Chuyển động ICT

CEO FUNiX: Các bạn gái học công nghệ rất xuất sắc, thông minh và… rất cuốn hút

Anh Minh 20/10/2023 05:56

Đem cơ hội tiếp cận, học tập công nghệ đến cho mọi người ở mọi vùng miền, “nữ tướng” FUNiX cho rằng công nghệ đang giúp cuộc sống trở nên an nhàn hơn, văn minh hơn, không có lý do gì lại không truyền cảm hứng cho giới trẻ yêu và học công nghệ. Đặc biệt, phụ nữ làm công nghệ không hề khô khan, trái lại, "rất cuốn hút".

Hẹn gặp chị Lê Minh Đức vào một buổi sáng mùa thu tháng 10 Hà Nội, “nữ tướng” FUNiX như có một nguồn năng lượng tích cực lan tỏa, khiến người đối diện bị cuốn hút vào phong thái và những nhận định của chị.

Gắn bó với FUNiX từ lâu, chị Lê Minh Đức đang đảm nhiệm vai trò Giám đốc FUNiX, góp phần mở rộng tầm ảnh hưởng của FUNiX, mang cơ hội học tập CNTT trực tuyến, cơ hội gia nhập ngành công nghệ thông tin (IT) cho hàng nghìn bạn trẻ trên khắp Việt Nam.

Trước đó, chị là một nữ tướng dày dạn kinh nghiệm, chuyên gia thiết lập hệ thống kinh doanh hầu hết sản phẩm, dịch vụ của FPT Telecom giai đoạn 2002 - 2012. Chị từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Trung tâm Phát triển Kinh doanh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Telesales, Giám đốc kinh doanh FPT Play Box, Trưởng ban tuyển sinh ĐH FPT (2013 - 2014).

Vốn định phỏng vấn chị nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 về chủ đề liên quan đến phụ nữ và công nghệ, những khó khăn, rào cản của phụ nữ khi học tập và lập nghiệp trong ngành công nghệ. Nhưng vừa bước vào và kịp chào hỏi, chị đã “phủ đầu” ngay một câu “xanh rờn”: “Chị không thích kỷ niệm ngày 20/10 đâu. Nó như thể phụ nữ là một cái gì yếu đuối và cần được ưu ái vậy…”.

anh-12(1).jpg
Câu chuyện với chị Lê Minh Đức cứ thế tự nhiên tuôn chảy, đến mức đảo lộn hết cả phần câu hỏi tôi chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.

Cứ thế, cuộc phỏng vấn đã diễn ra từ lúc nào, tôi còn chưa kịp nói xin phép ghi âm đã phải vội vàng bấm máy vì sợ bị bỏ lỡ mất một phần nào đó cho bài viết. Trong chiếc áo màu cam truyền thống của FUNiX, nụ cười tỏa nắng luôn thường trực trên môi, câu chuyện với chị cứ tự nhiên, tự nhiên tuôn chảy như thế, đến mức đảo lộn hết cả phần câu hỏi chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn của tôi.

Phụ nữ Việt Nam rất sướng…

So với các nước châu Á, Việt Nam là quốc gia "rất tốt" về mặt bình đẳng giới. Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, thậm chí cả những đối tác phương Tây, họ hầu như rất ngạc nhiên trước sự bình đẳng giới ở Việt Nam, trước sự mạnh mẽ của phụ nữ Việt Nam. Bày tỏ về vấn đề bình đẳng giới, “nữ tướng” FUNiX cho rằng “chị em phụ nữ Việt Nam sướng đấy…”.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận trong công việc, nam giới có thể dành toàn tâm toàn ý, nhiều thời gian hơn, trong khi phụ nữ vẫn còn nhiều vướng bận công việc gia đình, chăm sóc con cái. Và chính bởi vậy, sự nghiệp nam giới nhiều khi vẫn thuận lợi hơn. Tuy vậy, điều này đúng với mọi ngành nghề, chứ không chỉ riêng về công nghệ. Còn xét về năng lực của cả hai giới trong mảng công nghệ, chị Đức cho rằng rất khó để có một kết luận chính xác, nhưng có thể nói là “không khác biệt".

Khởi nghiệp và bén duyên với FPT từ việc đi bán dạo thẻ Internet

Chị Lê Minh Đức cho biết niềm đam mê công nghệ đến với chị lúc nào không hay. Thích môn toán và cũng học giỏi toán, nhưng khi còn nhỏ chị đã tự nhận mình “rất nghịch” và thích mày mò, chế tạo đủ thứ. Ngoài ra, chị cũng chịu ảnh hưởng từ người mẹ là kỹ sư vô tuyến điện. “Phải chăng đó cũng là một sự manh nha về niềm đam mê công nghệ?”, chị cho biết.

Những năm đại học (ĐH), chị Đức vừa học vừa làm thêm vì xác định muốn cạnh tranh trong cuộc đời phải có kinh nghiệm làm việc. Cột mốc quan trọng với chị rơi vào khoảng thời gian học năm thứ 3 ĐH Ngoại thương, khi chị bắt đầu tiếp cận với Internet. “Chị cảm thấy Internet là một cái gì đó rất "amazing" (kỳ diệu, tuyệt vời - PV). Chị đã dùng Internet rất nhiều để có thể tìm tòi, tham gia vào thế giới Internet đầy cuốn hút đó".

Thời kỳ những năm 2000 tại Việt Nam vẫn đang là thời Internet dial-up, chi phí nhìn chung khá đắt đỏ. Người dùng Internet ngày đó phải trả 2 lần tiền, tiền Internet và tiền điện thoại. “Mỗi lần truy cập mạng, người dùng thường phải tắt modem ngay để tiết kiệm tiền. Mỗi lần vào mạng là vội vàng bấm, tải vài chục trang tài liệu, xong rồi lại tắt Internet và ngồi đọc”, chị Đức kể lại.

Lúc đó, FPT ra một loại thẻ dùng Internet trả trước để dùng Internet với mức phí rẻ hơn. Từ nhu cầu sử dụng của mình, chị Đức tìm hiểu về thẻ này và được biết trở thành đại lý sẽ được chiết khấu. Chị quyết định vay tiền của bố để nhập thẻ về bán lẻ. Đi đâu gặp ai chị cũng hỏi về việc dùng Internet của họ, và giới thiệu về thẻ Internet của FPT. Dần dần, chị trở thành cộng tác viên của FPT và cứ thế "bén duyên", chị trở thành người của FPT, hòa nhập vào môi trường làm việc công nghệ, trở thành một nhân lực của ngành công nghệ.

Chị cảm thấy rất hạnh phúc vì bản thân cũng là một trong những người có những đóng góp đầu tiên để có mạng Internet rộng khắp cả nước và chi phí rẻ như hiện nay. Khi đưa được một lượng lớn thẻ Internet ra thị trường, nó cũng tạo ra một cuộc chiến về giá, tất cả các đối tác, các công ty cung cấp dịch vụ Internet khác cũng phải thay đổi, ra những chiến lược giá mới để cạnh tranh và người dùng là những người hưởng lợi nhiều nhất”, chị Lê Minh Đức nói.

anh-11.jpg
“Chị cảm thấy rất hạnh phúc vì bản thân cũng là một trong những người có những đóng góp đầu tiên để có mạng Internet rộng khắp cả nước và chi phí rẻ như hiện nay".

Sử dụng Internet rất nhiều khi còn là sinh viên vì nhận thấy mạng Internet mang đến những điều “kỳ diệu, tuyệt vời”, điều này, có lẽ cũng đã dẫn đường mở lối để chị đến với những khóa học trực tuyến của FUNiX, và trở thành Giám đốc FUNiX - hệ sinh thái học trực tuyến CNTT.

Với việc mở rộng “đầu vào”, cho phép bất cứ ai, bao gồm cả người non-IT, sinh viên trái ngành, các bạn học sinh THPT… cũng có thể theo học CNTT, FUNiX mang đến một cách tiếp cận hoàn toàn mới với CNTT cho người học. Đó là cơ hội việc làm, là cầu nối giúp họ thay đổi cuộc sống. Mới đây, FUNiX cũng đã ký kết hợp tác với nền tảng đào tạo trực tuyến hàng đầu thế giới Udemy, mang đến đa dạng các khóa học tốt nhất cho người dùng.

Nếu không biết ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, công việc thì sẽ rất thiệt thòi

Không thống kê cụ thể, nhưng chị Đức cho biết tỷ lệ học viên ở FUNiX đang rơi vào khoảng hơn 70% học viên nam và hơn 20% nữ. Dù tỉ lệ nam giới học công nghệ tại FUNiX vẫn nhiều hơn, nhưng các bạn gái học ở FUNiX rất giỏi, rất xuất sắc. Điều đó cho thấy vấn đề không phải là năng lực, không phải cứ nam giới thì học và làm trong mảng công nghệ sẽ giỏi hơn phụ nữ.

Chị Lê Minh Đức cho biết, hiện nay, chị cùng với các cộng sự đang "đốt" rất nhiều tâm sức, năng lượng vào các khóa học công nghệ dành cho trẻ em. Đây là những khóa học cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản về ngành CNTT và khoa học máy tính cho học sinh, phù hợp với các bạn lớp 6 đến lớp 9, giúp các em hiểu được thế nào là lập trình, thế nào là máy tính phục vụ con người.

Chị cho biết, hiện nay, nhiều em học sinh lớp 11, 12 khi chọn ngành nghề vẫn khá mơ hồ, chưa hiểu rõ bản thân muốn gì, chọn trường theo "năng lực về điểm số" để chắc chắn một "suất đỗ đại học" hơn là theo sở thích, nguyện vọng và năng lực.

anh-13.jpg
Chị Lê Minh Đức cho biết, hiện nay, chị cùng với các cộng sự đang "đốt" rất nhiều tâm sức, năng lượng vào các khóa học công nghệ dành cho trẻ em.

Với khóa học dành cho trẻ em ở FUNiX, khóa học như một sự truyền cảm hứng cho các bạn. Nhiều bạn đến với khóa học lập tức như "bắt được sóng", tự nhiên yêu, rồi say mê và tìm hiểu, học hỏi về CNTT.

Các em thích CNTT sẽ hiểu rõ luôn là các em thích gì, và theo đuổi sở thích, thiên hướng của mình. Còn những em không đam mê CNTT thì khóa học đó như một cách bổ sung kiến thức căn bản cho một công dân 4.0. Theo chị Đức, đó là cơ hội để hiểu về công nghệ, để sau này các em dù học bất cứ ngành nào cũng sẽ có xu hướng "kéo" công nghệ vào, hay nói chính xác hơn là tận dụng công nghệ. Bởi vì công nghệ đang giúp ích cuộc sống rất nhiều, nếu không biết ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, công việc thì sẽ rất thiệt thòi.

Công nghệ giúp ích cho cuộc sống của chúng ta, trở nên an nhàn hơn, văn minh hơn, vậy thì không có lý do gì mình lại không tạo cảm hứng, không truyền cảm hứng cho giới trẻ yêu và học công nghệ”, chị Đức nói.

Đặc biệt, các khóa học về công nghệ dành cho trẻ em ở FUNiX hiện nay, tỷ lệ học sinh nam và nữ đã tương đương nhau, không còn sự chênh lệch về mặt giới tính.

Phụ nữ làm công nghệ không hề có rào cản nào, ngược lại, rất thông minh, cuốn hút

Từ những trải nghiệm thực tế và từ quan sát các bạn học viên của FUNiX, chị Đức nhận định: “Các bạn gái làm về công nghệ rất thông minh, nhanh nhạy. Mà những bạn gái thông minh luôn biết cách làm cho mình đáng yêu, lôi cuốn và hấp dẫn. Phụ nữ làm về công nghệ không hề khô khan, trái lại, rất cuốn hút".

Để “chốt” lại cho việc phụ nữ học và làm về công nghệ có khó khăn, thách thức gì không, chị Lê Minh Đức khẳng định “không có một rào cản nào”.

Chẳng có lý do gì mà con gái không thể học công nghệ. Nếu các bạn nữ cảm thấy công nghệ rất hay, và thấy các bạn nam học công nghệ có nhiều lợi thế, đúng sở thích, có mức lương cao, thì các bạn nữ hãy nghĩ rằng mình chẳng có lý do gì mà không như thế. Mình cũng có thể học và làm về công nghệ. Chỉ đơn giản thế thôi”.

Thực ra, đó cũng là một quyền được sống, được làm theo sở thích, mong muốn của con người và khi phụ nữ sống cho bản thân, tốt đẹp, thoải mái và hạnh phúc, khỏe mạnh, thì nói một cách to tát, thế giới sẽ tốt đẹp hơn”, chị Lê Minh Đức cười và nói.

Công nghệ giúp ích cho cuộc sống của chúng ta trở nên an nhàn hơn, văn minh hơn, vậy thì không có lý do gì mình lại không tạo cảm hứng, không truyền cảm hứng cho giới trẻ yêu và học công nghệ.

Chị Lê Minh Đức, Giám đốc FUNiX

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
CEO FUNiX: Các bạn gái học công nghệ rất xuất sắc, thông minh và… rất cuốn hút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO