Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. (Ảnh: Laodong.vn)
Sau khi có Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (tháng 10/2018); Ban Biên tập Báo Quân đội Nhân dân (QĐND) đã quyết định thành lập Tổ 35, bao gồm những cây bút chính luận trong tòa soạn, do Tổng Biên tập làm Tổ trưởng.
Tổ 35 của Báo QĐND có các nhiệm vụ chủ yếu: Họp định kỳ hằng tháng và đột xuất khi có tình huống nhằm đánh giá tình hình hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá cách mạng Việt Nam; các hiện tượng vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật của Đảng có dấu hiệu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ đó xây dựng các kế hoạch tổ chức tin bài, đấu tranh phản bác; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên hoặc nhóm trong khai thác thông tin, thực hiện viết bài phản bác.
Mỗi thành viên trong tổ là một "cây cầu nối" của tòa soạn đối với đội ngũ cộng tác viên là các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao; với các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thông tin, lý luận; với các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, công an trong lĩnh vực bảo vệ nền tảng tư tưởng; đồng thời là người tổ chức đội ngũ thông tin viên, cộng tác viên ở cơ sở để hình thành nên các tuyến, "hòa âm phối khí", "đồng thanh, cộng hưởng" với tòa soạn để tạo ra "thế trận nhân dân" trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.
Trong thực hiện tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng, Báo QĐND đã thu về một số kết quả nhất định, được bạn đọc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá tốt. Theo Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND, đó là kết quả đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản:
Một là: Phấn đấu không để xảy ra "khoảng trống" thông tin. Với sự quyết liệt, năng động, sáng tạo, Báo QĐND đã vào cuộc nhiều vấn đề nóng như: các vụ việc đã xảy ra ở Đồng Tâm, Yên Bái hay việc xử lý kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đối với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao… Báo QĐND đều có bài, loạt bài phân tích sâu kỹ, đúng đắn, đầy đủ, khách quan về các nội dung, vấn đề.
Hai là: Hệ thống bài, loạt bài đấu tranh phản bác đã tranh thủ được nguồn thông tin đáng tin cậy từ các nhà lãnh đạo, quản lý, thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền; tranh thủ trí tuệ của các chuyên gia và nhà khoa học; đưa cái nhìn toàn cảnh để có sức thuyết phục bạn đọc. Các chuyên mục như: Làm thất bại Chiến lược diễn biến hòa bình; Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã đa dạng về giọng điệu, có bản sắc riêng. Về mặt thể loại, bên cạnh việc giữ gìn và phát huy thế mạnh của thể tài chính luận, các chuyên mục đã mở sang các thể tài khác như phản ánh, phóng sự, phỏng vấn, ghi chép… qua đó mở ra một "mặt trật" rộng rãi hơn, có cả tiếng nói của người dân từ cơ sở. Nhờ đó, thu hút lượng bạn đọc đông đảo hơn.
Ba là: Chiến thuật đấu tranh tư tưởng linh hoạt, đa dạng, ứng biến nhanh hơn. Đặc biệt là thủ pháp "gậy ông đập lưng ông" đã được sử dụng nhuần nhuyễn. Thực chất của thủ pháp này là dùng chính những triết lý, thông tin của thế lực phản động, thù địch và lý lẽ, vấn đề của những người "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để phản bác các luận điệu của họ. Theo chia sẻ từ đại diện Báo QĐND, để làm được, đòi hỏi người viết phải nắm chắc tình hình, hiểu rõ các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch. Cùng với đó, Tòa soạn luôn cần sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền để có đủ dữ liệu thông tin, nắm rõ bản chất vấn đề khi phản bác. Đây là vấn đề khó, nhất là trong điều kiện nước ta chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; đối tượng và đối tác luôn đan xen.
Từ thực tế trên, với vai trò khi là Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Báo QĐND, nhà báo Nguyễn Hồng Hải nêu kiến nghị: Đảng, Nhà nước quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng bằng các chương trình, kế hoạch "đặt hàng" cụ thể với từng cơ quan báo chí để phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, có như vậy mới tạo được thế trận "đấu tranh nhân dân" trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
Đồng thời, tăng cường sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam với nhiệm vụ này, đặc biệt là trong cung cấp thông tin, định hướng kịp thời. Tăng cường sự chỉ đạo khi xảy ra các vấn đề nhạy cảm, các "điểm nóng".
Tiếp đó, có chính sách xây dựng các cây bút chủ lực ở từng cơ quan báo chí, tăng cường quản lý, rèn luyện năng lực và đạo đức các cây bút chủ lực đi đôi với chăm lo đời sống của đội ngũ cây bút nòng cốt trên mặt trận đấu tranh tư tưởng.