Cần xây dựng chính sách thương mại có tính tổng thể, tương hỗ và gắn kết

Giang Nam| 26/09/2022 11:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, người dân và doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy thương mại bao trùm; cần xây dựng chính sách thương mại có tính tổng thể, tương hỗ và gắn kết giữa thương mại xanh, thương mại số và thương mại bao trùm…

Gắn thương mại công bằng với bảo vệ môi trường

Tại Phiên thảo luận "Thúc đẩy thương mại bao trùm" thuộc Hội nghị về Tác động của phát triển bền vững (SDI) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức diễn ra ở thành phố New York, Hoa Kỳ nhân dịp Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 77, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, thông điệp thương mại quốc tế không chỉ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế thuần túy mà còn cần bảo đảm tính bền vững về môi trường và lợi ích bao trùm cho tất cả mọi người.

Cần xây dựng chính sách thương mại có tính tổng thể, tương hỗ và gắn kết - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất một số nội dung ưu tiên để thúc đẩy thương mại bao trùm thông qua hợp tác công-tư, trong đó nhấn mạnh người dân và doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy thương mại bao trùm; cần xây dựng chính sách thương mại có tính tổng thể, tương hỗ và gắn kết giữa thương mại xanh, thương mại số và thương mại bao trùm; và đặc biệt cần tiếp tục phát huy vai trò không thể thiếu của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, công bằng, minh bạch và bao trùm.

Từ góc nhìn của một nền kinh tế có độ mở hơn 200%, đã tham gia mạng lưới 15 FTA song phương và đa phương, bao gồm cả các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường, Phó Thủ tướng khẳng định bài học kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam đã rút ra là không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược xuất nhập khẩu đến năm 2030 với quan điểm: Phát triển xuất nhập khẩu phải dựa trên cơ sở hài hòa giữa các mục tiêu ngắn và dài hạn, giữa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả của người dân; gắn thương mại công bằng với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam là một bộ phận quan trọng của nền thương mại thế giới

Nhiều đại biểu tham dự phiên họp cũng chia sẻ các quan điểm phát triển của Việt Nam, đánh giá cao các đề xuất của Phó Thủ tướng Thường trực trong thúc đẩy thương mại bao trùm.

Ông Mirek Dusek, Giám đốc Điều hành của WEF, đánh giá Việt Nam là một bộ phận quan trọng của nền thương mại thế giới cũng như của chuỗi cung ứng toàn cầu; cho rằng Việt Nam không chỉ đạt những thành tựu to lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo mà còn đang có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, trở thành hình mẫu để nhiều nước tham khảo.

Bà Sanda Ojiambo, Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, bà Jane Nelson, Giám đốc Sáng kiến về Trách nhiệm doanh nghiệp thuộc Trường Quản lý nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard và đại diện một số doanh nghiệp kêu gọi các quốc gia tăng cường hơn nữa hợp tác liên Chính phủ, giữa Chính phủ với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thúc đẩy thương mại bền vững.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò đòn bẩy của các hiệp định FTA tiêu chuẩn cao, cũng như các sáng kiến về chuỗi cung ứng bền vững trong việc tạo việc làm và nâng cao năng suất lao động.

Việc Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Hội nghị Tác động của phát triển bền vững trong 2 năm liên tiếp cho thấy quyết tâm, nỗ lực đóng góp của Việt Nam vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc. Đây cũng là cơ hội để củng cố quan hệ hợp tác thực chất, hiệu quả với WEF, thu hút các nguồn lực quốc tế, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Chính phủ Việt Nam đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư

Cũng tại cuộc tọa đàm với Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC), Hội đồng Kinh doanh về sự hiểu biết quốc tế (BCIU), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận việc quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tốt đẹp. 

Dù trải qua tác động của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương 8 tháng đầu năm 2022 đạt gần 87 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á và lớn thứ 9 trên thế giới.

Cần xây dựng chính sách thương mại có tính tổng thể, tương hỗ và gắn kết - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tham dự tọa đàm. Ảnh VGP

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ, tăng cường mở rộng kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, tài chính ngân hàng, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển cùng các dự án năng lượng tái tạo phù hợp với tình hình và mục tiêu phát triển của Việt Nam, qua đó góp phần vào nỗ lực đạt được cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao sự nhiệt tình, năng động, ý kiến đóng góp thiết thực của các Hiệp hội, doanh nghiệp Hoa Kỳ và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư hài hòa, bền vững giữa hai nước.

Lãnh đạo USCC, BCIU, USABC và các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ trong việc kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế, ổn định các chỉ số vĩ mô, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm và mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ ấn tượng trước sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhận định Việt Nam là thị trường năng động, nhiều tiềm năng, một trong các điểm đến hấp dẫn ở khu vực Đông Nam Á cho những doanh nghiệp mong muốn ổn định và tái thiết lập chuỗi cung ứng.

Đồng thời, hoan nghênh các nỗ lực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam; cho rằng mục tiêu phát triển của Việt Nam là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới; nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn kết nối với các đối tác Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc hướng tới các mục tiêu giảm phát thải, phát triển bền vững.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần xây dựng chính sách thương mại có tính tổng thể, tương hỗ và gắn kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO