tại nhà, hay tại các tỉnh thành khác trên máy tính cá nhân của mình chỉ bằng việc truy cập vào hệ thống chung của NXB. Bên cạnh đó, các NXB vẫn duy trì hội họp, xử lý công việc thông qua phần mềm trực tuyến. Cho đến nay, nhiều NXB đang kết hợp hiệu quả cả hai cách làm việc - trực tiếp và trực tuyến.

Theo bà Ngô Kim Thuỷ, Giám đốc kinh doanh sách Quốc văn, Công ty CP Văn hoá Phương Nam: "Từ kinh nghiệm ứng phó với đợt bùng phát dịch năm 2020, Công ty đã trang bị tốt về hạ tầng kỹ thuật cho toàn bộ khối văn phòng để nhân viên có thể luân phiên nhau làm việc trực tuyến (online). Có phương án ứng phó tùy theo cấp độ dịch của từng địa phương, tùy vào cấp độ dịch mà phân bổ nhân sự trực và sắp xếp phân công nhằm đạt được hiệu suất cao nhất".

Kinh doanh sách giấy trực tuyến

Cũng trong đại dịch COVID-19 nhiều NXB hỗ trợ, phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) để có nhiều chương trình ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích bạn đọc mua sách trực tuyến trong điều kiện các nhà sách truyền thống đóng cửa. 

Theo bà Phan Thị Thu Hà: "NXB Trẻ đã mở và đẩy mạnh hoạt động của các nhà sách trực tuyến riêng của mình trên các nền tảng như Tiki, Shopee, Lazada,...".

Sự chuyển hướng này đã giúp các NXB đạt được doanh số cuối năm đồng thời cũng đáp ứng được thói quen mua sách trực tuyến ngày càng gia tăng của độc giả. 

Theo bà Ngô Kim Thuỷ, "Để đáp ứng nhu cầu cung ứng sách giáo khoa (SGK) cho học sinh khi các cháu bắt đầu học online, Công ty đã tổ chức các đội bán hàng tại chỗ ở các nhà sách và bộ phận kinh doanh online, nhận và xử lý hàng ngàn đơn hàng SGK phát sinh... Dù khối lượng đơn hàng tăng và việc giao nhận trong thời điểm dịch bệnh là khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ kịp thời hết tất cả nhưng chúng tôi cũng đã đảm bảo cung ứng nhiều nhất có thể. Những nỗ lực đó đã mang lại kết quả không ngờ khi doanh thu SGK vẫn đạt 92% cùng kỳ 2020".

Tăng cường sự hiện diện trên không gian mạng 

Để vượt khó trong đại dịch, tại Hội nghị này, các NXB, các đơn vị phát hành cũng đã cho biết, họ phải duy trì làm việc với các tác giả, NXB trong và ngoài nước để xây dựng được nguồn bản thảo cho kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài. 

"Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ sống còn của NXB, nên dù không tham gia được các hội chợ sách trong và ngoài nước, khó gặp trực tiếp các tác giả, dịch giả, NXB vẫn đẩy mạnh gặp gỡ, làm việc trực tuyến. Điều này bước đầu được thực hiện hiệu quả qua các phần mềm họp, làm việc trực tuyến", bà Phan Thị Thu Hà chia sẻ.

Các đơn vị cũng đã đẩy mạnh sự hiện diện của sách NXB trên không gian mạng thông qua nhiều hoạt động truyền thông trực tuyến, qua các trang mạng xã hội. Tổ chức nhiều hoạt động cho bạn đọc trên Fanpage như giao lưu tác giả theo nhiều chủ đề khác nhau, mở các cuộc thi cho bạn đọc tham gia... 

Nhận thấy nhu cầu và thói quen đọc của độc giả có sự chuyển hướng sang sách điện tử (ebook) và sách nói (audiobook), một số NXB cũng bắt theo xu hướng này. Các NXB đang phát hành sách nói qua các ứng dụng, bên cạnh đó là tái đầu tư mảng sách điện tử. Đây là những hoạt động giúp các NXB tiến tới xây dựng hệ sinh thái xuất bản với xuất bản phẩm ở nhiều định dạng khác nhau cho bạn đọc chọn lựa.

Các nhà xuất bản đã làm gì để vượt khó trong đại dịch? - Ảnh 2.

Những đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động xuất bản, phát hành năm 2021.

Những kiến nghị từ phía các NXB

Một trong những kiến nghị nổi bật nhất tại Hội nghị này là ý kiến cho rằng Nhà nước cần sớm có các chính sách đặc thù đối với các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực xuất bản. 

Theo một đại diện từ NXB Tư pháp: "Đảng, Nhà nước ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xuất bản trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, nhưng trong bối cảnh hiện nay, các NXB rất cần có các chính sách đặc thù, cụ thể so với các đơn vị sự nghiệp, các DN thông thường khác. Điều này không chỉ giúp các NXB tăng cường năng lực cạnh tranh, mà quan trọng hơn là để thực hiện hiệu quả, toàn diện nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao".

Các NXB cũng cho rằng cần thực hiện nghiêm các chế tài xử phạt trong hoạt động xuất bản, in và phát hành để hạn chế các hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất bản chính thống, đặc biệt là xử lý vi phạm bản quyền, in lậu, vi phạm quy định về liên kết xuất bản.

Trong thời gian qua, một số NXB gặp nhiều khó khăn khi xây dựng đề án xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử (hiện mới có một số nhà xuất bản đủ điều kiện và được cấp phép), do vậy, để đẩy mạnh hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử đáp ứng xu thế chung của thời đại, NXB Tư pháp đề nghị Bộ TT&TT, Cục Xuất bản, In và Phát hành nghiên cứu, triển khai giải pháp thực hiện đề án chung mang tính tổng thể và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật dùng chung. Việc này giúp các NXB không phải đầu tư quá lớn về kinh phí phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mà vẫn có thể tham gia vào quá trình xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.

"Cần khẩn trương thể chế hóa những quan điểm chỉ đạo nêu trên của Đàng, nhất là chuyển đổi mô hình theo Luật Xuất bản cho phép sang sự nghiệp có thu, hoặc DN thực hiện nhiệm vụ công ích để giải quyết căn cơ tận gốc vấn đề cơ chế liên quan đến tiền thuê đất - thuê nhà và tiến thuế đất. Mô hình là "Sự nghiệp có thu", nhưng về nội hàm NXB hoàn toàn phải tự hạch toán kinh doanh, không trông chờ vào bao cấp của Nhà nước", một đại diện của NXB Thế Giới cho biết. 

Cuối cùng, một trong những kiến nghị sát sườn và cụ thể nhất là các đơn vị thuộc ngành xuất bản - phát hành sử dụng nhiều lao động như hệ thống nhà sách rất cần chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như các ngành bán lẻ bị ảnh hưởng khác. 

Theo bà Ngô Kim Thuỷ, "Xem sách là hàng hóa thiết yếu trong mùa dịch như các quốc gia khác trên thế giới. Tác động chính sách để nhà nước giảm tiền thuê mặt bằng, tiếp cận các khoản vay ưu đãi, miễn giảm các loại thuế phí, trung tâm thương mại giảm tiền thuê mặt bằng"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các nhà xuất bản đã làm gì để vượt khó trong đại dịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO