Cần xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ khi chuyển đổi số công tác dân tộc

Thu Hiền| 29/10/2021 15:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Các cơ sở dữ liệu (CSDL) là yếu tố rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là đối với công tác dân tộc. Bởi việc hoạch định, xây dựng chính sách phải dựa vào CSDL. Hiện quá trình xây dựng và triển khai CSDL chuyên ngành công tác dân tộc đang còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Ủy ban Dân tộc đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này. 

Những kinh nghiệm, lưu ý khi triển khai chuyển đổi số công tác dân tộc

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc (UBDT), đâu là những địa phương Top đầu cả nước về chuyển đổi số công tác dân tộc, thưa ông? Từ những địa phương này, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm nào để có thể chia sẻ, nhân rộng ra nhiều địa phương khác?

Ông Nguyễn Ngọc Hà: Công tác dân tộc liên quan đến nhiều tỉnh thành, do đó ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) liên quan rộng. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là đơn vị đầu mối và chỉ số ICT Index chính là một trong những chỉ số tiêu biểu.

Top đầu cả nước về chuyển đổi số công tác dân tộc cũng nằm trong việc ứng dụng CNTT của địa phương. Ví dụ, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Quảng Ninh đều ứng dụng CNTT rất tốt, do đó, CNTT về công tác dân tộc cũng tốt theo. Cụ thể, ngay từ 2015, Thừa Thiên Huế đã có các biểu đồ về dân số, kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) – nó nằm trong đề án ứng dụng CNTT chung của địa phương.

Tuy chưa có đánh giá ứng dụng CNTT về công tác dân tộc, nhưng theo Bộ chỉ số ứng dụng CNTT các địa phương thì cũng dễ thấy, tỉnh nào ứng dụng CNTT tốt thì công tác dân tộc cũng tốt theo.

Tuy nhiên, ở Lai Châu lại có sự khác biệt so với bức tranh ứng dụng CNTT nói chung, công tác dân tộc nói riêng. Tuy chỉ số ứng dụng CNTT của tỉnh này chưa ấn tượng, nhưng CSDL về công tác dân tộc của Lai Châu đang làm lại rất tốt.

Về lâu dài cần có chương trình và huy động được doanh nghiệp CNTT tham gia hỗ trợ đồng bào. Nếu doanh nghiệp CNTT không tham gia (sợ lỗ, không có chính sách hỗ trợ họ) thì rất khó nói đến chuyển đổi số tại các địa phương vốn gặp nhiều khó khăn nói chung, chuyển đổi số nói riêng.

Cần xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ khi CĐS công tác dân tộc - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Hà nêu những điểm đáng chú ý về kế hoạch chuyển đổi số trong công tác dân tộc năm 2021.

Nhìn theo hướng ngược lại thì đâu là những địa phương Top cuối? Nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì khiến họ đang ở cuối bảng xếp hạng?

Ông Nguyễn Ngọc Hà: Chúng tôi chưa xây dựng chỉ số đánh giá ứng dụng CNTT trong công tác dân tộc ở các tỉnh. Trên cơ sở Bộ chỉ số do Bộ TT&TT xây dựng thì thấy những tỉnh đứng ở Top cuối cũng nằm trong những tỉnh Top cuối về ứng dụng CNTT trong chỉ số ICT Index. Tuy nhiên, như đã nói ở trên cũng có những tỉnh như Lai Châu lại rất tốt, đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm hỗ trợ hoạch định chính sách…

Về cơ bản là ứng dụng CNTT còn rất hạn chế. Những khó khăn tồn tại đến giờ vẫn là những khó khăn chung.

Chúng tôi mong muốn phải có định hướng hoặc chương trình hỗ trợ huy động được doanh nghiệp CNTT lên những vùng này để đầu tư. Đầu tư ở đó rất khó có lãi. Phải thế nào? Nếu không thì không ai lên. Chính doanh nghiệp CNTT là nền tảng, lực lượng chính để phục vụ cho việc chuyển đổi số của các tỉnh nói chung cũng như chuyển đổi số công tác dân tộc nói riêng. Nếu chưa có chính sách thì cũng khó.

Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức

Xin ông cho biết những điểm đáng chú ý trong Kế hoạch chuyển đổi số công tác dân tộc năm 2021 là gì? Định hướng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác dân tộc đến năm 2025 và 2030 cần chú trọng những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Ngọc Hà: Kế hoạch ứng dụng CNTT của UBDT, trước tiên là Kế hoạch triển khai giai đoạn 2021-2025 được triển khai với đầy đủ các trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số…

Tuy nhiên, chuyển đổi số là cả quá trình, nhưng quá trình nhận thức phải nhanh và cần chuyển đổi trước tiên. Do vậy, đầu tiên UBDT đã xây dựng các phương án tuyên truyền, đào tạo cho cán bộ làm công tác hiểu chuyển đổi số là gì.

Kế đến là xây dựng hạ tầng CNTT cho chuyển đổi số. Trước hết là hạ tầng điện toán đám mây có vai trò quan trọng và thời gian tới UBDT sẽ có những bước đi cụ thể để xây dựng hạ tầng này.

Thứ 3 là đào tạo trực tuyến cho cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương lẫn Trung ương; sau đó là đào tạo CNTT cho cả đồng bào vùng được chọn.

Thứ 4 là hạ tầng CNTT ngành làm công tác dân tộc cũng sẽ được đẩy mạnh. Thực tế, việc triển khai ứng dụng CNTT vùng đồng bào không thể làm riêng lẻ, do đó UBDT cần sự chung tay đồng hành của nhiều Bộ, ngành, trong đó có Bộ TT&TT.

Thứ 5, UBDT đang xây dựng các điểm phục vụ truy cập/tiếp cận, ứng dụng CNTT vùng đồng bào dân tộc. Mục tiêu là 100% đồng bào được tiếp cận thông tin, với các điểm truy cập nằm ngay tại các xã khó khăn.

Thứ 6, UBDT sẽ tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền tổng thể ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cho cán bộ và đồng bào để hiểu hơn các khái niệm và lộ trình thực hiện.

Các CSDL là yếu tố rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số? Quá trình xây dựng và triển khai CSDL chuyên ngành công tác dân tộc đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì? Hướng tháo gỡ ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Hà: Chúng ta làm công nghệ thì biết CSDL rất quan trọng. Từ những dữ liệu nhỏ đến dữ liệu lớn. Trong công nghệ 4.0, Big Data thì ai cũng phải nói đến. Đối với công tác dân tộc, đây là điều rất quan trọng. Việc hoạch định, xây dựng chính sách phải dựa vào CSDL. Ví dụ giải quyết bài toán đất ở, phải dựa vào data: Mỗi người dân có đất ở, đất sản xuất không? Với hơn 14 triệu đồng bào, đây là bài toán rất lớn? Dữ liệu vô cùng quan trọng.

Khó khăn lớn nhất của việc xây dựng CSDL là không đồng bộ, mỗi tỉnh một khác, chưa có tổng thể chuẩn, phụ thuộc năng lực, đầu tư của mỗi tỉnh. Nếu không có bài toán tổng thể thì khó hoạch định chính sách toàn quốc.

Bài toán về dữ liệu lớn rất quan trọng. Một trong những khó khăn lớn nhất là sự phân tán, không đồng bộ, nôm na là chắp vá, không được cập nhật thường xuyên. Nếu giải quyết được bài toán này mới giải quyết được bài toán tổng thể chính sách cho đồng bào dân tộc.

Có CSDL rồi thì khai thác cũng là một vấn đề. Dữ liệu nhiều mà không có công nghệ thì nhiều khi người làm chính sách hoa mắt. Phải đòi hỏi có công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Không thể mò mẫm từng dữ liệu để làm mà phải có thuật toán, nghiên cứu khoa học bằng máy, thiết bị. Nếu không sẽ dễ sai lầm. Dữ liệu và công nghệ xử lý dữ liệu, đặc biệt là AI rất cần thiết.

Đội ngũ nhân lực, đặc biệt là các chuyên gia về chuyển đổi số đã và đang được hệ thống các cơ quan từ trung ương tới địa phương đầu tư xây dựng như thế nào để tạo được bứt phá cho tiến trình chuyển đổi số công tác dân tộc?

Ông Nguyễn Ngọc Hà: Con người là quan trọng. Con người khai thác, ứng dụng CNTT hạn chế thì sẽ rất khó khăn. Theo Quyết định 414 của Thủ tướng Chính phủ, việc đào tạo CNTT cho cán bộ làm công tác dân tộc sẽ phải thay đổi.

Thực tế, trình độ cán bộ cơ sở hạn chế nên việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của UBDT thời gian qua cũng bị hạn chế. Do đó, nâng cao năng lực CNTT của cán bộ làm công tác dân tộc là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 414 - ứng dụng CNTT hỗ trợ đồng bào DTTS đang được UBDT tích cực triển khai.

Là "người trong cuộc", ông có đề xuất, kiến nghị gì với Bộ TT&TT và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan để nâng cao hơn nữa hiệu quả chuyển đổi số công tác dân tộc trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Ngọc Hà: Đơn vị chủ trì vẫn là Bộ TT&TT. Tôi thấy Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là người đi nhiều, nói nhiều về chuyển đổi số; đến làm việc các đơn vị đều hỏi rõ các đơn vị có đặt hàng gì Bộ TT&TT không? Với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ TT&TT, sự hưởng ứng của các Bộ, ngành nói riêng, trong đó có UBDT, chắc chắn công cuộc chuyển đổi số sẽ có những thành quả rõ nét thời gian tới.

Có thể thấy, Bộ TT&TT nói chung, Bộ trưởng nói riêng như "con thoi" và rất tích cực tuyên truyền, khích lệ về chuyển đổi số, không chỉ những lĩnh vực như Y tế, Giáo dục, GTVT… UBDT cũng không nằm ngoài "guồng quay" ấy. Tôi tin chắc 5 năm tới, bộ mặt ứng dụng CNTT không chỉ của UBDT chắc chắn sẽ có những bước chuyển biến rõ nét khi có sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ TT&TT.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ khi chuyển đổi số công tác dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO