Truyền thông

Chặn hàng trăm trang web tổ chức livestream, link vi phạm bản quyền truyền hình

Bình Minh 09:13 07/09/2023

Quyết liệt xử lý các vi phạm trên mạng xã hội (MXH) và bản quyền truyền hình là hai trong số nhiều vấn đề được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT tập trung triển khai trong thời gian tới.

Siết chặt quản lý sử dụng dịch vụ livestream trên mạng xã hội (MXH)

Một trong những điểm mới đáng chú ý từ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được Bộ TT&TT đưa ra lấy ý kiến đó là: Doanh nghiệp (DN) có thể từ chối hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet… đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để livestream, đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

ong-le-quang-tu-do_cuc-ptth-phat-bieu-1-.jpg
Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do thông tin về các nội dung liên quan đến lĩnh vực PTTH&TTĐT tại họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT tháng 9/2023

Theo Cục PTTH&TTĐT, việc dừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet chưa phải là giải pháp triệt để bởi đối tượng vi phạm có thể dùng các tài khoản khác nhau. Song, đây là giải pháp xử lý bổ sung khẩn cấp để xử lý kịp thời ngay lập tức cho các tình huống, các sai phạm được phát hiện trên môi trường mạng.

Cũng theo dự thảo Nghị định mới, các DN cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, DN cung cấp dịch vụ lưu trữ web, dịch vụ trung tâm dữ liệu và các DN khác có trách nhiệm: thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ TT&TT.

Đồng thời, các DN phải từ chối cung cấp hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, các dịch vụ khác đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ để đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên mạng.

Nói về vấn đề sử dụng MXH để vi phạm pháp luật, theo Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do, giải pháp xác thực tài khoản MXH để chống lại lửa đảo, chống lại nhận thức của một bộ phận người dùng MXH về không gian mạng là không gian ảo nên có lên trên mạng để làm bất cứ điều gì, nói bất cứ điều gì mà không sợ những điều chỉnh của quy định pháp luật. Do vậy, việc xác thực tài khoản MXH cũng là công cụ rất quan trọng để quản lý.

Quyết liệt trong “cuộc chiến” với vi phạm bản quyền truyền hình

Được nhiều ý kiến dư luận quan tâm, Cục trưởng PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do nêu vấn đề về vi phạm bản quyền truyền hình trong thời gian gần đây, nhất là bản quyền truyền hình tường thuật trực tiếp các giải thể thao, bóng đá lớn được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, trong đó có giải ngoại hạng Anh.

Cục PTTH&TTĐT đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để tiến hành các giải pháp để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm bản quyền.

Theo đánh giá của K+ đơn vị khai thác bản quyền giải ngoại hạng Anh tại Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước bảo vệ bản quyền giải ngoại hạng Anh tốt nhất. Trong đó, có sự vào cuộc rất quyết liệt từ Cục PTTH&TTĐT và Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ TT&TT, đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền.

“Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng khi các cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn các trang web lậu vi phạm bản quyền thì các trang web lậu, kênh lậu này chuyển đổi IP rất nhanh (từ 5 - 10 phút), cho nên đây là “cuộc chiến” vô cùng cam go", Cục trưởng Lê Quang Tự Do nhận định.

Cụ thể, trong 4 vòng đấu đầu tiên của giải bóng đá ngoại hạng Anh mùa này có 239 trang web đã tổ chức livestream các trận đấu, có 3213 đường link miễn phí xem 39 trận đấu. Chủ yếu họ khai thác trái phép từ các DN được cung cấp chính thống bản quyền của giải đấu.

Trong số này, web vi phạm bản quyền nghiêm trọng nhất là xoilac với 20 tên miền khác nhau. Trận cầu "đinh" giữa Chelsea và Liverpool vừa qua, có tới 140.000 lượt xem. "Cục PTTH&TTĐT đã phối hợp với cơ quan Công an và cơ quan liên quan để phối hợp xử lý. Với quan điểm không thể xử lý mức hành chính được mà phải xử lý ở mức độ cao hơn”, Cục trưởng Lê Quang Tự Do nêu rõ.

Theo thống kê, thì tính đến thời điểm này của năm 2023, Cục PTTH&TTĐT và Cục ATTT đã đã phối hợp xử lý ngăn chặn 162 trang web vi phạm (bản quyền), và chặn rất nhiều trang web thay đổi tên miền.

Thực tế, Cục PTTH&TTĐT cũng vừa tổ chức hội thảo cung cấp nội dung bản quyền truyền hình, K+ và một số đơn vị cung cấp nội dung bản quyền truyền hình khác cũng như các DN viễn thông đã đóng góp ý kiến để tìm các giải pháp mới về công nghệ.

Hy vọng thời gian tới, sẽ giải quyết được bài toán về xử lý vi phạm bản quyền truyền hình một cách hiệu quả hơn. Để làm được điều này rất cần sự vào cuộc truyền thông từ các cơ quan báo chí, nhất là trong việc tuyền đi thông điệp: Nếu như người dân tiếp tục ủng hộ, sử dụng các trang web lậu, thì các DN mua bản quyền với chi phí rất cao sẽ bị tổn thất rất lớn, có thể sẽ không mua bản quyền nữa, nếu vậy, điều thiệt thòi là người sử dụng dịch vụ và trong thực tế đã diễn ra rồi”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.

Thông tin đến truyền thông khi được hỏi về tình hình kiểm tra nền tảng xuyên biên giới TikTok, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết việc thanh, kiểm tra đến nền tảng xuyên biên giới có phức tạp hơn so với các DN hoạt động ở trong nước. Hiện nay, hoạt động kiểm tra cũng đến giai đoạn cuối cùng và đang chốt các cam kết khắc phục đối với các nền tảng xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm. Kết quả kiểm tra này sẽ được công khai trong thời gian tới./.

Bài liên quan
  • Để báo chí phát triển vì một Việt Nam hùng cường
    Một nền kinh tế phát triển là điều kiện và luôn có đội ngũ báo chí quốc gia phát triển. Đồng thời, nền báo chí quốc gia cũng cần được định hướng phát triển vì nhu cầu người dân và khát vọng hùng cường của quốc gia đó
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chặn hàng trăm trang web tổ chức livestream, link vi phạm bản quyền truyền hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO