Diễn đàn

ChatGPT: Cuộc cách mạng định hình ngành truyền thông hiện đại

Ngọc Diệp 27/11/2024 08:26

Sự xuất hiện của ChatGPT không chỉ là một cột mốc quan trọng trong lịch sử công nghệ mà còn mở ra những cơ hội và thách thức mới cho ngành truyền thông.

Hai năm sau khi ra mắt, ChatGPT đã chứng minh sức ảnh hưởng vượt trội của mình trong việc thay đổi cách thức truyền thông, từ sáng tạo nội dung đến tối ưu hóa quy trình sản xuất tin tức.

image-chatgpt.webp.png

Mang đến những cơ hội đột phá trong truyền thông

Khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm 2022, ít ai ngờ rằng công cụ này lại trở thành một biểu tượng toàn cầu chỉ trong thời gian ngắn. Được OpenAI giới thiệu như một “mô hình xem trước các nghiên cứu”, ChatGPT nhanh chóng đạt được cột mốc 100 triệu người dùng chỉ trong hai tháng đầu tiên.

Đến tháng 10/2024, con số này đã tăng lên hơn 200 triệu người dùng hoạt động hàng tuần, đưa OpenAI trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới với giá trị thị trường đạt 157 tỷ USD.

Sự phát triển thần tốc của ChatGPT là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực truyền thông. Với khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) vượt trội, ChatGPT đã thay đổi cách các nhà báo, biên tập viên và tổ chức truyền thông làm việc.

Từ việc phân tích khối lượng lớn dữ liệu đến sáng tạo nội dung, ChatGPT đã trở thành một trợ thủ đắc lực, giúp ngành truyền thông tiết kiệm thời gian và tăng cường độ chính xác trong công việc.

ChatGPT đã giúp các tổ chức truyền thông đẩy nhanh quá trình sản xuất nội dung. Công cụ này không chỉ hỗ trợ viết tin tức, báo cáo mà còn phân tích dữ liệu phức tạp, từ đó tạo ra các câu chuyện đầy đủ, sâu sắc hơn.

Theo báo cáo mang tên “Trách nhiệm và sứ mệnh của phương tiện truyền thông báo chí trong kỷ nguyên AI”, AI đang thúc đẩy năng suất trong ngành truyền thông báo chí, nâng cao khả năng thu thập, sản xuất, phân phối và đánh giá nội dung. AI hỗ trợ thu thập thông tin cơ bản, đề xuất các nguồn tin và địa chỉ liên hệ cũng như xác minh thông tin, qua đó cung cấp cho biên tập viên nhiều thông tin có giá trị hơn và nhiều góc nhìn đa dạng hơn. Các công nghệ như bot viết và trợ lý sáng tạo AI giúp những người làm công tác truyền thông thực hiện một số công việc đơn giản và có tính chất lặp lại.

Patrick Swanson, một chuyên gia công nghệ và nhà báo tại San Francisco đã nhận định: “ChatGPT thay đổi tất cả. Nó không chỉ giúp nhà báo làm việc hiệu quả hơn mà còn thúc đẩy ngành báo chí tiến vào một giai đoạn hoàn toàn mới”.

Các tổ chức truyền thông lớn như Der Spiegel tại Đức đã tiên phong áp dụng AI vào cả biên tập và kinh doanh. Họ sử dụng các công cụ như ChatGPT để cá nhân hóa nội dung cho độc giả, tăng mức độ tương tác và cải thiện doanh thu. Điều này không chỉ giúp họ duy trì sức cạnh tranh mà còn mở ra những cơ hội mới trong việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với khán giả.

Ông Christoph Zimmer, Giám đốc sản xuất của Der Spiegel cho biết: “Chúng tôi thử nghiệm với cá nhân hóa và chúng tôi nghĩ đến việc sử dụng AI để kiểm tra thông tin, nhưng cũng để cá nhân hóa việc phân phối nội dung nhằm thu hút độc giả tốt hơn bằng cách điều chỉnh nội dung theo sở thích của họ".

Không chỉ những “ông lớn”, các tòa soạn nhỏ cũng hưởng lợi từ sự đột phá của AI. Nikita Roy, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI và truyền thông chia sẻ: “Những đổi mới thú vị nhất thường đến từ các tòa soạn nhỏ, nơi họ sử dụng ngôn ngữ tự nhiên để tạo ra các ứng dụng AI tùy chỉnh, giúp làm việc nhanh hơn và hiệu quả hơn.”

Một ví dụ điển hình là iTromsø, một tòa soạn nhỏ tại Na Uy, đã phát triển công cụ AI Djinn để tự động thu thập và tổng hợp dữ liệu mỗi ngày từ các cổng thông tin chính phủ, tóm tắt chúng và chia sẻ cho các nhà báo.

Việc này giúp các nhà báo tiết kiệm đáng kể thời gian - giảm thời gian làm việc hàng ngày từ 2 giờ xuống chỉ còn 20 phút - cho phép họ có thời gian tập trung vào việc sáng tạo nội dung chất lượng cao hơn, từ đó thúc đẩy lượng độc giả đăng ký.

Đồng tình với quan điểm này, Liam Andrew, Trưởng nhóm công nghệ, sản phẩm và AI tại Dự án báo chí Hoa Kỳ, cho biết: “Chúng tôi đã thấy một số ví dụ tuyệt vời về các công cụ AI, chẳng hạn như những công cụ giúp các tòa soạn thu thập dữ liệu bầu cử hoặc hợp lý hóa các yêu cầu hồ sơ công khai. Bằng cách ứng dụng AI để tự động hóa các tác vụ thông thường, các nhà báo có thể tập trung vào các cuộc điều tra sâu hơn mà thực sự quan trọng”.

Không chỉ vậy, ChatGPT còn mở ra cơ hội cá nhân hóa nội dung, mang đến cho độc giả những trải nghiệm phù hợp hơn với sở thích và nhu cầu cá nhân. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự hài lòng của khán giả mà còn cải thiện tỷ lệ chuyển đổi trong các chiến dịch tiếp thị nội dung.

Còn nhiều thách thức

Mặc dù ChatGPT là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành truyền thông nhưng không phải là không có hạn chế. Một những những hạn chế lớn nhất là khả năng tạo ra thông tin sai lệch hoặc không đáng tin cậy - hiện tượng được gọi là “ảo giác AI”.

Điều này đặt ra nhiều nghi vấn về tính chính xác và độ tin cậy của các nội dung do AI tạo ra, đặc biệt là trong bối cảnh truyền thông cần đảm bảo tính minh bạch, chính thống và đạo đức nghề nghiệp.

screen-shot-2024-11-26-at-14.58.10.png

Theo Florent Daudens, chuyên gia từ công ty công nghệ Hugging Face, mọi người đều thấy được những lợi ích vượt trội mà AI mang lại, nhưng cũng không thể bỏ qua những mặt tiêu cực của nó. AI không phải lúc nào cũng phù hợp cho mọi tình huống. Dù ChatGPT là một công cụ rất mạnh mẽ, nhưng không phải luôn là lựa chọn tối ưu trong mọi trường hợp.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng ChatGPT cũng đặt ra những thách thức lớn về đạo đức. Câu hỏi về quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư và việc sử dụng dữ liệu không được phép đang ngày càng trở nên quan trọng. Nikita Roy cảnh báo: “Chúng ta cần đảm bảo rằng việc sử dụng AI trong báo chí không vi phạm quyền lợi của cá nhân và tổ chức, đồng thời duy trì tiêu chuẩn đạo đức cao nhất".

Tương lai của ChatGPT trong ngành truyền thông

Với tiềm năng to lớn, ChatGPT và các công cụ AI tương tự được kỳ vọng sẽ tiếp tục cách mạng hóa ngành truyền thông trong những năm tới. Jane Barrett, Giám đốc AI tại Reuters tin rằng AI sẽ thay đổi cách con người tiếp cận tin tức: “Hãy tưởng tượng một tương lai, nơi AI cung cấp cho bạn bản tin cá nhân hóa hoàn hảo chỉ trong vài phút - đúng bằng thời gian bạn cần để đi đến nơi làm việc.”

Trong tương lai, sự kết hợp giữa AI và những nhà báo sẽ mở ra những cơ hội chưa từng có, giúp ngành truyền thông phát triển một cách bền vững và sáng tạo. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng này, các tổ chức cần đảm bảo rằng công nghệ AI được áp dụng một cách minh bạch, đạo đức và có trách nhiệm.

Như vậy, có thể thấy sau 2 năm xuất hiện, ChatGPT đã và đang chứng minh AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực thúc đẩy sự đổi mới trong ngành truyền thông. Tuy còn nhiều thách thức nhưng với cách tiếp cận đúng đắn, ChatGPT sẽ tiếp tục góp phần định hình một tương lai truyền thông sáng tạo và đổi mới, mang đến giá trị vượt trội cho cả nhà báo lẫn độc giả./.

Theo wan-ifra, xinhuanet
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ChatGPT: Cuộc cách mạng định hình ngành truyền thông hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO