Kinh tế số

Cần trao quyền, cơ hội cho các tổ chức KH&CN ngoài công lập để phát triển kinh tế

NM 17/05/2025 20:25

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, hướng đến tăng trưởng kinh tế hai con số thì việc dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là hướng đi đúng đắn, phù hợp.

Để phát huy các giá trị, sớm đạt các mục tiêu trên thì việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhóm chính sách, nhất là cần tạo cơ chế phát huy vai trò của trí thức khoa học công nghệ (KHCN) trẻ là rất quan trọng.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 17/5, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (VAYSE) đã tổ chức Hội thảo khoa học Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 68-NQ/TW và khát vọng tăng trưởng hai con số: Vai trò của trí thức khoa học và công nghệ. Sự kiện thu hút đông đảo các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự.

Phát triển trên nền tảng, cơ sở KHCN, đổi mới sáng tạo

Theo PGS. TS. Lê Phước Minh, Chủ tịch Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, việc tăng trưởng cao, phát triển bền vững cần phải luôn đi đôi, song hành theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, không phát thải khí nhà kính. Do đó, để làm được điều này cần đẩy mạnh việc phát triển trên nền tảng, cơ sở KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST).

“Các quốc gia, trong đó có Việt Nam muốn phát triển cần phải vừa tập trung thúc đẩy cải thiện phúc lợi xã hội, môi trường, năng suất và vừa phải đảm bảo công bằng. Thực hiện được việc này sẽ đảm bảo được sự phát triển bền vững”, PGS. TS. Lê Phước Minh nêu quan điểm.

Cũng theo PGS. TS. Lê Phước Minh, để Việt Nam phát triển, tăng trưởng kinh tế đạt hai con số cần tập trung vào các lĩnh vực, vấn đề: Tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, phát triển các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; Đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục kỹ thuật và chính sách công nghiệp có chọn lọc; Cải cách thể chế; Đầu tư mạnh mẽ nguồn nhân lực và công nghệ… Đặc biệt, nhà nước đóng vai trò kiến tạo phát triển và quản lý nhà nước là để phục vụ DN chứ không phải để quản lý.

httt.jpg
PGS.TS. Lê Phước Minh phát biểu tại hội thảo

Hơn nữa, muốn đạt hiệu quả phát triển, tăng trưởng kinh tế đạt hai con số cần xác định đó là mục tiêu hay chính sách. Nếu là mục tiêu thì cần rõ ràng, gắn với cụ thể hoá theo giai đoạn 5 năm, 10 năm.

Cần coi việc quyết tâm thực hiện mục tiêu chính là khát vọng, ý chí. Nếu là chính sách cần gắn với việc đảm bảo triển khai khả thi. Đồng thời, chính sách cần được phải được thiết kế đồng bộ trên nền tảng thể chế mạnh, đủ năng lực điều hành và có hệ sinh thái đổi mới.

Chúng ta cần coi phát triển, tăng trưởng kinh tế đạt hai con số vừa là mục tiêu, đồng thời, vừa là chính sách. Bởi lẽ, mục tiêu là đích đến và chính sách là phương tiện để chúng ta đi đến đích”, PGS. TS. Lê Phước Minh nhấn mạnh.

PGS. TS. Lê Phước Minh còn đề cập việc tăng trưởng, phát triển cần lưu ý đến điều kiện cần và đủ để tăng trưởng hai con số. Theo đó, cần phải chuẩn bị và đáp ứng được các điều kiện.

Muốn đạt được những điều chúng ta muốn thì cần phải giải quyết tốt các vấn đề về kinh tế vĩ mô; có thể chế, chiến lược cụ thể, phù hợp, hiệu quả, minh bạch, phục vụ; có cơ cấu ngành cân đối, hợp lý; phải luôn tăng cường các điều kiện tiên quyết, có ưu tiên, chọn lọc…

Cần trao quyền và tạo cơ hội cho các tổ chức KH&CN ngoài công lập

Cũng tại hội thảo, TS. Chử Đức Hoàng, Phó Chủ tịch VAYSE cho rằng, để kinh tế Việt Nam tăng trưởng, phát triển đạt hai con số thì việc đẩy mạnh phát triển KHCN, ĐMST chính là yếu tố quan trọng, cần thiết, từ đó tạo ra đột phá chiến lược. Và để làm được điều này, việc triển khai, thực hiện tích cực Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành là đường lối đúng đắn.

TS. Chử Đức Hoàng cũng nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW rất quan trọng, đã nhấn mạnh đến việc phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số là yếu tố quyết định, là điều kiện tiên quyết, là thời cơ tốt nhất để Việt Nam có thể phát triển mạnh hơn và hùng cường. Đây chính là một một chủ trương, đường lối, “kim chỉ nam dẫn đường” để chúng ta thực hiện. Trong khi đó, Nghị quyết 68 -NQ/TW nhấn mạnh đến kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chúng ta thuận lợi khi có các văn bản chỉ đạo kịp thời và từ các yêu cầu, nội dung của văn bản, điều cần là sức mạnh quyết tâm, sự tích cực không ngừng để mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước đạt hai con số sớm thành hiện thực”, TS. Chử Đức Hoàng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch VAYSE, để đạt mục tiêu phát triển cao trên, những việc cần làm, cần đẩy mạnh chính là các cơ quan nhà nước, ban ngành có liên quan: Cần trao quyền và tạo cơ hội cho các tổ chức KHCN ngoài công lập, từ đó khuyến khích mạnh mẽ sự đầu tư vào những yếu tố phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường ưu đãi cụ thể về thuế, đất đai, vốn cho hoạt động KHCN; có cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực, tri thức người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực KHCN khi phát triển cần xác định rõ nhu cầu cụ thể, rõ ràng, tránh lý thuyết; phát triển, cập nhật công nghệ nhanh phải theo hướng nhanh, không phụ thuộc, không bị ảnh hưởng bởi thể chế hay những ràng buộc về văn bản pháp quy, quy định; cần đẩy mạnh việc kiến tạo và mở rộng một mạng lưới hợp tác đa chiều; tập trung cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu...

Cùng với đó, các tổ chức KHCN ngoài công lập cũng cần chủ động ĐMST, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch về tài chính và đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác. Trong khi đó, trường đại học, viện nghiên cứu KHCN cần cởi mở rộng hợp tác.

Cũng theo Phó Chủ tịch VAYSE, giờ đây kinh tế tư nhân phát triển hay các tổ chức KHCN ngoài công lập cũng đều có vai trò quan trọng, là thành phần không thể thiếu và giàu tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. "Khi chúng ta phát huy được sức mạnh hai nhân tố này, chúng ta có thể tạo ra một chỉ số KPI khoảng 55% đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam".

Thực hiện được việc này là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, điều có thể làm là cần sự quyết tâm cùng hành động và phải luôn nỗ lực tìm ra sức mạnh hành động. Theo đó, cần tận dụng, chuyển hoá các thách thức thành cơ hội phát triển và gắn các trách nhiệm với việc thực hiện nhiệm vụ vì các tiêu phát triển.

Trao đổi tại hội thảo, GS. TS. Vương Khả Cúc cho rằng, muốn phát triển kinh tế đạt hai con số, chúng ta cần thực hiện theo đúng yêu cầu của các văn bản chỉ đạo, nhất là các yêu cầu của hai Nghị quyết 57 và 68. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả nhanh, chúng ta phải tăng cường thêm giải pháp, phương pháp mở phù hợp, nhất là tăng cường sự liên kết giữa cá nhân, cộng đồng, cơ quan nhà nước…/.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần trao quyền, cơ hội cho các tổ chức KH&CN ngoài công lập để phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO