Xác định là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải cách hành chính đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong ba đột phá chiến lược của tỉnh.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn giai đoạn vừa qua và những quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của tỉnh Cà Mau tại Quyết định số 985/QĐ-UBND ngày 31/3/2022 (Chương trình tổng thể).
Năm 2030, Cà Mau đặt mục tiêu thuộc nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu chỉ số CCHC
Cà Mau đặt mục tiêu chung về trọng tâm CCHC trong giai đoạn 10 năm tới là tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế của tỉnh; phát triển chính quyền điện tử, Chính quyền số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, Chỉ số CCHC của tỉnh thuộc nhóm 25 và đến năm 2030, thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính.
Chương trình tổng thể cho biết từ nay đến năm 2025, tỉnh Cà Mau phấn đấu phân cấp giải quyết TTHC đối với 20% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh; cắt giảm ít nhất 20% thời gian giải quyết đối với các TTHC mới ban hành khi công bố theo quy định. Chậm nhất trong năm 2022, tỉnh sẽ triển khai thực hiện việc liên thông giải quyết TTHC trong lĩnh vực đầu tư. Nhà đầu tư chỉ đến một nơi và gặp một cơ quan duy nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với các TTHC có liên quan đến nội dung cần thực hiện.
Đến năm 2025, 100% hồ sơ giải quyết TTHC sẽ được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử. Ngoài ra, 100% TTHC đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 3, 4; tích hợp tối thiểu 80% các DVC trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng DVC quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo DVC trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên.
Năm 2022, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tương ứng là 50%, 40%, 35%; từ năm 2023 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm 20% tỷ lệ hồ sơ được số hóa ở cả 3 cấp cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
80% người dân, doanh nghiệp (DN) khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.
Tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết TTHC. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết TTHC lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư tối thiểu đạt 85%.
Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục cắt giảm ít nhất 20% thời gian giải quyết đối với các TTHC mới ban hành khi công bố theo quy định. Tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến sẽ đạt từ 60% trở lên, trong đó 100% TTHC cung cấp mức độ 3, 4 của tỉnh được tích hợp với Cổng DVC quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 bình quân cả tỉnh đạt tối thiểu 80%.
Mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết TTHC phải đạt tối thiểu 95%, trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các TTHC lĩnh vực đất đai, đầu tư đạt tối thiểu 90%.
Thí điểm tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính
Để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tổng thể một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành chủ quản; Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho DN, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; kịp thời sơ kết, tổng kết và mở rộng dần những mô hình phù hợp, hiệu quả.
Vừa qua, Cà Mau đã ban hành quyết định triển khai thực hiện thí điểm tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với 19 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thành phố Cà Mau. Thời gian thực hiện thí điểm 01 năm.
Theo đó, cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện đối với 19 TTHC được công bố có thể lựa chọn, nộp hồ sơ tại bất kỳ bộ phận một cửa cấp huyện nào nếu thấy thuận lợi. Sau khi tiếp nhận, bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và chuyển về đơn vị có thẩm quyền giải quyết thông qua hệ thống một cửa điện tử.
Khi có kết quả giải quyết, bộ phận một cửa (nơi trực tiếp giải quyết hồ sơ) trả kết quả trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích cho tổ chức, cá nhân (tùy theo đăng ký của tổ chức, cá nhân).
Việc triển khai thực hiện thí điểm tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính nhằm đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC để người dân, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn; giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho người dân, DN trong thực hiện TTHC.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết kết quả CCHC hằng năm sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho tập thể, cá nhân.
Trong năm 2021, Cà Mau đã hoàn thành xây dựng nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động (ứng dụng CaMau-G) và đang triển khai ứng dụng. Để hiện đại hóa nền tảng hành chính và CCHC, trong năm 2022, Cà Mau sẽ tiến hành xây dựng Trung tâm điều hành dịch vụ đô thị thông minh (IOC)./.