Tại châu Á, các nước đang triển khai những biện pháp cứng rắn nhằm xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt và thông tin sai lệch về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận.
Ảnh minh họa. (Nguồn: SCMP)
Tin giả - Một đại dịch khác trong cuộc chiến Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự hỗn loạn trên toàn cầu khi các quốc gia buộc phải áp dụng các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan. Khi đối mặt đại dịch nguy hiểm, việc lan truyền các thông tin giả, thông tin sai lệch trên các phương tiện truyền thông xã hội đã làm gia tăng sự hoảng loạn trong công chúng.
Ruder Finn, một chuyên gia tư vấn truyền thông đã khảo sát 1.648 người trong độ tuổi từ 18 - 35 ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam về những sở thích của người dùng liên quan đến nội dung trực tuyến.
Nghiên cứu cho thấy tin tức giả là mối quan tâm lớn nhất trong nhiều năm qua tại ASEAN. 60% số người được hỏi trên tất cả các nền tảng đồng ý rằng thông tin giả mạo là mối quan tâm lớn nhất của họ khi sử dụng các nền tảng truyền thông trực tuyến, 50% là lo lắng về nội dung không trung thực và 39% lo ngại về nội dung không phù hợp hoặc thông tin sai.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã từng nhận định thông tin sai lệch lan truyền trên mạng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội, đã có những trường hợp thông tin bị bóp méo để tạo ra những câu chuyện giả mạo với ý định kích động bạo lực, gieo rắc thù hận, sợ hãi, mất lòng tin và bất hòa.
Kể từ khi virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện vào cuối năm ngoái, rất nhiều tin đồn và thông tin sai lệch đã được lan truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội về một cuộc khủng hoảng sức khỏe.
Những thông tin không chính xác về Covid-19, những câu chuyện hư cấu không đúng sự thật, các phương pháp điều trị và những cách phòng ngừa virus SARS-CoV-2 chưa được kiểm chứng lan truyền rộng rãi một cách có chủ đích hoặc vô tình đã gây hoang mang trong cộng đồng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng cho con người.
Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi đây là "đại dịch thông tin", gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Các nước châu Á mạnh tay với tin giả
Theo một cuộc khảo sát của hãng thông tấn quốc tế AFP, hàng trăm người châu Á đã bị bắt giữ vì đăng thông tin giả, thông tin không chính xác về Covid-19 một cách có chủ đích.
Một phụ nữ trung niên ở Sri Lanka đã bị giam giữ 3 ngày sau khi đăng tải một thông tin trên Facebook nói rằng Tổng thống nước này đã dương tính với Covid-19.
Tại Campuchia, một học giả đã bị buộc tội kích động với án phạt 2 năm tù sau khi đăng lên Facebook một trích dẫn không chính xác của Thủ tướng Hun Sen.
Cuối tháng 3 vừa qua, Thái Lan đã thông qua một sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, cho phép truy tố hình sự đối với những hành vi chia sẻ thông tin sai lệch về dịch Covid-19 trên mạng Internet dẫn tới sự "kích động nỗi sợ hãi" của xã hội. Theo Đạo luật tội phạm máy tính, những người vi phạm có nguy cơ bị phạt tối đa 5 năm tù giam.
Philippines gần đây cũng đã thông qua một đạo luật khẩn cấp, gia tăng quyền hạn để đối phó với vấn nạn tin giả. Theo đó, luật này được quyền bắt giữ những người chia sẻ các thông tin thất thiệt về dịch Covid-19.
Tại Ấn Độ, gần 100 người đã bị bắt vì phát tán thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 theo luật hình sự và đạo luật xử lý thảm họa, với các hình phạt tới lên tới 1 năm tù giam.
Từ ngay sau khi dịch bùng phát, Indonesia cũng đã thực hiện bắt giữ hơn 80 vụ liên quan đến việc tung tin giả, tin không chính xác về dịch Covid-19 với hình phạt tối đa là 5 năm tù giam theo Luật Thông tin điện tử của nước này.
Một trường hợp tung tin giả bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính. (Ảnh: Cục A05)
Hay tại Việt Nam, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng cũng đã mạnh tay trong công tác xử lý các trường hợp lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, đưa tin sai sự thật về dịch Covid-19.
Ngày 3/2, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện để thay thế Nghị định 174, đây được cho là phương thức mạnh hơn trong việc phòng chống những thông tin giả, sai lệch gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội hiện nay.
Theo Nghị định mới có hiệu lực từ 15/4, cá nhân có hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc gây ra hậu quả sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, nếu cá nhân vi phạm hành vi này nhiều lần, không tuân thủ cam kết, gây nguy hiểm cho xã hội có thể bị xử lý hình sự.
Nhà chức trách các nước đều cho rằng việc xử lý hình sự là cần thiết nhằm ngăn chặn việc phát tán các thông tin về những phương pháp chữa trị và phòng ngừa dịch Covid-19 vô căn cứ, chưa được kiểm chứng cũng như các thuyết âm mưu gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Chính phủ các nước cũng đã kêu gọi công dân kiểm tra tính xác thực của các câu chuyện hay tin tức trước khi chia sẻ chúng.
Tham gia vào cuộc chiến tin giả, Facebook đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện, xóa các tài khoản và trang giả mạo. Google cũng đã thực hiện các bước để sửa đổi hệ thống xếp hạng tìm kiếm để ngăn tin tức giả mạo đưa vào kết quả hàng đầu cho các cụm từ tìm kiếm cụ thể.
Ngoài ra, Google đã hợp tác với Mạng kiểm tra thực tế quốc tế để chống lại tin tức giả mạo trong việc đảm bảo chỉ có các bài viết chính xác được đăng.