Theo đó, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu triển khai hiệu quả mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại Đề án đã được phê duyệt; đồng thời chuẩn bị các giải pháp, hoạt động cho giai đoạn 2024-2026 để thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, đơn vị và tổ chức liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để thực hiện các nội dung cải cách của Đề án.
Tập trung hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của mô hình mới, trong đó rà soát các hệ thống công nghệ thông tin hiện có để xây dựng kế hoạch chi tiết về kinh phí và các tính năng cần nâng cấp, tận dụng tối đa để tránh đầu tư lãng phí. Đồng thời, nâng cao nguồn lực cho cơ quan hải quan bao gồm cả nhân lực và trang thiết bị, máy móc, quy trình, thủ tục đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Xây dựng các giải pháp để tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa khâu kiểm tra trước thông quan và khâu kiểm tra sau thông quan.
Bộ Tài chính sẽ theo dõi tình hình và đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg; định kỳ báo cáo hàng quý và kiến nghị Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh. Phối hợp chặt chẽ, kịp thời đối với các nhiệm vụ do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì triển khai thực hiện.
7 nội dung cải cách, đó là
Cải cách 1: Giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cải cách 2: Áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra.
Cải cách 3: Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cải cách 4: Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra.
Cải cách 5: Áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.
Cải cách 6: Bổ sung đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Cải cách 7: Ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới.
Theo mô hình mới, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện theo 03 phương thức: Kiểm tra chặt; kiểm tra thông thường; kiểm tra giảm.
Tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu".
Đề án nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đề án cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức; cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu;
Tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế. Tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).