Cảng Sài Gòn chuyển đổi số toàn diện, hướng tới hệ sinh thái số “VIMC One System”
Chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực cảng biển, logistics, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)… sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo hiệu quả kinh tế, tăng trưởng ổn định.
Đó cũng là một mục tiêu trong việc thực hiện nhiệm vụ CĐS của Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn giai đoạn 5 năm (2022 - 2025), tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời, theo đúng chủ trương của chiến lược CĐS của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC).
Số hóa quy trình, thay đổi cách quản lý
Theo đó, để hướng đến mục tiêu quan trọng trọng này, thời gian qua, Cảng Sài Gòn đã tích cực áp dụng CNTT vào số hóa quy trình, thay đổi cách quản lý với nhiều công cụ hiện đại giúp nâng tầm quản lý doanh nghiệp (DN), điển hình như: Xây dựng giải pháp quản lý điều hành toàn diện; nhận diện thương hiệu; lưu trữ bảo mật dữ liệu an toàn cho các khách hàng, DN vận tải.
Cụ thể, trong tháng 10 vừa qua, Cảng Sài Gòn đã đồng bộ triển khai chính thức phần mềm VTOS ứng dụng công nghệ mới cho tất cả các tác nghiệp quản lý, vận hành và khai thác hàng container tại Cảng Tân Thuận (sau hơn 5 tháng thử nghiệm thay thế cho CATOS cũ đã triển khai từ năm 2006), đồng thời, triển khai phần mềm GTOS phục vụ việc quản lý khai thác hàng tổng hợp.
Cùng với đó, Cảng Sài Gòn cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện và triển khai giải pháp SGPTOS (bao gồm VTOS + GTOS +VSL) cho Cảng Hiệp Phước (khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội và khu cảng Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước) và Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu vào đầu quý I năm 2024. Giải pháp do Công ty TNHH tin học CEH đồng hành cùng Cảng Sài Gòn phát triển. CEH vừa vinh dự nhận “Giải thưởng CĐS cho bộ, ngành xuất sắc nhất” do Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT trao tặng.
Vì là đơn vị chủ động CĐS để phát triển, do đó, Cảng Sài Gòn cũng đã thành lập một hội đồng chuyên môn số có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá những ứng dụng số mới triển khai. Theo đó, khi cùng sử dụng giải pháp VSL (Viet Nam Smarthub Logistics - phần mềm đăng ký và thanh toán trực tuyến), hệ thống SGPTOS, thì cả hai cộng thêm sức mạnh một thể thống nhất, giúp hỗ trợ thiết lập kế hoạch chất xếp hàng hoá, tối ưu vị trí chất xếp và cung cấp các dịch vụ trực tuyến, dịch vụ quản lý kho, bãi.
Đặc biệt, giá trị tối ưu khác còn được nhanh chóng tạo ra như: Đăng ký dịch vụ trực tuyến; thanh toán trực tuyến; hoá đơn điện tử; thanh lý hải quan; tra cứu thông tin hàng hoá; tra cứu thông tin bãi; trao đổi dữ liệu EDI… Tất cả giúp đảm bảo giao dịch an toàn trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, Cảng Sài Gòn cũng đã phối hợp cùng các đơn vị doanh nghiệp công nghệ để sử dụng hệ thống phần mềm ứng dụng văn phòng Microsoft Office 365 (FPT Smart Cloud), đồng thời kết hợp bộ phận đào tạo FPT Smart Cloud xây dựng nền tảng kiến thức, chuyên môn trong áp dụng và vận hành các giải pháp Microsoft.
Hướng đến hình thành một hệ sinh thái số cảng biển
Ngoài việc tích cực, ưu tiên triển khai các công nghệ số mới, điều thuận lợi, sức mạnh dễ nhận thấy nữa từ đơn vị này còn là sự đam mê công nghệ và sự nhiệt huyết của các cấp lãnh đạo công ty, trong đó có Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm luôn quan sát sao, quan tâm, chỉ đạo đối với công tác này.
Cũng theo lãnh đạo của đơn vị này cho biết, mục tiêu CĐS Cảng Sài Gòn đã hoàn thành trong năm 2023, kết quả cốt lõi bao gồm tích hợp những ứng dụng khác hiện hữu như: SGPTOS (VTOS + GTOS + VSL), tài chính Kế toán (PL-FS), phần mềm quản trị nhân sự (HR), phần mềm văn phòng điện tử, phần mềm quản trị mối quan hệ khách hàng(CRM), E-port…
“Tất cả sự chủ động, hướng đến là để hình thành hệ thống quản trị nguồn lực Cảng Sài Gòn (ERP) vào quý I năm 2024 và hoàn thành mục tiêu kết nối hệ sinh thái số Cảng Sài Gòn với hệ sinh thái số VIMC hướng đến mục tiêu thống nhất theo mô hình One System vào cuối năm 2024”, ông Nguyễn Lê Chơn nhấn mạnh.
Không chỉ đưa ra mục tiêu ngắn hạn, trong tầm nhìn xa (từ năm 2025 đến hết năm 2030), đơn vị này còn kết nối hệ thống của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Cảng biển thành một hệ sinh thái số của Cảng Sài Gòn nhằm chuẩn hóa và tăng tốc trong việc trao đổi thông tin với khách hàng, cơ quan hải quan và cảng vụ,…
Như vậy có thể nói, việc áp dụng tích cực CNTT vào quản lý, điều hành, khai thác, số hóa quy trình, thay đổi cách quản lý bằng nhiều công cụ hiện đại như trên đã giúp nâng tầm quản lý của Cảng Sài Gòn. Cũng nhờ làm tốt điều này đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khai thác cũng như hiệu quả kinh tế của Cảng Sài Gòn và các khách hàng, đối tác, đồng thời nâng cao vị thế của Cảng Sài Gòn trong ngành cảng biển Việt Nam./.