Truyền thông

Nâng cao vị thế phụ nữ Thủ đô trong thời đại 4.0

Đỗ Thêu 17:48 07/09/2023

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhiều năm qua, phụ nữ Hà Nội luôn khẳng định được vai trò và vị thế của mình trên mọi lĩnh vực, chứng minh khả năng, sự đóng góp quan trọng của lực lượng chiếm hơn một nửa dân số Thủ đô.

49.2.jpg
Phụ nữ Thủ đô ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trên mọi lĩnh vực của đời sống.

Những kết quả đáng ghi nhận

Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phùng Văn Dũng cho biết, phụ nữ chiếm khoảng 50,4% cơ cấu dân số Thủ đô và chiếm 42,8% tổng số đảng viên Đảng bộ thành phố.

Trong 10 năm qua, được sự quan tâm sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, phụ nữ Thủ đô ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế.

Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách liên quan đến phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới. UBND thành phố, quận, huyện, thị xã đã phê duyệt triển khai 42 đề án, kế hoạch hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện về sức khỏe, phẩm chất đạo đức, nâng cao quyền năng kinh tế, phòng ngừa bạo lực và xâm hại phụ nữ... HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng đặc thù thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tiếp tục được triển khai hiệu quả, tập trung thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp. Trong đó, 1.870 khóa đào tạo đã được tổ chức, hơn 154.000 hộ gia đình phụ nữ đã được hỗ trợ vay tổng số 7.915 tỷ đồng. Các cấp hội đã giúp 6.050 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo, 15.122 hộ cận nghèo nâng cao mức sống.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ nữ của Thủ đô đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ 3 cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng so với nhiệm kỳ trước, trong đó, cấp thành phố đạt 19,7% (tăng 7,7%), 25% Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là 24,13%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng tăng so với nhiệm kỳ trước từ 2,4% - 11,2%.

Tạo cơ chế để phát triển công tác phụ nữ

anh-49.1.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, phát triển công tác phụ nữ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, công tác phụ nữ tại Hà Nội luôn được đặt trong tổng thể công tác chính trị của thành phố, lồng ghép vào các chương trình, nghị quyết, cơ chế chính sách trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn các hạn chế, bất cập như: Chính sách đặc thù cho phụ nữ Thủ đô chưa có nhiều. Ngoài ra, khoảng cách về đời sống, việc làm, cơ hội phát triển và hưởng thụ giữa phụ nữ khu vực trung tâm và xa trung tâm còn lớn, việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ nữ chưa đồng đều giữa các cấp và giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương...

Chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành uỷ đề nghị, các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc những văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố; Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quan tâm, chăm lo thiết thực đối với công tác phụ nữ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, gia tăng chỉ số hạnh phúc cho phụ nữ;

Giao Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy rà soát đối với quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ để tham mưu với Thành ủy có chỉ đạo trong cả hệ thống chính trị thành phố, bảo đảm chỉ tiêu quy hoạch theo quy định.

Hội Liên hiệp phụ nữ tiếp tục tăng cường các hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn nữa quan tâm chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng đặc thù như công nhân nữ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, lực lượng công an để bảo vệ trẻ em gái...

Ngoài ra, rà soát lại các cơ chế chính sách đối với riêng phụ nữ TP Hà Nội. Bởi Hà Nội hiện nay có điều kiện kinh tế - xã hội, nhận thức được nâng lên thì cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với các đối tượng, điều kiện.

Đồng thời, Phó Bí thư Thành ủy khẳng định, 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt bình quân khoảng 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng 3,45 lần trong vòng 15 năm kể từ khi Hà Nội hợp nhất. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn luôn được bảo đảm. 100% xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Số hộ nghèo theo chuẩn của thành phố nay chỉ còn 0,095%, cụ thể là còn 2.134 hộ. 16 quận, huyện không còn hộ nghèo, 3 quận, huyện không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Những kết quả trên có sự đóng góp rất lớn từ phụ nữ./.

Bài liên quan
  • Hà Nội tập trung phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
    Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (2021-2025), Hà Nội đã xác định lồng ghép nguồn lực triển khai để tạo sức mạnh tổng hợp cả về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và kinh phí thực hiện.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vị thế phụ nữ Thủ đô trong thời đại 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO