Truyền thông

Phát triển tòa soạn số để phát huy nguồn lực, bài bản và hiệu quả hơn

Minh Trang 19/10/2023 08:48

Kiến thức văn hóa, công nghệ, kỹ năng tác nghiệp, sức khỏe, quan trọng nhất là tình yêu, niềm đam mê thì sẽ thành công với nghề.

Nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng biên tập kiêm Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Nhà báo và Công luận (NB&CL) - Một nữ nhà báo, nữ lãnh đạo cơ quan báo chí tiêu biểu, chia sẻ. Nhà báo Trần Lan Anh nhiều năm đạt giải báo chí quốc gia cũng khẳng định không chỉ nghề báo mà nữ giới từ lâu đã vươn lên làm lãnh đạo ở nhiều ngành, nghề.

PV: Thưa bà, là một cây viết nhiều năm gắn bó với Báo NB&CL, bà có thể chia sẻ về chặng đường xây dựng, hình thành và phát triển thành mô hình tòa soạn hội tụ theo hướng chuyên nghiệp như NB&CL ngày nay?

Nhà báo Trần Lan Anh: Báo NB&CL - cơ quan ngôn luận của Hội Nhà báo Việt Nam - dù không phải là tờ báo có tiềm lực mạnh, tuy nhiên, chúng tôi sớm hiểu rằng chuyển đổi số (CĐS) là xu thế không thể cưỡng cầu của báo chí hiện đại và trong điều kiện còn nhiều hạn chế về tiềm lực, chúng tôi chọn cho mình giải pháp “liệu cơm gắp mắm”, “vừa học, vừa làm”, “tự đào tạo”, CĐS từng bước, phù hợp với khả năng tài chính, khả năng nắm bắt về công nghệ của nhân sự tại tòa soạn.

z4776057374225_0483ba7c78c66cb14c80f0bb3d4e0d78.jpg
Nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng Biên tập kiêm Tổng Thư ký Tòa soạn Báo NB&CL

Chính từ giải pháp đó, từ năm 2017, chúng tôi bắt đầu thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ - đây cũng có thể được xem là những bước đi đầu tiên trong quá trình CĐS của Tòa soạn.

Theo mô hình này, các phòng, ban đều được điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp. Trong đó, quan trọng nhất là hai bộ phận làm báo in và báo điện tử, xưa kia vốn tách biệt, được thống nhất, hội tụ, cả về mặt nhân sự, điều hành lẫn không gian hoạt động.

Điều này không chỉ giúp tinh gọn, tối ưu hóa nguồn lực giảm được chi phí vận hành, từ đó có điều kiện tăng cường trang bị phương tiện tác nghiệp hiện đại cho phóng viên, nâng cao chất lượng thông tin mà còn tạo dựng được bầu không khí tác nghiệp thân thiết, giàu hứng khởi.

Tòa soạn hội tụ của NB&CL gắn với vị trí trung tâm - bộ não của tòa soạn chính là Phó Tổng Biên tập kiêm Tổng Thư ký tòa soạn, vậy bà có thể chia sẻ về những trăn trở, nỗ lực đóng góp cho mô hình tòa soạn này?

Nhà báo Trần Lan Anh: Công nghệ phát triển tạo ra những thay đổi sâu rộng trên nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội khắp thế giới. Báo chí cũng không nằm ngoài vòng xoáy mãnh liệt này, với vô số những đổi thay, thậm chí có những thời điểm sự thay đổi diễn ra ở tốc độ chóng mặt mà nhiều người khi đã đi qua ngoái lại nhìn vẫn chưa hết sững sờ. Và tất nhiên, vòng xoáy tác động này chưa hề dừng lại.

Kỷ nguyên số 4.0 đã và đang tạo áp lực để mỗi nhà báo, mỗi cơ quan và loại hình báo chí phải khách quan, thẳng thắn nhìn nhận lại chính mình. Phải thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí.

Như đã nói ở trên, việc áp dụng mô hình tòa soạn hội tụ như một giải pháp “liệu cơm gắp mắm” của chúng tôi chỉ mang hiệu quả tức thời. Mô hình này có ưu điểm là đáp ứng được yêu cầu sản xuất đa phương tiện, đặc biệt là loại hình báo điện tử nhưng đồng thời cũng làm cho khối lượng công việc tăng lên trong khi bộ máy nhân sự không thể nở nồi tương ứng vì sẽ làm tăng chi phí. Mọi người trong tòa soạn cảm thấy áp lực tăng lên, bị cuốn theo dòng thời sự quá nhanh, quá nhiều.

Để đảm bảo năng suất mà không gia tăng áp lực, giải pháp khả thi nhất là tòa soạn phải ứng dụng tối đa công nghệ đi cùng với tối ưu hóa bộ máy, thay đổi quy trình vận hành, xuất bản các sản phẩm. Nghĩa là tòa soạn phải CĐS sao cho phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của các cơ quan báo chí. Khi đó, tòa soạn hội tụ phát triển thành tòa soạn số để bảo đảm phát huy được nguồn lực sẵn có nhưng được thiết kế lại bài bản, hiệu quả hơn.

Tòa soạn truyền thống chỉ có một loại hình báo chí, ít tương tác với bạn đọc. Tòa soạn hội tụ có nhiều loại hình báo chí, tương tác với bạn đọc nhanh hơn. Thế nhưng ở tòa soạn số, sẽ có nhiều loại hình báo chí trên đa nền tảng, mạng xã hội. Các tòa soạn số có khả năng tương tác nhiều chiều, trên nhiều nền tảng với độc giả của mình. Đây là cái đích mà chúng tôi luôn trăn trở và mong muốn hướng tới trong bước phát triển tiếp theo. Tuy nhiên, một con tàu muốn ra được khơi xa phải có tàu máy mạnh… để đi sâu hơn, xa hơn, mà trong bối cảnh kinh tế báo chí khó khăn như hiện nay, cũng là hết sức nan giải.

Những năm gần đây NB&CL không chỉ thực hiện nhiệm vụ của tờ báo độc lập mà còn mang trong mình sứ mệnh, thực hiện những giải pháp, vấn đề phạm vi lớn hơn của Hội Nhà báo Việt Nam giao phó, Phó Tổng Biên tập có thể chia sẻ về những phương hướng, nhiệm vụ lớn NB&CL sẽ thực hiện trong thời gian tới đây, gắn với nhiệm vụ chính trị của Hội Nhà báo Việt Nam?

Nhà báo Trần Lan Anh: Những năm qua, phát huy chức năng là Diễn đàn của giới báo chí, báo NB&CL luôn chú trọng thông tin hai chiều giữa báo chí với các tầng lớp bạn đọc; cổ vũ động viên các cơ quan báo chí và các nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà báo; xây dựng đạo đức nghề nghiệp - nâng cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của các nhà báo, đồng thời kiên quyết đấu tranh phê phán các biểu hiện tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Cùng với sự khởi sắc trong hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, báo NB&CL cũng được lãnh đạo Hội tin tưởng, giao nhiệm vụ thực hiện nhiều chương trình, chuyên đề phản ánh những vấn đề mà những người làm báo Việt Nam quan tâm.

Diễn đàn Tổng biên tập với những chủ đề sát sườn với các tòa soạn, với những người làm báo của chúng tôi đã đi qua 5 mùa mà gần đây nhất Diễn đàn “Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” tổ chức tại Quảng Ninh đã thu hút được nhiều ý kiến tâm huyết từ chính các Tổng biên tập, các cơ qan quản lý báo chí. Chính từ những Diễn đàn như thế này, Hội Nhà báo Việt Nam có những căn cứ để kiến nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành, góp phần thúc đẩy để có được những điều kiện thuận lợi cho hoạt động của báo chí.

z4776057372426_b92971e82d0e70ba0a41b4e14f3451a8.jpg

Làm báo chuyên nghiệp thì giải báo chí quốc gia cũng như các giải báo chí uy tín khác là điều mà rất nhiều nhà báo mơ ước và nỗ lực hướng tới, bà có thể chia sẻ về những kỷ niệm về các giải báo chí mà bà không ít lần được vinh danh?

Nhà báo Trần Lan Anh: Có thể nói, đó như một duyên nghề và tôi là người may mắn. Gần như mỗi năm, tôi đều có giải báo chí quốc gia. Khi mới vào nghề, giải thưởng như một sự ghi nhận cho những nỗ lực tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Khi đã có nhiều năm làm báo, giải thưởng như một sự động viên, khích lệ mình tiếp tục dấn thân, tiếp tục cống hiến, để những bài viết của mình thật sự có ích cho xã hội. Và bây giờ, giải thưởng là niềm vui của sự dìu dắt, niềm vui khi nhìn thấy những phóng viên của mình từng ngày, từng ngày trưởng thành, đam mê và khát khao cống hiến.

Làm báo là nghề vất vả, khó khăn, thậm chí còn nguy hiểm đòi hỏi tinh thần dũng cảm, dấn thân và đặc biệt là cần bản lĩnh nghề nghiệp... Trong bối cảnh thời đại số như hiện nay, lại càng đòi hỏi những kỹ năng mới của nhà báo, bà có thể chia sẻ gì về điều này, nhất là đối với các nhà báo nữ?

Nhà báo Trần Lan Anh: Đã làm báo là có áp lực. Làm báo trong thời điểm này càng áp lực hơn. Vì vậy, người quản lý nói chung đều phải thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí. Chúng tôi đã từng nhanh, bây giờ phải nhanh hơn nữa. Đã từng quyết đoán, bay giờ phải quyết đoán hơn nữa. Và cái gì chưa biết thì phải học, thậm chí tham khảo cả phóng viên của mình để không bỡ ngỡ với công nghệ làm báo đang thay đổi từng ngày, làm chủ các phương tiện kỹ thuật để có những sản phẩm báo mang tính hiện đại hơn.

Từ lâu, tôi đã không đặt nặng yếu tố giới tính trong công việc. Nữ giới từ lâu đã vươn lên làm lãnh đạo ở nhiều ngành, nghề, đâu chỉ ở nghề báo. Tỉ lệ ít không có nghĩa là bất lợi. Còn để gắn bó với nghề, thì ai cũng phải tự trang bị cho mình những yếu tố tối thiểu để làm hành trang mà tồn tại với nghề. Kiến thức văn hóa và công nghệ, kỹ năng tác nghiệp và sức khỏe. Quan trọng nhất là tình yêu, niềm đam mê với các nghề mình chọn, vì nghề báo, không chỉ đơn thuần là nơi bạn kiếm sống, nó còn mang thêm sứ mệnh phản ánh, định hướng dư luận. Nếu không yêu, bạn sẽ không bao giờ dám dân thân đến cùng vì nó.

Xin cảm ơn nhà báo Trần Lan Anh!

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Phát triển tòa soạn số để phát huy nguồn lực, bài bản và hiệu quả hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO