Các quyết định ngắn hạn là không đủ để kiến tạo một thành phố thông minh

Tuấn Trần| 02/11/2021 21:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau đại dịch, các thành phố đã và đang tự đổi mới với các mục tiêu thành phố thông minh (TPTM) (smart city), PV Tạp chí TT&TT đã có cuộc trò chuyện cùng ông Phạm Hồng Phong, CEO của Oracle Việt Nam về các vấn đề có liên quan.

Xây dựng Thành phố Thông minh: Cần đầu tư lớn và dài hạn  - Ảnh 1.

Ông Phạm Hồng Phong – Giám đốc Điều hành, Oracle Việt Nam.

PV: Việt Nam đang có những bước tiến cụ thể trong định hướng phát triển TPTM? Theo ông, đâu là cơ hội và thách thức hiện tại?

Ông Phạm Hồng Phong: TPTM trong tương lai cần có sự đầu tư lớn và dài hạn, bên cạnh ý kiến chuyên môn đúng đắn. Tôi tin rằng các quyết định ngắn hạn là không đủ để kiến tạo nên một thành phố thích nghi tốt với những thay đổi trong tương lai. Việc này cần một cách tiếp cận công nghệ rộng và sâu hơn - một cách thúc đẩy đổi mới và cung cấp khả năng mở rộng để giải quyết các nhu cầu trong tương lai. 

Theo nghiên cứu của ESI ThoughtLab đồng tài trợ bởi Oracle, 65% lãnh đạo thành phố được khảo sát ghi nhận bài học lớn nhất qua đại dịch chính là việc nhìn nhận được các TPTM đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với tương lai của họ.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã lên kế hoạch cho 950 TPTM bền vững trong giai đoạn từ năm 2018 - 2025 để thúc đẩy tăng trưởng xanh và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên qua việc áp dụng đổi mới công nghệ. TPTM đang được xây dựng tại nhiều địa điểm, bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Nha Trang... Việc phát triển các thành phố này nhằm mang lại sự đồng bộ, hiện đại và bền vững cho cơ sở hạ tầng cũng như sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu của ESI ThoughtLab cũng xếp Hà Nội nằm trong các thành phố lớn dẫn đầu ở khu vực trong vấn đề nâng cao khuôn khổ xây dựng TPTM và có các bước tiến trong các hạng mục thuộc Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng trong việc phát triển các TPTM thích nghi với mọi thay đổi trong tương lai cho người dân.

Sau đại dịch, chúng ta đang chứng kiến các thành phố tự đổi mới mình với các mục tiêu lớn. Nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa CNTT để thay thế các hệ thống cũ tốn kém chi phí duy trì nhưng không cung cấp các chức năng và sự nhanh nhạy cần thiết để đưa các dịch vụ kỹ thuật số đến với người dân.

Tuy nhiên, khi công nghệ mới được đầu tư mạnh như hiện nay và cả trong tương lai, các thành phố sẽ có những lo ngại về an ninh, vấn đề tuân thủ quy định và ngân sách hiện tại. Trong báo cáo của mình, ESI ThoughtLab nhấn mạnh đến 60% lãnh đạo các thành phố không cảm thấy thành phố của họ an toàn trước các cuộc tấn công mạng trong và ngoài nước, do những lỗ hổng bắt nguồn từ sự hạn chế về tài chính, nguồn nhân lực CNTT bị thu hẹp và những yếu tố khác. Đây là một thách thức tiềm năng.

Lấy ví dụ, Hà Nội chỉ chuẩn bị rất khiêm tốn để đối mặt với các vấn đề an ninh mạng, theo nghiên cứu của ESI ThoughtLab. Điều này đồng nghĩa với việc thành phố phải lên kế hoạch đặt ra các trách nhiệm, thông lệ quản trị và tài liệu để cải thiện an ninh và cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời tuyển dụng nhiều hơn các chuyên gia an ninh mạng để chuẩn bị tốt hơn cho các mối đe dọa an ninh mạng trong tương lai. Nghiên cứu còn nhấn mạnh cách tiếp cận của Hà Nội với việc triển khai phần mềm cho sự phát triển của TPTM là một trong những cách thức linh hoạt nhất trong số tất cả các thành phố Đông Nam Á được khảo sát.

Khi đã bắt đầu hành trình phát triển TPTM, các thành phố cần tìm cách kết hợp cơ sở hạ tầng với các khoản đầu tư kỹ thuật số sẵn có của mình một cách tốt nhất. Với tinh thần đó, các thành phố cần tận dụng khối lượng dữ liệu lớn kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) để chuyển đổi các nền tảng hiện có thành các dịch vụ công dân tự động và tương thích với thiết bị di động.

PV: Ở các thành phố lớn tại Việt Nam, lĩnh vực nào đã thực sự "thông minh"? Đó là những gì?

Ông Phạm Hồng Phong: Các thành phố lớn ở Việt Nam đang có những bước tiến lớn hướng đến sự phát triển TPTM. Đặc biệt, hạ tầng thông tin đã được phủ sóng 4G, mức độ tiếp cận các dịch vụ CNTT và tỷ lệ sử dụng thiết bị di động so với thế giới là khá cao.

Các lĩnh vực đã đạt được tiến bộ rõ ràng trong TPTM có thể kể đến dịch vụ công (DVC) và chăm sóc sức khỏe (CSSK). Chương trình theo dõi và truy vết là một ví dụ. DVC tại Việt Nam đã liên kết với các thủ tục hành chính và tích hợp trực tuyến lên trang web Cổng DVC Quốc gia. Sử dụng công nghệ hiện đại giúp quy trình thủ tục giấy tờ được hiện đại hóa, minh bạch và tiết kiệm chi phí cũng như thời gian.

PV: Công nghệ, ứng dụng trong TPTM liệu đã thực sự phát huy được hiệu quả cao trong đại dịch COVID-19? Xin ông cho một ví dụ cụ thể?

Ông Phạm Hồng Phong: Có thể nhìn thấy rõ các ứng dụng công nghệ đã và đang góp phần trong nỗ lực chống lại COVID-19 của Việt Nam. Như trước đây, ứng dụng điện thoại "Hanoi Smart City" được phát triển để truy vết xem các cá nhân có tiếp xúc gần với người sau này bị phát hiện dương tính với virus hay không. Tiếp đó, ứng dụng Bluezone và ứng dụng mới nhất PC-COVID đã được phát triển để hỗ trợ theo dõi di chuyển cũng như giúp mọi người quản lý sức khỏe của mình và nguy cơ lây nhiễm, hỗ trợ họ điều trị nếu cần thiết bằng cách tích hợp với hệ thống quản lý tiêm chủng, khai báo y tế. Các ứng dụng công nghệ đã góp phần tích cực, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch. Việc ra mắt các ứng dụng được xem là một cột mốc ban đầu hướng tới sự chuyển đổi số trong lĩnh vực CSSK và là một bước tiến để hiện thực hóa mục tiêu biến đất nước thành một quốc gia thông minh.

Bên cạnh đó, trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 gần đây, các nền tảng thông minh dành cho CSSK đã chứng minh tầm quan trọng của mình. Để xác định đột biến virus COVID-19 nhanh hơn, Oracle đã hợp tác với Trường Đại học Oxford để phát triển hệ thống phân tích mầm bệnh toàn cầu (GPAS), sử dụng cơ sở hạ tầng đám mây Oracle . Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford ở Việt Nam đang sử dụng nền tảng này để nhanh chóng truy cập dữ liệu phù hợp, kịp thời, cần thiết để đưa ra những phân tích khoa học cập nhật, chính sách đầy đủ thông tin, cũng như các quyết định an toàn liên quan đến các biến thể mới. Một ví dụ khác là chính quyền bang Tasmania (Úc) đã sử dụng hệ thống quản lý Sức khỏe Oracle để quản lý chương trình tiêm chủng COVID-19.

PV: Một TPTM thực sự khi đáp ứng được những tiêu chí nào?

Ông Phạm Hồng Phong: Trở thành một TPTM không còn là đủ nữa, đặc biệt nếu lãnh đạo thành phố mong muốn giữ chân người dân. Để khai thác toàn bộ giá trị kinh tế, xã hội, môi trường và kinh doanh từ công nghệ, các thành phố cần phải biến thành các trung tâm đô thị siêu kết nối - những thành phố sử dụng các công nghệ mới nhất để chuyển đổi và kết nối các khu vực quan trọng trong hệ sinh thái của mình - từ đường xá đến tòa nhà, từ người dân đến chính phủ, và mạng lưới năng lượng cho thành phố. Siêu kết nối là tương lai của TPTM. Với những người điều hành thành phố lấy cảm hứng từ công nghệ, mục tiêu là tìm cách mở rộng quy mô dịch vụ kỹ thuật số và tạo ra một môi trường tốt hơn cho cả người dân và các doanh nghiệp.

Các sáng kiến thành phố siêu kết nối giúp giải quyết các vấn đề xã hội. TPTM  bậc nhất có thể trở nên bao quát hơn qua thiết kế dịch vụ, quy hoạch cơ sở hạ tầng và các giải pháp di động, cải thiện khả năng sinh sống, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững hơn cho mọi đối tượng. Hơn nữa, các thành phố này không chỉ có công nghệ. Chúng vượt ra ngoài khái niệm về các TPTM bằng cách kết nối chính phủ, DN, học viện và người dân. Khi cả 4 yếu tố này đứng cùng nhau, các thành phố có thể đạt được lợi ích lớn nhất trong kinh tế, kinh doanh và xã hội.

PV: Những hạ tầng công nghệ quan trọng nào cần áp dụng để giúp xây dựng một TPTMnhanh và hiệu quả hơn?

Ông Phạm Hồng Phong: Hiện nay, nhiều thành phố thành công đang tập trung vào các công nghệ mới nổi có ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp dịch vụ, chẳng hạn như điện toán đám mây, AI và các hỗ trợ kỹ thuật số. Theo nghiên cứu của ESI ThoughtLab, 88% lãnh đạo thành phố xác định đầu tư vào các nền tảng đám mây như một đòi hỏi cấp thiết nhất cần để cung cấp thành công các dịch vụ công dân quan trọng và không quan trọng. 66% thành phố đang đầu tư mạnh vào AI và 80% sẽ làm điều này trong ba năm tới, đặc biệt trong lĩnh vực hỗ trợ kỹ thuật số và chatbot.

Tại Oracle, chuyên môn của chúng tôi là nền tảng trong việc hỗ trợ các thành phố quản lý và tận dụng dữ liệu tốt hơn để thu hút người dân, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng lỗi thời và tự động hóa quản lý tài chính nhằm nâng cao hiệu quả. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ dựa trên dữ liệu mà có thể tăng cường mức độ tham gia của cộng đồng trong mọi lĩnh vực ưu tiên của thành phố - từ y tế công cộng đến thanh toán. Oracle hỗ trợ các thành phố tương lai tận dụng khối lượng dữ liệu lớn, kết hợp từ AI và học máy để chuyển đổi các nền tảng sẵn có thành các dịch vụ công dân tự động và thân thiện với thiết bị di động.

Xin cám ơn ông!./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các quyết định ngắn hạn là không đủ để kiến tạo một thành phố thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO