Báo chí

ChatGPT và thời cơ để làm báo chí sáng tạo, hiện đại hơn

Minh Trang 14:30 22/02/2023

“Một khi ChatGPT có thể làm thay Phóng viên, Biên tập viên ở một số khâu thì đó lại là điều kiện thuận lợi để chúng ta cơ cấu lại tòa soạn, sắp xếp lại bộ máy để cho ra đời những sản phẩm báo chí sáng tạo và hiện đại hơn”. Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ như vậy với Tạp chí Thông tin và Truyền thông về hiện tượng “cơn sốt” ChatGPT trên truyền thông, trong đó có lĩnh vực báo chí.

PV: Thưa ông, với kinh nghiệm nhiều năm áp dụng công nghệ số vào hoạt động báo chí hiện đại, ông có thể đưa ra nhận định tổng quan, khái quát nhất về ChatGPT để độc giả có thể hình dung?

Ông Nguyễn Hoàng Nhật: Xu hướng sử dụng Trí tuệ nhân tạo vào hoạt động tác nghiệp báo chí không còn mới. Vài năm trước, nhiều tòa soạn trên thế giới đã sử dụng Chatbot để tăng cường tương tác với độc giả. Ở Việt Nam, nhiều báo điện tử cũng từng đã đi tiên phong, trong đó Chatbot của VietnamPlus từng đoạt giải thưởng của Hiệp hội các hãng thông tấn châu Á Thái Bình Dương OANA năm 2018.

2022_06_11_12_47_img_6916.jpg
Phó Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus Nguyễn Hoàng Nhật. Ảnh: Minh Trang

Đương nhiên, ChatGPT có chút khác biệt so với chatbot của các tòa soạn báo, khi nó được huấn luyện để trở nên “thông minh” hơn, đa năng hơn. đồng thời người dùng phổ thông cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Đấy là lý do ChatGPT tạo nên cơn sốt trên truyền thông chính thống cũng như truyền thông xã hội.

PV: Có thông tin từ một số nhận định về ChatGPT sẽ gây tác động không nhỏ đến hoạt động báo chí nhất là quá trình chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam, thậm chí có ý kiến ChatGPT có thể làm thay Phóng viên, Biên tập viên ở một số khâu... Vậy ông có thể chia sẻ về vấn đề tác động của ChatGPT đến hoạt động báo chí và các cơ quan báo chí?

Ông Nguyễn Hoàng Nhật: Như tôi đã nói, Trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng trong việc tác nghiệp tại các cơ quan báo chí từ lâu rồi. Nhiều hãng thông tấn như AP, Yonhap… cũng đã sử dụng robot để viết các tin tức đơn giản. Thậm chí, trang tin tức tổng hợp MSN của Microsoft đã từng sa thải biên tập viên tuyển chọn tin vì công việc đó đã có các robot đảm đương. Như thế, nguy cơ nhà báo mất việc vì AI là có thật.

Nhưng trên thực tế, Trí tuệ nhân tạo giúp ích cho các nhà báo nhiều hơn là đe dọa lấy mất việc. Như trong vụ Panama Papers, Hiệp hội Phóng viên điều tra quốc tế đã sử dụng AI để lọc hàng triệu trang tài liệu từ các “công ty ngoài khơi” để hoàn tất bài điều tra có sức tác động lớn và sâu rộng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hay việc sản xuất podcast, video (có người dẫn chương trình hoặc đọc tin tức) đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nhờ AI. Ngay cả các tòa soạn nhỏ cũng có thể sản xuất hàng loạt những tin tức đa phương tiện như vậy với kinh phí cực thấp.

PV: ChatGPT có thể được các cơ quan báo chí “vận dụng” hoặc tận dụng những mặt tích cực như thế nào, ông có thể gợi ý những giải pháp để cụ thể hóa, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoàng Nhật: Hiện nay báo chí đang phải cạnh tranh trực tiếp với truyền thông xã hội, nên theo quan điểm của cá nhân tôi, những ứng dụng AI như ChatGPT sẽ giúp nhà báo đẩy nhanh tiến độ, sản lượng khi sản xuất thông tin để phục vụ bạn đọc. Chẳng hạn như trước đây, muốn sản xuất một bản tin tổng hợp theo dạng video, chúng ta thường mất khoảng 2-3 nhân sự để cho ra một bản tin 5 phút. Giờ nhờ ChatGPT cũng như nhiều ứng dụng khác (dựng video, làm đồ họa, đọc lời bình…) thì chỉ cần một phóng viên (hoặc biên tập viên) cũng có thể hoàn thành khối lượng công việc như vậy trong một khoảng thời gian rất ngắn.

chatgpt-didongviet-cover.jpg

Ngoài ra, một khi ChatGPT có thể làm thay PV, BTV ở một số khâu thì đó lại là điều kiện thuận lợi để chúng ta cơ cấu lại tòa soạn, sắp xếp lại bộ máy để cho ra đời những sản phẩm báo chí sáng tạo và hiện đại hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
ChatGPT và thời cơ để làm báo chí sáng tạo, hiện đại hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO