Các nước CLMV tăng cường ứng dụng CNTT, hỗ trợ hệ sinh thái 5G

PV| 24/08/2020 18:33
Theo dõi ICTVietnam trên

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam lần thứ 12 (CLMV EMM 12) vừa được tổ chức hôm nay 24/8 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM 52) và các Hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 22 - 30/8/2020 tại Hà Nội.

Các Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak, Bộ Công Thương Lào Khemmani Pholsena, Bộ Đầu tư và Kinh tế đối ngoại Myanma Thaung Tun, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đã tham dự Hội nghị.

Các Bộ trưởng và đại biểu cùng nhau tập trung trao đổi một số vấn đề quan trọng như: Rà soát, đánh giá tình hình triển khai Kế hoạch hành động hợp tác kinh tế CLMV giai đoạn 2019-2020; Thông qua Kế hoạch hành động hợp tác kinh tế CLMV giai đoạn 2021-2022; Kế hoạch ứng phó và khôi phục sau dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt, chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng cùng với sự bùng phát của dịch Covid-19 đã dẫn đến các hệ quả về đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng, các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch… của các nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).

CLMV EMM 12: Giải pháp cho hoạt động phát triển thương mại biên giới - Ảnh 1.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 12 đã diễn ra theo hình thức họp trực tuyến. - (Ảnh: moit.gov.vn)

Những khó khăn trên đặt ra nhiều thách thức cho các nước CLMV trong việc vừa phải đảm bảo phòng chống dịch, vừa phải khôi phục phát triển kinh tế, trong khi đó đã có những ảnh hưởng nhất định, làm gián đoạn hoặc chậm tiến độ triển khai một số dự án, hoạt động thuộc Kế hoạch hành động CLMV dành cho năm 2020.

Các Bộ trưởng đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về các chính sách, biện pháp ứng phó với dịch bệnh và khôi phục kinh tế sau dịch, các sáng kiến, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN trong hoạt động thương mại, đầu tư.

Để đảm bảo sự vận hành bình thường của các chuỗi cung ứng, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, góp phần khắc phục xu hướng suy giảm trong trao đổi thương mại giữa các nước CLMV, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các nước quan tâm, thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đối với các hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan tại các khu vực cửa khẩu biên giới, tăng cường kết nối giao thông, logistics.

Các nước CLMV cần tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, đưa CLMV trở thành điểm đến quan trọng, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Trên cơ sở thực tế trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị: Các nước CLMV cần tăng cường phối hợp về chính sách, biện pháp khắc phục các khó khăn do Covid-19, tiếp tục các hoạt động hỗ trợ kết nối DN theo hình thức mới, tháo gỡ khó khăn cho các DN trong hoạt động xuất nhập khẩu, các vướng mắc trong hoạt động phát triển thương mại biên giới…

Đánh giá về tiến độ triển khai Kế hoạch hành động hợp tác kinh tế CLMV 2019 - 2020, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Kế hoạch hành động này về cơ bản đã được hoàn thành hoặc đạt được những kết quả tích cực. Một số hoạt động/dự án đáng chú ý gồm: Tổ chức thành công các chương trình hội chợ, triển lãm tại các nước CLMV như Triển lãm Vietnam Expo, Vietnam Food Expo tổ chức tại Việt Nam và có sự tham gia của các nước Campuchia, Lào, Myanmar; các triển lãm hàng Việt Nam tại Myanmar, Campuchia, Lào; Dự án Đánh giá khung pháp lý hiện tại về thương mại điện tử tại Cam-pu-chia, Lào, Myanmar, Việt Nam (do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Hội nhập ASEAN - Nhật Bản)...

Để việc triển khai Kế hoạch hành động hợp tác kinh tế CLMV 2019 - 2020 ngày tích cực, hiệu quả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các nước chủ động, linh hoạt điều chỉnh nội dung, phương án triển khai các hoạt động chưa được thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng đang bị gián đoạn theo hướng thích ứng với tình hình dịch bệnh tại từng nước, thông qua tăng cường ứng dụng CNTT, triển khai theo hình thức trực tuyến như gợi ý từ chủ đề "Gắn kết và Chủ động thích ứng" của năm ASEAN 2020.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mong muốn: "Các nước cần tăng cường ứng dụng CNTT, nâng cao năng lực, hỗ trợ kĩ thuật trong các lĩnh vực: kinh tế số, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, sản xuất thông minh, hệ sinh thái 5G, tăng cường hợp tác giữa các trung tâm đổi mới sáng tạo của các nước CLMV, kết nối hạ tầng giao thông, thương mại, logistics..."

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng cùng nhau nhất trí thông qua Kế hoạch hành động hợp tác kinh tế CLMV giai đoạn 2019 - 2020 với 5 lĩnh vực chính: Hợp tác thương mại và đầu tư; Thực hiện các cam kết khu vực; Kế hoạch khôi phục sau dịch bệnh; Khung khổ phát triển CLMV; Phát triển nguồn nhân lực.

CLMV EMM 12: Giải pháp cho hoạt động phát triển thương mại biên giới - Ảnh 2.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam lần thứ 12 (CLMV EMM 12) tổ chức họp theo hình thức trực tuyến (Ảnh: moit.gov.vn)

Các Bộ trưởng nhất trí giao nhiệm vụ cho các Trưởng SEOM tăng cường hoạt động điều phối việc đề xuất thêm các dự án mới, có tính thiết thực, phù hợp với nhu cầu hợp tác, nhu cầu phát triển thực tế trong bối cảnh mới. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các nước CLMV tích cực và chủ động hơn trong việc tiếp cận và đề nghị các đối tác phát triển hỗ trợ nguồn lực cho việc triển khai các hoạt động/dự án hợp tác CLMV trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cảm ơn các Bộ trưởng Kinh tế các nước CLM đã tích cực phối hợp và ủng hộ Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ của Năm Chủ tịch ASEAN 2020. 

Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, với sự hợp tác chặt chẽ, cùng với quyết tâm chính trị cao, hợp tác kinh tế CLMV sẽ đạt được những thành tựu mới trong thời gian tới, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước ASEAN-6.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Các nước CLMV tăng cường ứng dụng CNTT, hỗ trợ hệ sinh thái 5G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO